Việc điều trị và phòng ngừa loãng xương

Cập nhật, 16:12, Thứ Sáu, 11/09/2020 (GMT+7)

Tôi đi kiểm tra sức khỏe được chẩn đoán là loãng xương. Xin bác sĩ cho biết việc điều trị và phòng ngừa loãng xương như thế nào?

Nguyễn Thị Thanh Hương (Tân Lược- Bình Tân)

Trả lời: Loãng xương là quy luật tất yếu của thời gian. Loãng xương có thể phòng ngừa để làm chậm sự xuất hiện hoặc nếu xuất hiện cũng ở mức độ nhẹ.

Nguyên tắc phòng ngừa và điều trị loãng xương có nhiều điểm chung như bữa ăn giàu canxi là rất quan trọng. Sữa, bơ, phô mai, rau màu xanh đậm, đậu nành, hạnh nhân, hải sản… là các loại thực phẩm giàu canxi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để biến bữa ăn đầy đủ canxi, nếu vậy phải bổ sung canxi dạng thuốc. Bữa ăn hàng ngày thường chỉ đảm bảo cung cấp 50- 60% nhu cầu canxi của cơ thể (1- 1,5 g/ngày).

Vitamin D cũng quan trọng như canxi bởi có vitamin D, canxi mới được hấp thu. Nhu cầu cơ thể cần 600- 800 UI vitamin D mỗi ngày. Ánh nắng mặt trời là nguồn cung vitamin D thiên nhiên tuyệt vời.

Nhiều thuốc có tác dụng ức chế hoạt tính tế bào hủy xương sử dụng điều trị loãng xương.

Chơi thể thao, tập thể dục giúp củng cố sức mạnh của xương, tăng sức mạnh và độ dẻo dai cơ bắp giúp cơ thể giữ thăng bằng khó té ngã, giảm nguy cơ gãy xương. Người bệnh loãng xương chỉ nên tập với cường độ vừa phải, tránh vận động quá mạnh có thể dẫn đến gãy xương.

Không sử dụng dài ngày các loại thuộc nhóm corticoid nếu thật sự không cần thiết, hạn chế sử dụng các chất ức chế tạo xương như thuốc lá, bia, rượu,… hạn chế sử dụng các chất làm giảm hấp thu canxi qua đường tiêu hóa như cà phê, ca cao, socola.

Đề phòng gãy xương ở người loãng xương bằng cách sử dụng nẹp chỉnh hình giảm bớt lực tì đè lên cột sống, khung chậu, khớp háng, nhà đầy đủ ánh sáng, sàn nhà tránh trơn trợt.

Chữa bệnh phải chữa kéo dài, thường khoảng 3- 5 năm tùy mức độ loãng xương. Phòng bệnh thì phòng suốt đời, bắt đầu từ khi còn trong bào thai, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ canxi và vitamin D.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)