Cùng với khí thế Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trận đánh vào Sân bay Vĩnh Long đã tạo nên một khí thế mới ở cả nông thôn và thành thị- khí thế cả nước ra trận, toàn dân đánh giặc.
Cùng với khí thế Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trận đánh vào Sân bay Vĩnh Long đã tạo nên một khí thế mới ở cả nông thôn và thành thị- khí thế cả nước ra trận, toàn dân đánh giặc.
Nói như Thiếu tướng Lê Quang Viễn (Bảy Viễn)- nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Vĩnh Long, tại tọa đàm khoa học kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, thì trận đánh vào Sân bay Vĩnh Long đã giành thắng lợi to lớn, khiến hệ thống phòng thủ của địch bị lung lay, các mục tiêu phòng thủ của địch được địch tuyên truyền là bất khả xâm phạm, là an toàn; nhưng với trận đánh này thì không còn vị trí nào mà quân giải phóng không đánh được và do đó không có nơi nào là an toàn đối với địch.
Đòn đánh đau, đánh hiểm
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Khu ủy và Tỉnh ủy phân công ông Bảy Viễn (khi đó là Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng) phụ trách địa bàn TX Vĩnh Long.
Đối với mục tiêu đánh chiếm sân bay, ông Bảy Viễn cho biết, ta đã tổ chức trinh sát, nghiên cứu tình hình địch nhưng gặp phải nhiều khó khăn.
Đây là 1 trong 4 sân bay lớn ở miền Tây Nam Bộ, là bàn đạp xuất phát hành quân đánh phá bằng trực thăng của địch ở chiến trường Sa Đéc- Vĩnh Long- Trà Vinh, tập trung khá đông phương tiện chiến tranh của địch.
Hệ thống bảo vệ sân bay được địch xây dựng hoàn chỉnh, kiên cố. Xung quanh sân bay địch xây dựng tháp canh kiên cố, canh gác 24/24, bố trí vũ khí hiện đại.
Do đó, ta phải sử dụng các đồng chí đặc công có kinh nghiệm và gan dạ cùng với một số cơ sở trong sân bay cung cấp để nắm tình hình.
2 giờ 30 phút đêm giao thừa Tết Mậu Thân, tiếng súng mở màng của ta từ sân bay vang lên; tiếp đó từ các hướng, các mũi súng nổ dồn dập liên hồi, ánh lửa bừng lên sáng rực bầu trời TX Vĩnh Long.
Tiểu đoàn 857 được sự hỗ trợ của 1 đại đội đặc công và 1 đại đội pháo binh đánh chiếm toàn bộ sân bay, tạo điều kiện cho các hướng khác đánh chiếm và làm chủ toàn bộ thị xã.
Ông Bảy Viễn xúc động: “Các anh thực sự là những chiến sĩ cảm tử. Nhiều tổ chiến đấu đến người cuối cùng, đến viên đạn cuối cùng và cũng xuất hiện những trận đánh “giáp lá cà” với địch. Mặc dù ta giành được thắng lợi lớn, nhưng tổn thất cũng hết sức nặng nề, hơn 30 chiến sĩ thương vong tại sân bay”.
Các ngày sau đó, các chiến sĩ cảm tử quyết chiến đấu đến cùng rồi hy sinh oanh liệt chứ nhất định không để bị địch bắt.
Trước tình hình ngày càng bất lợi cho ta, Ban chỉ huy thống nhất tỉnh Vĩnh Long chủ trương cho các bộ phận giải quyết hậu quả trận đánh, chuyển đội hình qua bố trí ở bờ Tây rạch Cái Cam, một bộ phận tiếp tục đánh địch phản kích.
Ông Bảy Viễn nhận định: “Đây là một đòn đánh đau, đánh hiểm, phá hủy nhiều máy bay nhất tại Vĩnh Long.
Đây cũng là trận đánh của sự đoàn kết hiệp đồng giữa các lực lượng, trận đánh của cả lực lượng vũ trang và nhân dân trong thế chiến tranh nhân dân địa phương, là trận tiêu biểu điển hình nhất của nhiều trận đánh trong những ngày ác liệt tại chiến trường Vĩnh- Trà”.
Những bài học quý giá
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao.
Đại tá Phạm Văn Bé Tư- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh- khẳng định: Đó là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới, là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, ý chí và quyết tâm chống Mỹ cứu nước, tinh thần đấu tranh vì một quốc gia thống nhất của nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- cho rằng, thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cơ sở nắm chắc tư tưởng cách mạng tiến công, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo, chọn đúng phương hướng tiến công, sử dụng đúng lực lượng...
Đó cũng là kết quả của cả một quá trình tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm từ truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc, tư tưởng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, lấy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân để đánh thắng giặc Mỹ.
Khẳng định bài học về tinh thần yêu nước, thương nòi, ý chí quyết chiến, quyết thắng được biểu hiện sinh động qua sự kiện lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự cho đến ngày nay; Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Tiếp tục nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Riêng lực lượng vũ trang phải vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong mọi tình huống.
Ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long 50 năm đã qua, những giá trị lịch sử và bài học được đúc rút bằng xương bằng máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 phải được thường xuyên ghi nhớ. Càng tự hào, càng trân trọng và đời đời nhớ ơn cán bộ, chiến sĩ, đồng chí đồng bào dũng cảm hy sinh đem máu xương của mình tô điểm cho chiến thắng hào hùng Xuân Mậu Thân 1968, cho độc lập tự do của dân tộc và cuộc sống hôm nay. Lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là mẫu số chung của người Việt Nam, là sức mạnh của dân tộc cần được phát huy trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Tôi tin rằng, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long, cả tuổi trẻ Vĩnh Long, luôn nêu cao và phát huy tinh thần Mậu Thân anh dũng, tinh thần quyết chiến quyết thắng, mãi mãi sáng chói trên bước đường cách mạng hiện nay.
Ông Phạm Ngọc Thuần- nguyên Đại đội trưởng Đại đội 58 (Tiểu đoàn 306) Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời, của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để giành độc lập tự do được dẫn dắt soi đường, sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Thế hệ trẻ hôm nay phải nêu cao tinh thần tiến công, sáng tạo, đoàn kết cùng toàn Đảng, toàn dân phát huy các thành quả cách mạng. Các em phải ý thức, có tính tổ chức, kỷ luật cao, phấn đấu học tập, rèn luyện tích cực, xây dựng đất nước mãi hùng cường. Chỉ bằng cách ấy mới đền đáp xứng đáng sự hy sinh của những thế hệ đi trước, mặc dù mỗi thế hệ có vai trò không thể thay thế. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin