Xây dựng một xã hội học tập

Cập nhật, 14:33, Thứ Bảy, 01/07/2017 (GMT+7)

Trong những năm qua, công tác xóa mù chữ, xây dựng một xã hội học tập được các cấp hội khuyến học, ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Từ đó đã có nhiều kết quả đáng trân trọng…

Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm để không còn học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm để không còn học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Từ giải pháp xóa mù chữ

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ rất được sự quan tâm của tỉnh. Qua đó, đã thành lập BCĐ cấp tỉnh, huyện, xã có đủ thành phần.

Đặc biệt là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng số trường đạt chuẩn quốc gia, tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, góp phần bảo đảm điều kiện thực hiện xóa mù chữ theo quy định của Bộ GD- ĐT…

Theo Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long, năm học 2016- 2017, toàn tỉnh có 317 trường phổ thông, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên; 109 trung tâm học tập cộng đồng.

Đồng thời, cũng đã huy động trên 48 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học bổng, tập, sách, xe đạp, đồng phục,… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT- cho biết, BCĐ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp đã thường xuyên được kiện toàn, kịp thời bổ sung thành viên, phù hợp theo từng thời điểm và tình hình thực tế của địa phương. Hàng năm đều đưa công tác này vào chương trình, kế hoạch và ban hành các văn bản kịp thời.

Qua đó, cũng đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục để hỗ trợ cho học sinh, đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Hiện tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt trên 99%. Ngành giáo dục cũng đã mở rộng được lớp xóa mù chữ và sau xóa mù chữ…

Theo Sở GD- ĐT, đến nay, số người từ 15- 35 tuổi biết chữ mức độ 1 đã đạt trên 98%; số người từ 15- 60 tuổi biết chữ mức độ 2 đạt trên 84%.

Đáng chú ý là đã huy động đối tượng từ 4- 14 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt tỷ lệ gần 94%.

Có 78/109 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 31/109 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 7/8 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 1/8 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2…

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, đổi mới phương pháp dạy học, xác định học sinh là trọng tâm, từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp, nâng cao chất lượng dạy và học, hạn chế thấp nhất học sinh lưu ban, bỏ học là phương pháp hàng đầu trong nhà trường để thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh.

Tiến đến một xã hội học tập

Hiệu quả từ công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ sẽ góp phần xây dựng một xã hội học tập. Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long Phan Tấn Tài, công tác vận động phong trào Toàn dân học tập để xây dựng một xã hội học tập được quan tâm đặc biệt.

Trong đó, sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ trong nhà trường, tổ chức các hoạt động tại các trung tâm học tập cộng đồng, vận động xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập…

Ông Phan Tấn Tài đánh giá, công tác tuyên truyền vận động được các cấp hội quan tâm thực hiện, tạo chuyển biến tốt trong nhận thức cho cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân.

Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng có hiệu quả, tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, lớp học tập, lớp dạy nghề đã thu hút được khá đông người dân đến học tập.

“Đặc biệt là công tác triển khai đại trà các mô hình học tập, thí điểm mô hình học tập cộng đồng cấp xã trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng và đạt được nhiều kết quả khả quan”- ông Phan Tấn Tài cho biết.

Xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) là một trong những xã thực hiện mô hình “Cộng đồng học tập” được đánh giá cao. Ông Nguyễn Văn Dân- Chủ tịch Hội Khuyến học xã- cho biết, xã đã chọn ấp làm điểm và làm diện để triển khai thực hiện mô hình. Đến nay, xã đã được công nhận đạt kết quả đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập”.

Kết quả này cho thấy, việc xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, cũng như huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.

Thông qua đó, cũng đã tạo cho người dân ý thức tích cực học tập, phong trào mua sách báo, truy cập mạng tăng cao.

“Có thể nói, qua xây dựng mô hình cộng đồng học tập ở địa phương đã và đang làm cho giáo dục nhà trường gắn kết chặt chẽ hơn với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, tạo được sự đồng thuận trong từng cộng đồng dân cư…”- ông Dân chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh- Phan Tấn Tài, phấn đấu đến hết năm 2017, theo danh sách đăng ký xây dựng phong trào, toàn tỉnh có 60% gia đình được công nhận gia đình học tập, 70% dòng họ được công nhận dòng họ học tập, 60% đạt danh hiệu cộng đồng học tập. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có ít nhất 80% xã- phường- thị trấn được công nhận là “Cộng đồng học tập cấp xã”.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY