Sổ tay

Tâm lý học đường- chuyện không nhỏ

Cập nhật, 14:20, Thứ Tư, 23/10/2019 (GMT+7)

Tâm lý học đường không phải là chuyện “một ngày một bữa hay một môn” mà đó là cả một quá trình từ độ tuổi mới đến trường đến các cấp học tiếp theo sau đó. Cũng không chỉ dành cho giáo viên tâm lý mà ngay cả lãnh đạo trường, tất cả giáo viên đều phải “biết tâm lý” để dạy tốt và cho trò học tốt. 

Song song đó, cần có những giáo viên chuyên tâm lý để giáo dục hoàn thiện hơn, đặc biệt là với những đối tượng học sinh khiếm khuyết, cá biệt. Ví dụ như xử trí ra sao với trẻ em nghiện game, bạo lực học đường, bắt nạt học đường,…

Một trong những khó khăn của tâm lý giáo dục là nhiều học sinh còn e ngại, chưa muốn chia sẻ những vướng mắc liên quan đến các vấn đề tâm lý của mình. Thực tế, đã là vấn đề tâm lý thì học sinh rất ngại gặp mặt trực tiếp để thể hiện tâm tư, tình cảm của mình, đừng nói chi đến chuyện chia sẻ.

Do đó, để triển khai các chương trình can thiệp tâm lý giáo dục cần có những nghiên cứu để triển khai và kế thừa hiệu quả những nghiên cứu đi trước. Các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến chương trình can thiệp tâm lý trong giáo dục gồm: sự ủng hộ của ban giám hiệu, của giáo viên, phụ huynh, yếu tố kỹ thuật,…

Thiếu tiền, thiếu thời gian, thiếu niềm tin vào các chương trình can thiệp, thực hiện không tuân thủ các yêu cầu của chương trình,… là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn.

Gần đây, nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đưa ra dự án tâm lý học đường online. Qua phương thức tư vấn online này, nhà trường cũng có thể nắm bắt tình hình chung của học sinh để quản lý, đánh giá, khảo sát nhu cầu các vấn đề về tâm lý - giáo dục toàn trường. Dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế lập báo cáo, đề xuất, tư vấn cho nhà trường kế hoạch hoạt động. Thiết nghĩ, đây là một đề án hay đánh đúng vào nhu cầu cần được tư vấn “kín” của học sinh hiện nay, có thể nhân rộng.

VĨNH PHÚC