Đào tạo nguồn nhân lực ĐBSCL- thách thức lớn

Cập nhật, 12:49, Thứ Tư, 01/11/2017 (GMT+7)

Nhiều thách thức đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL đặt ra tại hội thảo quốc tế “Đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tiến trình phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL tầm nhìn 2030”, do Trường ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Cửu Long phối hợp với Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Malaysia, tổ chức hôm 27/10 vừa qua.

Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long ký kết hợp tác với Trường ĐH Tokuyama (Nhật Bản).
Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long ký kết hợp tác với Trường ĐH Tokuyama (Nhật Bản).

Nghịch lý “giàu mà nghèo”

ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu ở Đông Nam Á. Đây là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước với dân số trên 18 triệu người.

PGS.TS Đặng Văn Phan- Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Cửu Long- cho biết: “ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng và đóng góp trong phát triển kinh tế cả nước.

Có thể khẳng định ĐBSCL là vùng giàu tài nguyên nhưng lại nghèo, lạc hậu và có trình độ học vấn thấp nhất; cơ sở hạ tầng, giao thông, sự thụ hưởng an sinh xã hội kém nhất. Nguyên nhân lớn nhất là do hạn chế về đào tạo nguồn nhân lực”.

Anh hùng lao động, GS.TS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ- nói về chuyến tham quan đất nước Hà Lan, nơi ông thấy có nhiều điểm tương đồng với ĐBSCL.

Hà Lan có diện tích bằng 83,5% ĐBSCL, dân số tương đương ĐBSCL và cũng là vùng đồng bằng. Diện tích gần như nhau nhưng giá trị nông sản của Hà Lan và ĐBSCL lại rất cách biệt: năm 2016, Hà Lan xuất khẩu hơn 100 tỷ USD trong khi ĐBSCL chỉ đạt 15 tỷ USD.

“Một lãnh đạo của Hà Lan đã chia sẻ kinh nghiệm với tôi rằng: Có thể do tổ tiên chúng tôi nghèo quá nên phải học, ai cũng đi học và lấy nhân lực làm nền tảng phát triển đất nước”- GS.TS. Võ Tòng Xuân cho biết.

Trong khi đó, nguồn tuyển sinh vào ĐH hàng năm tiếp tục giảm một cách báo động về chất lượng và trình độ, phản ánh một sự không bình thường trong hệ thống giáo dục bắt đầu từ sự “mất gốc” ở cấp phổ thông.

Hiện tượng bỏ học, thôi học phổ biến từ bậc tiểu học đến trung học đã nói lên sự mất tin tưởng của một số phụ huynh vào tiền đồ học vấn của con em mình.

Mỗi năm có khoảng 1 triệu người đến tuổi lao động tiếp tục tham gia vào “đội quân” không có nghề và không biết nghề…

Ông Võ Tòng Xuân nói thêm: “Đó là do chất lượng nhân lực ĐBSCL quá thấp. Nổi tiếng vùng trũng giáo dục do điều kiện cho người học chưa tốt, chưa đầu tư đến nơi đến chốn và cũng do người học chưa cố gắng hết mình”.

Đầu tư mạnh để phát triển

Không thể phủ nhận những quan tâm của cả hệ thống chính trị thời gian qua đã tìm giải pháp đưa ĐBSCL thoát khỏi “vùng trũng” về GD- ĐT của cả nước.

Điều này thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết 21 và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị liên quan giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2011- 2020,…

Tuy nhiên, nhận định chung của các đại biểu tại hội thảo, vấn đề GD- ĐT của ĐBSCL vẫn chưa được giải quyết triệt để và ĐBSCL vẫn hụt hẫng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, nông dân ĐBSCL vẫn là lực lượng nghèo nhất, mặc dù Nhà nước đầu tư lâu dài cho giáo dục, người dân đã đầu tư cho con cái học tốt…- GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

Ông cũng xác định rằng: “ĐBSCL phải đi lên từ nông nghiệp, khi nông nghiệp phát triển thì công nghiệp và dịch vụ cũng phát triển theo. Và, yếu tố tiên quyết để phát triển nông nghiệp chất lượng cao chính là nhân lực”.

PGS.TS Đặng Văn Phan cho rằng: Đã đến lúc Đảng, Nhà nước phải đầu tư đột phá cho vùng.

ĐBSCL cần xây dựng và hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngắn và dài hạn; tăng cường đầu tư ngân sách, vốn, cơ sở vật chất theo hướng giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Các cấp lãnh đạo cần quy hoạch các trung tâm đào tạo trọng điểm (ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Đồng Tháp…).

Trên cơ sở đó có những đầu tư xứng tầm, liên tục theo định hướng, tiêu chuẩn bằng hoặc hơn các trung tâm đào tạo trong khu vực Đông Nam Á và châu lục.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, học thuật, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ đào tạo tiên tiến với các trường có uy tín trong và ngoài nước nhằm rút ngắn khoảng cách và chất lượng đào tạo.

Đồng thời tăng cường mô hình GD- ĐT giữa 3 nhà (nhà trường- doanh nghiệp- nhà giáo) theo đơn đặt hàng từ đơn vị sử dụng lao động.

Các trường đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo cần tính đến yêu cầu thực tiễn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương và hội nhập quốc tế.

PGS.TS Phan Phước Hiền- Trường ĐH Nam Cần Thơ- cho rằng: Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, xây dựng các trường ĐH Việt Nam theo chuẩn quốc tế, để phục vụ nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Điều này, phải trở thành một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Xây dựng năng lực nội tại thông qua hợp tác quốc tế là hướng đi đúng nhưng không phải sao chép toàn bộ hay nhập khẩu chương trình đào tạo nước ngoài.

Ngoài ra, các trường cần đẩy mạnh phát triển hợp tác quốc tế- nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, thể hiện qua Chương trình Mekong 1.000.

Tương lai của ĐBSCL như thế nào? Thiết nghĩ, “vùng trũng” đang rất cần những đầu tư tương xứng để phát triển bền vững.

Làm sao để đến năm 2030, ĐBSCL là một vùng nông nghiệp trù phú, được công nghiệp hóa từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm có thương hiệu, môi trường xanh sạch không còn bị ô nhiễm bởi các hóa chất độc hại nhờ mọi người dân đều có học thức…

PGS.TS Đặng Văn Phan đưa ra các con số “biết nói” thể hiện mức độ vênh giữa tiềm năng và nhân lực phục vụ cho vùng. Cụ thể, tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất nước: bậc THPT là 3,94% (cả nước là 1,79%), bậc THCS là 3,26% (cả nước là 1,37%) và bậc tiểu học là 0,45% (cả nước 0,16%). Song song đó, tỷ lệ thất nghiệp của ĐBSCL cũng cao nhất nước (3,32%), cả nước là 2,26% (theo Niên giám thống kê Việt Nam năm 2015).

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

TIN LIÊN QUAN