Trung Quốc hoàn thành hệ thống định vị toàn cầu

Cập nhật, 12:49, Chủ Nhật, 28/06/2020 (GMT+7)

 

Tên lửa Trường Chinh-3B đưa vệ tinh định vị của Trung Quốc lên quỹ đạo.
Tên lửa Trường Chinh-3B đưa vệ tinh định vị của Trung Quốc lên quỹ đạo.

Hệ thống định vị toàn cầu của Trung Quốc đã được hoàn thành sau vụ phóng vệ tinh cuối cùng Bắc Đẩu-3GEO3.

Hôm 23/6/2020, Trung Quốc đã phóng vệ tinh cuối cùng trong hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu mang tên Bắc Đẩu của nước này.

Vệ tinh mang tên Beidou-3GEO3 được gắn trên đỉnh tên lửa đẩy Trường Chinh- 3B cất cánh vào lúc 8h43 sáng 23/6 theo giờ Hà Nội tại trung tâm phóng Tây Xương ở thung lũng Lương Sơn (tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam Trung Quốc).

Khoảng 30 phút sau khi phóng, vệ tinh đã triển khai vào quỹ đạo theo đúng kế hoạch, đánh dấu sự hoàn thành của hệ thống Beidou-3 được Trung Quốc phát triển trong 3 năm qua. Đây là mạng lưới vệ tinh không gian lớn nhất của Trung Quốc và là 1 trong 4 hệ thống định vị toàn cầu trên thế giới, bên cạnh GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của Châu Âu.

Việc phóng vệ tinh Beidou-3 cuối cùng (vệ tinh thứ 30) đã được lên kế hoạch từ tháng 5 nhưng nhiều lần bị trì hoãn do những vấn đề kỹ thuật liên quan đến tên lửa đẩy trong quá trình thử nghiệm.

Giới quan sát nhận định việc Trung Quốc hoàn tất hệ thống vệ tinh định vị giúp nước này đóng vai trò quan trọng trong thị trường dịch vụ định vị toàn cầu giá trị tỷ USD. Bắc Đẩu là hệ thống định vị toàn cầu của Trung Quốc, có thể cạnh tranh với GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của EU.

So với 3 hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ, Nga và Châu Âu, hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc được mô tả là chính xác hơn với sai số chỉ 10cm. Hệ thống cũng bổ sung một số tính năng mới như dịch vụ nhắn tin văn bản, cho phép liên lạc giữa người dùng và khả năng theo dõi vị trí người dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Vệ tinh Beidou-3GEO3 cũng sẽ giúp cải tiến công nghệ robot, xe tự lái và mạng 5G. Mặc dù có phạm vi phủ sóng toàn cầu, hệ thống chủ yếu nhắm vào thị trường Trung Quốc và khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Hệ thống Bắc Đẩu thương mại hóa từ năm 2012 và ban đầu chỉ giới hạn trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương trước khi mở rộng dịch vụ toàn cầu từ năm 2018. Hệ thống hoạt động dựa trên mạng lưới khoảng 30 vệ tinh. Hệ thống này giúp Trung Quốc đảm bảo an toàn hoạt động liên lạc quân sự và cải thiện mức độ chính xác các loại vũ khí của nước này, đặc biệt tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Hiện dịch vụ có thể được sử dụng bởi hàng triệu thiết bị di động để định vị như tìm các nhà hàng, cây xăng, rạp hát… ở khu vực lân cận, dẫn đường cho taxi, tên lửa hay giúp các thiết bị bay không người lái định vị.

Tính đến năm 2019, hơn 70% số điện thoại di động tại Trung Quốc được cài đặt định vị Bắc Đẩu, bao gồm các thiết bị của Huawei, Oppo, Xiaomi, Vivo và Samsung.

Hệ thống định vị của Trung Quốc hiện đang được nhiều quốc gia sử dụng. Khoảng 120 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan và Pakistan, đang sử dụng dịch vụ của Bắc Đẩu để quan sát lưu thông tại cảng, hướng dẫn chiến dịch cứu hộ trong thảm họa và các ứng dụng khác.

Nhà thiên văn học Jonathan McDowell tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) nhận xét, hệ thống định vị của Trung Quốc là một nỗ lực độc lập của Trung Quốc khỏi các “ông lớn” Mỹ hay Châu Âu.

“Tôi cho rằng hệ thống Bắc Đẩu-3 đi vào vận hành là một sự kiện lớn. Đây là dự án đầu tư lớn của Trung Quốc giúp nước này độc lập khỏi các hệ thống của Mỹ và Châu Âu”- ông McDowell nói.

Tuy nhiên, ông McDowell nhận định hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu khó hất cẳng được GPS trong vòng 10 năm hay thậm chí 20 năm tới.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)