Nâng cao chất lượng dân số từ sàng lọc trước và sau sinh

Cập nhật, 05:37, Thứ Ba, 05/11/2019 (GMT+7)

Theo các chuyên gia y tế, sàng lọc trước sinh, sơ sinh hiện nay đang là biện pháp hiệu quả nhất giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ do dị tật bẩm sinh, hướng tới thế hệ tương lai khỏe mạnh bình thường.

Và đó là một trong những đề án trọng tâm được tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh thực hiện thời gian qua để nâng cao chất lượng dân số.

Lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả nhiều bệnh lý ở trẻ.
Lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả nhiều bệnh lý ở trẻ.

Tăng cơ hội phát hiện dị tật bẩm sinh

Sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh là mong muốn của tất cả mọi gia đình. Song, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 41.000 trẻ bị dị tật, tức khoảng 13 phút lại có một trẻ mắc dị tật bẩm sinh được sinh ra.

Đây là điều đáng tiếc vì rất nhiều bệnh hoàn toàn có thể loại trừ bằng các biện pháp sàng lọc, chẩn đoán trước sinh.

Thời gian qua, ở tỉnh Vĩnh Long, hầu hết phụ nữ mang thai đều được ngành y tế quản lý, tư vấn và khám thai định kỳ đúng quy định. Việc tầm soát trước khi sinh thông qua siêu âm, xét nghiệm máu đã được các chị em thông hiểu và thực hiện với tỷ lệ khá cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có trên 2.300 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước khi sinh, đạt chỉ tiêu mà tỉnh đã đề ra.

Với chị Trần Thị Hồng Thắm (xã Thanh Bình- Vũng Liêm), mỗi lần đi khám thai định kỳ, chị đều được bác sĩ trạm y tế, cộng tác viên dân số hướng dẫn ăn uống hợp lý, uống vitamin, sắt để có thai kỳ khỏe mạnh; khám sàng lọc trước sinh; các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sau sinh cũng như các phương pháp mới, kiểm tra bệnh tật cho trẻ sau sinh.

Còn chị Phạm Thị Ngọc Xuyên (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) cho biết: “Từ hồi mang thai tới giờ tôi cũng đi khám định kỳ có sàng lọc trước sanh. Sau này sanh xong, tôi cũng sàng lọc sơ sinh cho bé để mình biết sức khỏe của con, dễ chăm sóc hơn”.

Chị N.T.L. (35 tuổi) sau khi xét nghiệm triple test tầm soát dị tật thai nhi cho kết quả, đứa con sinh ra có nguy cơ mắc hội chứng Down và được khuyên nên chọc ối chẩn đoán chuyên sâu.

Song, vợ chồng chị không chấp nhận sự thật và cho rằng, mọi người trong gia đình hai bên nội, ngoại đều hoàn toàn bình thường thì con họ không thể bị Down.

Sau khi đi xét nghiệm ở nhiều bệnh viện đều cho kết quả tương tự, vợ chồng chị đồng ý chọc ối và không may thai nhi bị mắc hội chứng Down. Cuối cùng, dù đau lòng nhưng anh chị cũng phải quyết định đình chỉ thai kỳ.

Để thế hệ tương lai khỏe mạnh

Không ít thai phụ đi khám thai chỉ chăm chăm mong được biết là trai hay gái, mà bỏ qua việc khám sàng lọc, chẩn đoán dị tật thai nhi.

Trong khi thực tế, việc sàng lọc trước sinh có ý nghĩa lớn, qua siêu âm và một số xét nghiệm trong thời kỳ mang thai, những dị tật hay bệnh lý của thai nhi có thể được phát hiện sớm, giúp nhiều trường hợp có thể được điều trị, can thiệp ngay trước khi trẻ ra đời, đem lại lợi ích to lớn cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của BCH Trung ương Đảng khóa XII, Bộ Y tế đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, có 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất, và 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Do đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết được lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh là rất quan trọng.

Hiện nay các cộng tác viên và cán bộ dân số ở các địa bàn trong tỉnh Vĩnh Long thường xuyên đến tận nhà tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho chị em trong độ tuổi sinh sản để tuyên truyền, vận động về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Chị Nguyễn Thị Hiếu (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) cho biết: “Tôi được bác sĩ tư vấn về lợi ích của xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Nếu thực hiện sàng lọc thì cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn, giúp thai phụ giảm lo lắng về khả năng sinh con bị dị tật,... Vì vậy, ở 2 lần mang thai, tôi đều thực hiện sàng lọc để cho con sự khởi đầu tốt nhất”.

Việc sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy máu gót chân của trẻ trong những ngày đầu sau khi sinh để xét nghiệm, giúp phát hiện sớm các bệnh di truyền và nội tiết, cụ thể là thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh cũng được tỉnh triển khai, với sự đồng ý thực hiện của nhiều người.

Vì đây là những bệnh lý chỉ có thể phát hiện trong những ngày đầu đời của trẻ, có thể điều trị khỏi và dự phòng để trẻ phát triển bình thường.

Theo TS, bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, việc sàng lọc trước sinh rất quan trọng, không chỉ phát hiện những dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền và chuyển hóa trước, sau sinh mà còn tránh được những hậu quả nặng nề từ những căn bệnh khác để lại khi trẻ sinh ra.

Các bà mẹ khám định kỳ, siêu âm, xét nghiệm trong thời kỳ mang thai- sẽ giúp các cặp vợ chồng biết chính xác 80- 90% thai nhi của mình khỏe mạnh hay có vấn đề gì bất thường.

Sàng lọc sơ sinh- lấy máu gót chân trẻ 48 giờ sau sinh- nhằm phát hiện các bệnh suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh…

Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn. Sàng lọc để phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm những bất thường của trẻ giai đoạn thai còn trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời để từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời giúp thai nhi và trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh bình thường.

Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh giờ không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình, mà chính là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung, vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi.

Thống kê của ngành y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 1,5 triệu trẻ em mới được sinh ra. Đáng lưu ý, mỗi năm có khoảng 1.400- 1.800 trẻ bị mắc bệnh Down, có 1.000-1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 300-400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, đặc biệt có khoảng 15.000-30.000 trẻ bị thiếu men G6PD, có khoảng 2.200 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh…

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG