Dịch COVID-19: "Bảo mẫu" vượt khó

Cập nhật, 05:28, Thứ Sáu, 27/03/2020 (GMT+7)

Giáo viên các trường tư thục, nhân viên cấp dưỡng, nhân viên phục vụ bán trú (bảo mẫu) các trường mầm non công lập đang gặp khó vì nghỉ do dịch COVID-19 và đang làm đủ nghề để kiếm sống.

Nhân viên bảo mẫu là người trực tiếp chăm sóc ăn uống, vệ sinh và bảo vệ an toàn cho trẻ.
Nhân viên bảo mẫu là người trực tiếp chăm sóc ăn uống, vệ sinh và bảo vệ an toàn cho trẻ.

“Ai thuê gì mần đó”

Hôm chúng tôi đến Trường Mầm non thực hành Măng non 9 (Phường 9- TP Vĩnh Long), cô Lê Ngọc Thùy Trang và Nguyễn Thị Thanh Loan đang dọn vệ sinh sân trường. Các cô là bảo mẫu không phải trực vệ sinh trường nhưng giáo viên thấy các cô đang gặp khó khăn kinh tế nên nhờ trực thay và trả tiền công trực.

Cô Thùy Trang đã gắn bó với trường hơn 6 năm nay, nhà ở thị trấn Cái Tàu Hạ (Châu Thành- Đồng Tháp), nói nhỏ nhẻ: “Tiền lương của tôi là tiền gạo, đồ ăn ổn định cho cả nhà, không có thì rất khó khăn. Chồng tôi bán vé số thu nhập bấp bênh, con đang học lớp 8”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Loan- cùng là bảo mẫu ở Trường Mầm non thực hành Măng Non 9, không chồng con, sống với mẹ già hơn 80 tuổi.

Từ khi nghỉ tránh dịch, cô Loan làm đủ nghề “ai thuê gì mần nấy”. Cô Loan khẽ nói: “Tui định hỏi cô hiệu trưởng còn nghỉ lâu không, để tui xin vô công ty mần tạm”.

Cô Hiệu trưởng Võ Thị Hồng Phơi- Trường Mầm non thực hành Măng Non 9- trăn trở vì đa số các cô trong 17 nhân viên đang nghỉ không lương của trường có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Phơi nói: “Nhiều cô là trụ cột chính trong gia đình, có cô phải nuôi mẹ già nên đời sống khó khăn lắm”. Dù thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, nhưng nguồn thu này đã giúp các cô yên tâm, ổn định cuộc sống hơn.

Cô Phơi cho biết đã bàn bạc với hội phụ huynh hỗ trợ cho các cô bảo mẫu, cấp dưỡng trong giai đoạn này vì các cô hiện tại không lương và tháng 4 này cũng không còn tiền đóng BHYT.

Đại diện hội phụ huynh học sinh cũng đã tính đến phương án nếu vào học giữa tháng vẫn đóng tiền trả lương cho các cô nguyên tháng như trước. Tuy nhiên việc này còn cần lấy ý kiến phụ huynh ngay sau khi đi học lại.

Cố gắng, sẻ chia vì lợi ích chung

Mặc dù buồn vì không lương, vì cuộc sống bấp bênh nhưng hầu hết các cô đều đồng tình việc nghỉ dịch để đảm bảo an toàn cho các bé và cộng đồng. Các cô chỉ mong mau hết dịch để được tiếp tục công việc.

Trường Mầm non Hoa Lan (Phường 1- TP Vĩnh Long) với số lượng 486 bé, đang theo học 19 lớp.

Cô Hiệu trưởng Quan Thị Thùy Linh- Trường Mầm non Hoa Lan- cho biết: “Trường chúng tôi có 29 nhân viên phục vụ bán trú (bảo mẫu) và cấp dưỡng, đây là những nhân viên làm việc theo yêu cầu của phụ huynh để các bé được chăm sóc tốt hơn.

Hàng tháng, các cô nhận tiền từ đóng góp của phụ huynh, do đó, thời gian nghỉ học dài thì các cô cũng không có lương”. Bình quân mỗi tháng sau khi đóng các khoản bảo hiểm, những nhân viên hợp đồng phục vụ bán trú sẽ nhận được khoảng 3 triệu đồng.

Trường Mầm non Hoa Lan cố gắng duy trì đóng BHYT cho các cô trong thời gian nghỉ dịch. Tuy nhiên, nếu còn nghỉ lâu dài thì “sẽ rất khó khăn”.

Để chia sẻ những khó khăn cho những nhân viên này, Trường Mầm non Hoa Lan ngay từ lúc mới nghỉ phòng chống dịch đã họp mặt chị em để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và động viên các cô vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cô Linh nói: “Nhiều cô kinh doanh bán hàng online, bán bánh, bán trái cây,… để xoay xở cho cuộc sống hiện tại. Những chị em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ban giám hiệu xem xét cho ứng lương”. Bên cạnh, các cô trong trường còn nhường nguồn quỹ xoay vòng vốn cho các cô bảo mẫu, cấp dưỡng khó khăn trong giai đoạn này.

Trong khi các cô bảo mẫu, cấp dưỡng trường công lập không được hưởng lương thì đối với giáo viên mầm non các trường tư thục càng khó khăn hơn.

Một số trường phải thuê địa điểm, giáo viên, nhân viên,… Cô Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Anh- Trường Mầm non tư thục Baby Care cho hay: “Trường chúng tôi có 19 giáo viên, nhân viên. Tháng 2 này đã được nhận lương cơ bản còn tháng 3 thì chưa có”.

Đời sống khó khăn nhưng các cô luôn hướng đến lợi ích chung của cộng đồng. Cô Hoàng Anh nói: “Chị em chúng tôi chia sẻ nhau cố gắng vượt khó, bám nghề vì an toàn cho xã hội, cho các cháu. Mong sớm hết dịch các bé đi học lại”.

Toàn tỉnh hiện có 245 giáo viên, nhân viên đang làm việc tại các trường mầm non tư thục. Có 680 nhân viên bảo mẫu, cấp dưỡng đang làm việc tại các trường mầm non công lập.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN