Bệnh hô hấp gia tăng, bác sĩ khuyến cáo tránh sai lầm khiến trẻ bệnh nặng

Cập nhật, 10:39, Thứ Bảy, 19/09/2020 (GMT+7)

Thời tiết đang giao mùa cộng với việc học sinh bắt đầu đến trường trở lại đã khiến cho số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp đang gia tăng, trong đó nhiều trẻ bị nặng phải thở máy.

Trẻ nhập viện tăng nhanh

Ghi nhận tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), trong khoa có 120 giường bệnh nhưng đang phải điều trị cho hơn 150 trẻ, trong đó có nhiều trẻ bị suy hô hấp nặng phải thở máy. Đa số trẻ mắc bệnh hô hấp đang nằm điều trị tại đây có những chuyển biến nặng là trẻ dưới 2 tuổi và có nhiều bệnh nền kèm theo.

Trẻ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp đang gia tăng.
Trẻ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp đang gia tăng.

“Trong khoa Hô hấp có 3 phòng cấp cứu nhưng giường cấp cứu đều đã kín bệnh nhân. Tất cả những trẻ ở đây phải thở oxy. Đa số rơi vào nhóm trẻ nguy cơ như trẻ dưới 3 tháng tuổi, nhiều bệnh nền, trẻ suy dinh dưỡng, sinh non…”, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Chăm cậu con trai mới 6 tháng tuổi trong phòng cấp cứu của khoa Hô hấp, chị Nguyễn Thị Thúy Duyên (ngụ Trà Vinh) cho biết, bé bị sốt, ho, khò khè nên gia đình đưa đi khám ở bệnh viện địa phương nhưng không hết. Thấy tình trạng bé ngày càng nặng nên gia đình đã đưa bé đi lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám và bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản nặng, được đưa thẳng vào phòng cấp cứu thở máy.

“Cậu con trai lớn 3 tuổi mới đi học được mấy ngày giờ cũng ho và sốt nhẹ đang nằm ở nhà ông bà chăm”, chị Duyên nói.

Những bệnh nhi bị hô hấp nặng phải thở máy thường rơi vào những trẻ có nhiều bệnh nền kèm theo.
Những bệnh nhi bị hô hấp nặng phải thở máy thường rơi vào những trẻ có nhiều bệnh nền kèm theo.

Ngồi dỗ cô con gái đang quấy khóc, phụ huynh bệnh nhi H.N.G (ngụ An Giang) chia sẻ: “Bé bị ho liên tục 4 ngày, gia đình đưa đi khám ở phòng khám dưới tỉnh và uống thuốc liên tục nhưng bé vẫn không hết. Khi đưa lên TP Hồ Chí Minh khám bác sĩ nói bé bị viêm phế quản phải nhập viện”.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho biết, vào những năm trước, đến khoảng tháng 8 số trẻ nhập viện do mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ em không phải đến trường, người dân cũng chú ý nhiều hơn đến vấn đề giữ vệ sinh như đeo khẩu trang, rửa tay nên bệnh về đường hô hấp giảm hơn so với những năm trước.

“So với cùng kỳ năm trước thì ca bệnh giảm rất mạnh nhưng so với từng tháng thì bệnh bắt đầu tăng nhanh từ tháng 9. Dự kiến trong thời gian tới, bệnh hô hấp sẽ còn tăng và kéo dài bởi thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, trẻ cũng đã đi học trở lại”, bác sĩ Tuấn nói.

Tương tự, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, số trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng tăng gấp đôi so với 2 tháng trước đó. Hiện tại khoa Hô hấp đang điều trị cho gần 80 trẻ, trong đó có 10 trẻ phải thở máy. Những trẻ phải thở máy chỉ yếu do biến chứng từ các bệnh lý khác.

Những sai lầm thường gặp khiến trẻ bị nặng

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, mức độ nặng nhẹ của bệnh hô hấp không phụ thuộc vào việc trẻ ho ít hay ho nhiều mà quan trọng nhất chính là nhịp thở của trẻ. Tuy nhiên, hiện nay rất ít phụ huynh quan tâm đến nhịp thở của trẻ mà chỉ để ý đến số lần ho của trẻ. Bên cạnh đó, khi thấy trẻ ho, phụ huynh lại mặc rất nhiều quần áo cho trẻ nên cũng không quan sát được nhịp thở.

Khi trẻ có những dấu hiệu như bỏ bú, ho sốt, khò khè... phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.
Khi trẻ có những dấu hiệu như bỏ bú, ho sốt, khò khè... phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho biết, khi thấy trẻ bắt đầu xuất hiện các cơn ho phụ huynh phải kiểm tra nhịp thở của trẻ. Nếu trẻ thở nhanh thì đó là dấu hiệu của trẻ bị viêm phổi, cần phải theo dõi và đưa bé đi điều trị càng sớm càng tốt. Khi trẻ hít vào, lồng ngực của trẻ bị thóp vào thì đó là dấu hiệu trẻ bị viêm hô hấp nặng cần phải được đưa đến bệnh viện ngay.

“Trên thực tế, trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn ra, ngành y tế khuyến cáo người dân hạn chế đến các cơ sở y tế và các biện viện khi không cần thiết nhưng không vì thế mà phụ huynh chủ quan. Khi thấy trẻ bỏ bú, ngủ li bì, khó thở, sốt cao liên tục, co giật… thì phải đến cơ sở y tế ngay chứ không được trì hoãn”, bác sĩ Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, hầu như tháng nào khoa cũng tiếp nhận bệnh nhi đến điều trị muộn vì phụ huynh lên mạng tìm cách điều trị tại nhà cho con. Do đó, bác sĩ Tuấn cũng lưu ý: "Khi không đến được các cơ sở y tế, phụ huynh không nên tìm “bác sĩ google”. Nếu có nhu cầu tham vấn về y tế thì nên vào những trang tư vấn của các bệnh viện".

Để phòng chống bệnh hô hấp, các bác sĩ khuyến cáo nên cho trẻ mặc đủ ấm khi trời trở lạnh, chú ý khi dùng các phương tiện giải nhiệt như quạt máy, điều hòa, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên cho trẻ. Tránh trẻ tiếp xúc gần với những người đang bị cảm, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nước nhiều, cho trẻ đi chích ngừa cúm, chích vắc xin phế cầu...

Theo Đan Phương/Báo Tin tức