Đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực

Cập nhật, 14:19, Thứ Tư, 14/02/2018 (GMT+7)

Đầu tư cho giáo dục luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Qua đó, không chỉ đổi mới về cơ sở vật chất mà còn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Giáo dục Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đã vươn lên tầm cao mới là đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển.

Các em học sinh Trường THPT Song Phú đọc sách trong thư viện hiện đại, tiện nghi.
Các em học sinh Trường THPT Song Phú đọc sách trong thư viện hiện đại, tiện nghi.

Giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu

Theo đánh giá từ Sở GD- ĐT Vĩnh Long, hiện nay mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông được đầu tư ổn định, số phòng học xây dựng kiên cố đạt trên 99%, đồng thời đạt nhiều kết quả nổi bật so với cả nước.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long- đánh giá, chất lượng giáo dục các bậc học, ngành học từng bước ổn định và được nâng lên.

“Trong năm học 2016- 2017, ngành được quan tâm đầu tư tăng cường cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa, đảm bảo các hoạt động giáo dục.

Song song đó là duy trì phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tiểu học, THCS và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại các xã nông thôn mới.

Cuối năm học, đã có 183/437 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ gần 42%. Chất lượng giáo dục được giữ vững và nâng cao qua từng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT được nâng lên (năm học 2016- 2017 đứng thứ 12 cả nước).

Tự hào về ngôi trường mới khang trang, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Sáu- Trường THPT Song Phú (Tam Bình) đưa chúng tôi đi tham quan một vòng.

“Đó là phòng chức năng, thư viện, nhà đa năng,… tất cả đều được xây dựng mới và rất đồng bộ. Hiện trường có 30 phòng học với 27 lớp, có 674 học sinh. Tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh đều rất phấn khởi khi được dạy và học trong ngôi trường mới này”- thầy cho biết.

Trường THPT Song Phú được đầu tư xây dựng trên 120 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Đây là ngôi trường mới, hiện đại vừa được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2017.

Nói về điều kiện dạy và học, thầy Hiệu trưởng cho biết, hiện nay mỗi lớp có 1 phòng học riêng và các em sẽ học trong suốt thời gian học phổ thông.

“Các em có quyền trang trí, gìn giữ lớp học và là một động lực để các em đến trường, đến lớp. Điều này thể hiện qua việc học tập của các em được thoải mái, chất lượng giáo dục được nâng lên và đặc biệt là không có học sinh bỏ học”- thầy chia sẻ.

Trong khi đó, tại Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long), dù còn một số hạng mục chưa hoàn thành nhưng ngôi trường đã rất khang trang, hiện đại, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo mỹ quan cho thành phố có ngôi trường lịch sử.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Tường cho biết, tổng kinh phí xây dựng gần 100 tỷ đồng. Thầy nói: “Trong ngôi trường mới, không chỉ đủ điều kiện học tập mà còn giúp các em thoải mái về tinh thần, phát huy hết khả năng.

Ví dụ như nhà đa năng, phòng chức năng, phòng thí nghiệm các môn được xây dựng riêng, phù hợp với chương trình hiện hành”- thầy chia sẻ.

Nhân lực là nền tảng phát triển

Có thể nói, GD- ĐT nhân lực là cả một quá trình dài ở các cấp học khác nhau và mỗi bậc học có tầm quan trọng riêng. Nếu như ở cấp THPT cần được trang bị tốt để giáo dục thì các trường ĐH, CĐ trong tỉnh cũng phấn đấu không ngừng để nâng cao chất lượng đào tạo.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long được tạo điều kiện nghiên cứu, sáng tạo.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long được tạo điều kiện nghiên cứu, sáng tạo.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 3 trường ĐH và 5 trường CĐ, với quy mô đào tạo hơn 16.000 sinh viên/năm. Dự kiến trong quý I/2018, sẽ có thêm phân hiệu của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Hơn 57 năm thành lập và phát triển, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã không ngừng nỗ lực khẳng định uy tín bằng chất lượng đào tạo. PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng trường- cho biết: “Trong 3 năm gần đây, lưu lượng sinh viên chính quy của trường tăng hơn 4 lần, cán bộ giảng dạy tăng hơn 2,5 lần”. 

Trong khoảng 200 cán bộ, giảng viên của trường thì có 4 người là giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học; 25 tiến sĩ; 162 thạc sĩ.

Trường ĐH Xây dựng Miền Tây qua 40 năm đã đào tạo và liên kết đào tạo gần 300 thạc sĩ, 450 kiến trúc sư, 2.420 kỹ sư xây dựng, hơn 4.850 cử nhân CĐ.

TS. Lê Ngọc Cẩn- Hiệu trưởng nhà trường- cho biết: “Từ 35 cán bộ, công nhân viên, giáo viên, đến nay trường có 250 cán bộ, viên chức. Trong 185 giảng viên thì có 19 tiến sĩ, 143 thạc sĩ”.

Là trường ĐH đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long, ĐH Cửu Long đã không ngừng phấn đấu với mục tiêu “thực học, thực làm”. 18 năm thành lập và phát triển, Trường ĐH Cửu Long đã đào tạo gần 20.000 cử nhân, kỹ sư và trên 200 thạc sĩ thuộc 22 ngành và chuyên ngành.

Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Long chú trọng đào tạo nghề gắn với việc làm.
Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Long chú trọng đào tạo nghề gắn với việc làm.

Song song đó, UBND tỉnh Vĩnh Long còn phối hợp với nhiều trường ĐH, CĐ ngoài tỉnh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Chỉ tính riêng nhân lực ngành y tế, trong 5 năm (2012- 2017) tỉnh đã phối hợp với Trường ĐH Y dược Cần Thơ đào tạo gần 600 cán bộ y tế có trình độ ĐH, sau ĐH cho tỉnh.

Nói như ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đào tạo nhân lực không chỉ dừng lại ở các cử nhân, kỹ sư mà còn cần lắm những lao động có tay nghề và Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã và đang thực hiện sứ mạng đó.

ThS. Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- thì xác định giảng viên chính là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục và việc học phải đi đôi với hành. Nhờ đó, tỷ lệ học viên ra trường có việc làm của trường luôn ở mức khoảng 90%.

Vĩnh Long đã đạt được những bước phát triển tốt trong việc đào tạo nhân lực, tuy nhiên, con đường “sánh vai với khu vực và cả nước” còn rất dài, đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực của toàn xã hội và của từng cá nhân.

PGS.TS Đặng Văn Phan- Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Cửu Long- đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL: “Cần khuyến khích liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, học thuật, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ đào tạo tiên tiến với các trường có uy tín trong và ngoài nước, nhằm rút ngắn khoảng cách và chất lượng đào tạo. Đồng thời tăng cường mô hình GD- ĐT giữa 3 nhà (nhà trường- doanh nghiệp- nhà giáo) theo đơn đặt hàng từ đơn vị sử dụng lao động. Các trường đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo cần tính đến yêu cầu thực tiễn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương và hội nhập quốc tế”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- KHÁNH DUY

TIN LIÊN QUAN