Phòng bệnh mùa nắng nóng

Cập nhật, 14:53, Thứ Sáu, 15/05/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Thời tiết nắng nóng kéo dài không chỉ gây khó chịu cho mọi người mà còn là môi trường thuận lợi cho nhiều căn bệnh “rình rập”, nhất là ở người già và trẻ em. Theo bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Minh Đức- Phó Trưởng Khoa Khám bệnh- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long: người già bị bệnh tim, cao huyết áp dễ đột quỵ; trẻ em dễ bị bệnh viêm nhiễm, viêm hô hấp,…

Trẻ em dễ bị bệnh khi nắng nóng kéo dài.
Trẻ em dễ bị bệnh khi nắng nóng kéo dài.

Người lớn, trẻ em đều dễ bệnh

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, bệnh nặng do ảnh hưởng thời tiết. Ngồi quạt tay cho cháu ở ngay cầu thang bệnh viện, bà Trần Thị Mây (Long Hồ) cho biết: “Cháu Thịnh nóng mấy bữa nay rồi. Bữa nay tui đưa nó đi khám bệnh, đang chờ kết quả xét nghiệm máu”.

Cũng như bé Thịnh, tại khu chờ lấy mẫu xét nghiệm, có nhiều cha mẹ các bé khác đang chờ đến lượt mình. Anh Phan Tuân (TP Vĩnh Long) đưa con đi khám bệnh lần thứ 3 từ đầu tháng đến giờ, nói: “Nó cứ bị viêm phổi, tái đi tái lại hoài. Tui cứ tưởng mùa lạnh mới bị viêm phổi chứ!” Con gái anh Tuân được 18 tháng tuổi, vì nắng nóng nên dù bé bị cảm nhưng anh vẫn tắm cho bé, đó là còn chưa kể đến máy lạnh lúc nào cũng mở để cho con bớt nóng. “Lần trước nhập viện cách đây có 5 ngày chớ mấy, cũng ho, khò khè, nóng ói”- anh Tuân lo lắng.

Không chỉ có trẻ nhỏ, người lớn cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài, điển hình là những người cao tuổi hoặc có bệnh tim, tăng huyết áp. Bà Trần Thị Vui (Mang Thít) bị viêm gan B, huyết áp cao. Trời nóng như hiện nay thì huyết áp của bà còn cao hơn. Bà Vui cho biết: “Nóng phừng phừng đầu óc, tới máu cũng… lên theo. Bác sĩ nói những người già và bị bệnh mãn tính giống như tui dễ bị ảnh hưởng thời tiết lắm”.

Đó là còn chưa kể đến những bệnh ngoài da do lượng mồ hôi tiết ra nhiều. Các bệnh về đường tiêu hóa do uống nhiều nước đá, ăn uống hàng rong không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Những người phải làm việc trong môi trường nắng nóng liên tục có thể bị say nắng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn.

Phòng bệnh hơn trị bệnh

Chủ động tránh nắng là một trong những biện pháp tối ưu để phòng chống bệnh. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Đức cho biết: Những đối tượng có sức đề kháng kém, trẻ em, người lớn tuổi rất dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi lạnh hoặc nóng kéo dài như thế này.

Để bảo vệ sức khỏe trong thời tiết hiện nay, các bác sĩ khuyên mọi người hạn chế ra đường trong những giờ nắng cao điểm (từ 10- 16 giờ hàng ngày). Khi ra đường, cần đội nón rộng vành, áo chống nắng, khẩu trang, kính râm. Trong đó, việc bù nước là rất quan trọng vì cơ thể sẽ mất nhiều nước. Các bác sĩ cũng khuyên nên mang theo bên mình một chai nước lọc để có thể uống khi cần.

Nóng nực cũng khiến mọi người có tâm lý thích đi bơi nhưng hồ bơi tập trung đông người lại có nhiều nguy cơ truyền bệnh cao. Máy lạnh và máy quạt được mọi người sử dụng nhưng theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Minh Đức thì việc lạm dụng các loại này là không nên: “Môi trường sống, làm việc thoáng nhiều cửa sổ, không nên sử dụng rèm cửa vì đó là nơi vi khuẩn ẩn náu, trồng nhiều cây xanh sẽ tốt cho sức khỏe hơn”. Cũng theo ông, máy lạnh hay máy quạt đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng liên tục, nhất là đối với trẻ em. Vì vậy, không nên cho trẻ ở suốt trong phòng.

Đối với những người làm việc trong phòng máy lạnh, trước khi ra ngoài cũng nên có một khoảng thời gian hòa nhập. Tức là, nên tắt máy lạnh trước khi ra ngoài khoảng 15- 30 phút, mở cửa để cơ thể thích nghi với không khí bên ngoài, vì thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ dẫn đến bệnh hô hấp.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh cao, do vậy các em học sinh khi ôn tập cần chú ý chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Phải có thời gian nghỉ dưỡng để lấy lại sức sau mỗi buổi học. “Để bảo vệ sức khỏe mùa hè này, chúng ta cần uống nhiều nước, ăn trái cây rau quả để tránh nhiễm khuẩn và giải nhiệt”- bác sĩ Nguyễn Minh Đức khuyên mọi người.

Đối với phụ nữ có thai, thân nhiệt cao gặp thời tiết nắng nóng không nên tắm nhiều lần trong ngày, để tránh bị cảm cúm. Mùa hè là mùa du lịch, các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh khi đưa trẻ nhỏ đi chơi phải che chắn kỹ, không cho trẻ tắm biển lúc trời nắng gắt. Bên cạnh đó, trẻ cần cung cấp đủ nước, dinh dưỡng để tăng sức đề kháng với bệnh tật.

Để phòng chống các bệnh mùa nắng, bác sĩ khuyên mọi người phải giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cung cấp đủ nước mỗi ngày, bảo hộ khi ra nắng. Đối với người cao tuổi và trẻ em không ra ngoài lúc trời nắng nóng, không tắm biển, sông suối lúc trời nắng gắt.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN