Công nghệ Nga vượt Mỹ về bảo mật smartphone

Cập nhật, 06:04, Chủ Nhật, 26/11/2017 (GMT+7)

Công nghệ xác thực của Nga có thể biến thiết bị di động được bảo mật tới mức tuyệt đối.

Nhóm nghiên cứu mới của Nga cho phép dùng công nghệ sinh trắc học để xác thực điện thoại di động.
Nhóm nghiên cứu mới của Nga cho phép dùng công nghệ sinh trắc học để xác thực điện thoại di động.

Sputnik thông tin: Nhóm nghiên cứu của Viện Các hệ thống trí tuệ và điều khiển học thuộc ĐH Tổng hợp quốc gia nghiên cứu hạt nhân Moscow (MEPhI) vừa qua đã phát triển công nghệ xác thực có thể đảm bảo cho thiết bị di động có được sự bảo mật ở mức cao nhất. Theo đó, phương pháp xác thực người dùng mới được dựa trên danh định sinh trắc học.

Phương pháp này theo dõi hành vi của người dùng, các thông số đặc trưng của người dùng cho phép xác định ai đang sử dụng chiếc điện thoại thông minh đó: chủ sở hữu hay
người lạ?

Nhóm nghiên cứu cho rằng, trên thực tế mỗi người có phong cách riêng độc đáo khi sử dụng điện thoại- cách cầm smartphone, cách các ngón tay tương tác với màn hình cảm ứng, cách sử dụng các tiện ích cũng khác nhau.

Do đó, dựa vào các đặc điểm được xác định chung là danh định sinh trắc học, người dùng rất thuận tiện để sử dụng mà vẫn đảm bảo độ bảo mật, mức độ thiết bị di động bị tin tặc tấn công là
thấp hơn.

“Nét mới trong nghiên cứu khoa học của chúng tôi là ở chỗ: trong dự án này chúng tôi lần đầu tiên sử dụng các công nghệ khai thác dữ liệu, học máy và mạng lưới thần kinh nhân tạo để đảm bảo xác nhận liên tục người dùng theo danh định sinh trắc học.

Các cảm biến với độ nhạy cực cao được trang bị cho điện thoại thông minh hiện đại cho phép xác định đặc điểm hành vi của mỗi người dùng.

Dữ liệu này cùng với thông tin đến từ màn hình cảm ứng và các cảm biến khác cho phép xác thực người dùng với độ chính xác rất cao”- Trưởng nhóm dự án MEPhI là GS. Konstantin Kogos cho biết.

Các biện pháp xác thực hiện nay như bằng mật khẩu có bất tiện là buộc người dùng phải liên tục nhập mã số, mã xác minh.

Xác thực bằng dấu vân tay cũng có nhược điểm đáng kể: thông qua những phần mềm độc hại kẻ tấn công có thể sao chép dấu vân tay và thậm chí đánh tráo dấu vân tay làm chủ nhân smartphone bị chặn.

Còn phương pháp này có ưu điểm hơn hoàn toàn so với các phương pháp phổ biến hiện nay đang được sử dụng để bảo vệ thiết bị di động chính là người dùng không cần có thao tác bổ sung nào cả.

Nhóm nghiên cứu người Nga xác định, công nghệ xác thực này có thể thu hút sự chú ý của các chuyên gia phát triển thiết bị và ứng dụng di động đòi hỏi xác thực liên tục người dùng, chẳng hạn như dịch vụ ngân hàng, doanh nghiệp và dịch vụ nhắn tin tức thời.

Với những đặc điểm của phương pháp xác thực mới do nhóm nghiên cứu Nga giới thiệu, chiếc smartphone sẽ có tính bảo mật cao hơn nhiều so với chiếc điện thoại di động được hãng điện thoại Mỹ Apple tự hào là công nghệ bảo mật khó có thể qua mặt nhất- iPhone X.

Khi Apple công bố tính năng Face ID trên iPhone X, hàng loạt những con số được đưa ra để chứng minh sự bảo mật của nó.

Tuy nhiên, Công ty bảo mật Việt Nam- BKAV mới đây đã trình bày một thí nghiệm với chiếc mặt nạ hoàn toàn có thể qua mặt FaceID để mở khóa mà không cần có chủ nhân ở đó.

Việc “đánh lừa” iPhone X được thực hiện nhờ điểm yếu của trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện gương mặt người dùng của Apple.

Apple huấn luyện cho AI của mình phân biệt được gương mặt thật và gương mặt giả. Như vậy, AI của Apple có thể làm rất tốt việc phân biệt gương mặt thật và đâu là gương mặt của một chiếc mặt nạ. Nhưng, một gương mặt nửa thật nửa giả sẽ là vấn đề với AI.

Gương mặt nửa thật nửa giả là một chiếc mặt nạ được Bkav in 3D nhưng một số chi tiết sẽ được dán ảnh chụp vào. Các vị trí như má hay trán được dán băng dính giấy.

Trí tuệ nhân tạo sẽ hiểu người dùng đang đeo khăn hoặc bị che một phần mặt và do đó vẫn cho phép mở khóa.

Sau nhiều lần thử nghiệm, chiếc mặt nạ với giá chỉ 150 USD của BKAV đã có thể mở được chiếc iPhone X ở một số góc độ nhất định.

Theo ông Nguyễn Tử Quảng- CEO Bkav: “Hình ảnh 3D của mặt người cũng có thể quét rất nhanh mà nạn nhân không biết. Do đó vấn đề trở nên nghiêm trọng với những người có liên quan đến an ninh quốc gia, lãnh đạo tập đoàn lớn vì giá trị của họ mới đáng để sử dụng công nghệ khai thác mặt”.

Bkav cũng cho biết họ đã vượt qua công nghệ quét mống mắt của Samsung và giờ là nhận diện mặt Face ID của Apple. Từ đó khẳng định, công nghệ bảo mật sinh trắc học tốt nhất lúc này là quét vân tay vì việc khai thác vân tay khó hơn nhiều chụp ảnh mặt và chụp mắt.

Với sự kết hợp giữa tính tiện dụng và bảo mật, công nghệ xác thực dựa trên danh định sinh trắc học của Nga có lẽ là phương pháp hiệu quả nhất cho smartphone hiện nay.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)