Ung thư đại- trực tràng: phát hiện sớm, 90% trị khỏi

Cập nhật, 05:38, Thứ Sáu, 01/11/2019 (GMT+7)

Ung thư đại - trực tràng là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam. Đây là thông tin được chia sẻ tại hội thảo khoa học ung bướu lần thứ X do Hội Ung thư Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ tổ chức. Điều đáng nói, bệnh ung thư này đang có xu hướng trẻ hóa và căn bệnh có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Nâng cao ý thức tầm soát, sớm phát hiện ung thư và hợp tác điều trị với BS chuyên khoa sẽ có cơ hội chữa khỏi.
Nâng cao ý thức tầm soát, sớm phát hiện ung thư và hợp tác điều trị với BS chuyên khoa sẽ có cơ hội chữa khỏi.

Bệnh không chừa người trẻ

Bị đau bụng, đi tiêu ra máu nhiều lần, sụt cân nhanh, ông N.V.T. (48 tuổi, huyện Cờ Đỏ- TP Cần Thơ) đến Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ khám. Bác sĩ (BS) chẩn đoán ông bị ung thư đại tràng góc lách, cần phẫu thuật. Ông được các BS mổ hở để lấy khối u lớn có kích thước 1x2cm, sau đó tiếp tục truyền hóa chất, xạ trị.

Tại hội thảo khoa học ung bướu lần thứ X, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam- thông tin: Theo Globocan 2018, trên toàn cầu có 1,8 triệu ca mới ung thư đại- trực tràng, là loại thường gặp thứ 3 sau ung thư phổi và vú.

Tại Việt Nam, căn bệnh này đứng hàng thứ 5 trong tổng số các ca ung thư ở cả 2 giới với số ca mắc mới là gần 15.000 và gần 8.000 trường hợp tử vong.

Đáng nói, hầu hết bệnh nhân ung thư đại- trực tràng giai đoạn đầu không được chú ý. Ở Bệnh viện K Trung ương, hơn 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn. Nếu phát hiện bệnh giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90% nhưng giai đoạn muộn chỉ khoảng 10%.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, trước đây, những người mắc ung thư đại- trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư đại- trực tràng, có những bệnh nhân mắc bệnh khi chỉ dưới 15 tuổi và đến bệnh viện ở giai đoạn muộn.

Bệnh viện K Trung ương tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức bụng. Sau khi thăm khám và chỉ định chụp chiếu, thực hiện các xét nghiệm, kết quả cho thấy bé bị tổn thương u đại tràng trái, kích thước 4x5cm, phá vỡ thanh mạc trên đại thể, u chít hẹp gần hoàn toàn lòng đại tràng, buộc phải phẫu thuật.

Ngăn ngừa ung thư đại- trực tràng

Nếu bệnh ung thư đại - trực tràng được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi là hơn 90%.
Nếu bệnh ung thư đại - trực tràng được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi là hơn 90%.

Ở giai đoạn sớm, ung thư đại- trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng, cụ thể, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính của đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, trĩ, táo bón... Vì vậy, cần thường xuyên thực hiện các chỉ định cận lâm sàng sau để phát hiện sớm ung thư đại- trực tràng.

Ung thư đại- trực tràng có yếu tố di truyền cao hơn những loại ung thư khác khoảng 20%. Đây là một loại ung thư ngăn ngừa hiệu quả, dễ phát hiện bệnh sớm và điều trị khỏi hoàn toàn. Ngay cả người đã điều trị ung thư này mà bị tái phát thì cơ hội chữa khỏi cũng vẫn cao.

Chia sẻ những kiến thức cơ bản về bệnh ung thư đại- trực tràng, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam- chỉ ra 6 nguy cơ dễ mắc bệnh, trong đó có yếu tố môi trường, thói quen ăn uống ít rau, trái, củ, ăn nhiều mỡ, thịt, thức ăn nhanh, thực phẩm nướng, nhiều muối…

Do đó, người dân cần phải biết cách phòng ngừa, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh hàng ngày, tăng vận động. Điều quan trọng là nâng cao y thức tầm soát để sớm phát hiện bệnh và hợp tác điều trị với BS chuyên khoa.

Ngoài chế độ ăn uống “sạch” (nhiều rau củ, chất xơ, ít đạm động vật), theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, sự tập luyện thể dục thể thao đều đặn hàng ngày không chỉ làm giảm cân mà còn là yếu tố tích cực cho sức khỏe nói chung và tránh được ung thư nói riêng. Cần tránh bia rượu và thuốc lá vì đó là những tác nhân hiệp lực tạo nên nhiều nguy cơ ung thư.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cũng khuyến cáo: người dân nên chủ động tầm soát bệnh bằng phương pháp nội soi ruột sớm khi có người nhà đã từng mắc bệnh lý này nặng, nên nội soi định kỳ khoảng từ 3- 4 năm và những người trên 50 tuổi cũng cần phải quan tâm tầm soát để phát hiện sớm bệnh, sớm điều trị.

Với trình độ phát triển của y học hiện đại, nếu bệnh ung thư đại- trực tràng được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi là hơn 90%.

Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, ung thư đại- trực tràng hay còn gọi là ung thư ruột già thường gặp ở người trên 40 tuổi, triệu chứng thường ít được chú ý như sự thay đổi thói quen của ruột biểu hiện thông qua những rối loạn như táo bón, tiêu chảy, nặng hơn nữa là thiếu máu, tắc ruột, đi ngoài có máu tươi… Có thể phát hiện sớm ung thư trực tràng bằng cách soi và thăm khám trực tràng bằng ngón tay. Đối với ung thư đại tràng, cần sự tư vấn của BS để quyết định soi đại tràng bằng ống mềm polyp, các tổn thương nghi ngờ. Nếu cần thì bác sĩ cắt một mẩu mô nhỏ để thử lành- ác.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN