Chợ hoa tết và câu chuyện trả giá

Cập nhật, 05:11, Thứ Ba, 21/01/2020 (GMT+7)

Mấy ngày nay, không khí mua sắm tết đã rất nhộn nhịp- nhất là khu chợ hoa xuân. Người người, nhà nhà tranh thủ chọn mua hoa tươi, cây cảnh mang về trang hoàng nhà cửa đón tết.

Có một thực tế là dù tết đã cận kề nhưng người mua vẫn “không nóng vội” mà tranh thủ dạo một vòng khắp chợ hoa để dọ giá. Bởi, mỗi nơi giá mỗi khác, có nơi lại “hét giá” cao.

Đi chợ hoa tết, trả giá âu cũng là một điều vui vui. Nhưng trả tới, trả lui, trả đến mức người đi ngang có cảm giác đây như là một cuộc cãi lộn thì thành ra mất vui.

Vì thế, theo tôi việc trả giá khi mua hàng cũng phải bao hàm phạm trù văn hóa để người bán vui lòng mà người mua cũng thuận ý. Nhưng để làm được điều này, trước hết đòi hỏi người bán không nên “nói thách” hay “hét giá”.

Nhiều người bán cho rằng hoa của mình nhiều bông hơn, cây kiểng đẹp hơn nên giá đắt hơn. Điều này là hợp lý. Nhưng đắt hơn cũng nên ở mức độ vừa phải. Đằng này đẹp hơn chút ít nhưng lại báo giá gấp đôi, gấp ba thì khó mà chấp nhận được.

Nhiều người còn thẳng thừng rằng: “Nói vậy trả giá nữa là vừa”. Chính sự “hét giá” này là rào cản khiến người mua và người bán không tìm được tiếng nói chung.

Thiết nghĩ, người bán nên niêm yết giá vừa tiện cho người mua mà cũng tránh cảnh khách hàng đông mà chỉ xoay qua, xoay lại cũng để trả lời một câu hỏi là giá bao nhiêu. Bên cạnh đó, người mua cũng nên nghĩ đến công sức của người bán đã bỏ ra để có được những chậu hoa, cây cảnh đẹp như thế này mà đưa ra mức giá trả phù hợp.

Để kiếm được đồng tiền thì ai cũng phải vất vả như nhau. Vì thế, người bán- người mua nên nghĩ đến nhau mà báo giá- trả giá hợp lý để tết này ai cũng sẽ được vui.

NHƯ Ý