Kỳ vọng vào sự đổi mới hiệu quả chính sách giáo dục

Kỳ cuối: Đã đến lúc phải thay đổi chính sách giáo dục

Cập nhật, 04:39, Thứ Sáu, 30/06/2017 (GMT+7)

Khi đánh giá lại nhiều vấn đề của ngành giáo dục (GD) thì thấy rất cần có sự thay đổi cho phù hợp với nhu cầu đổi mới, trong tình hình mới để thúc đẩy phát triển sự nghiệp trồng người.

Chính sách giáo dục cần có sự đổi mới để động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ làm công tác giáo dục an tâm công tác.
Chính sách giáo dục cần có sự đổi mới để động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ làm công tác giáo dục an tâm công tác.

Nhiều chính sách cần thay đổi từ bậc mầm non

Thực hiện quy định giờ làm việc theo Thông tư 48 của Bộ GD-ĐT, đối với giáo viên (GV) mầm non quy định mức giờ dạy 6 giờ/ngày hoặc 4 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

Quy định là vậy, nhưng “đến giờ trưa- khi trẻ ngủ thì GV không được tính giờ là chưa hợp lý vì GV vẫn có mặt ở trường để trông giữ trẻ và phải làm các công việc khác”- cô Hiệu phó Võ Thị Hậu- Trường Mẫu giáo Thanh Bình (Vũng Liêm) cho biết.

Theo ông Nguyễn Tấn Phát- Trưởng Phòng GD mầm non, Sở GD- ĐT tỉnh: Thực tế, công việc của các cô GV mầm non bắt đầu 6 giờ 15 phút đến 17 giờ 15 phút, trong thời gian này phải tổ chức các hoạt động vui chơi, giáo dục, quản lý, chăm sóc trẻ- tắm, giặt, vệ sinh và cho trẻ ăn uống...

Hơn nữa, với yêu cầu nâng chất lượng GD, đòi hỏi GV mầm non phải luôn trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ qua tự học, học nhóm, học tổ... và làm rất nhiều đồ dùng dạy học nên cả ngày các cô đều ở trường (hơn 10 giờ/ngày). Vì vậy, không cần quy định giờ làm việc để động viên, khuyến khích GV mầm non an tâm công tác.

Bên cạnh, theo Thông tư liên tịch số 07 của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính quy định số giờ dạy thêm được tính tiền lương là không quá 200 giờ/năm là chưa hợp lý vì “so với giờ dạy thực tế, mỗi GV mầm non phải làm vượt 200 giờ dạy mà không được trả tương xứng”- ông Nguyễn Tấn Phát nói.

Thông tư liên tịch số 06 của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ quy định nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ gồm: kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế nhưng số người làm việc tối đa là 2 người, tức là phải thực hiện kiêm nhiệm.

Theo ông Nguyễn Tấn Phát, như vậy là chưa phù hợp đối với cơ sở GD mầm non, cần bổ sung thêm 1 vị trí văn thư để thực hiện các công việc hành chính và công tác phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi.

“Đối với phụ cấp dành cho GV dạy trẻ khuyết tật, có lớp làm đến 3 hồ sơ khuyết tật nhưng chỉ được hưởng phụ cấp cho 1 trẻ, do đó cần xem lại chế độ chính sách cho cô giáo đó”- Bà Võ Thị Hậu đề nghị.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kiều Tiên- Trường Mầm non Hoa Hồng (Tam Bình)- thì kiến nghị sớm bổ sung nhân sự còn thiếu tại các trường để đảm bảo xử lý công việc chuyên môn và hành chính đi vào nề nếp, có hiệu quả.

Đồng thời, có chế độ bồi dưỡng cho GV dạy lớp có đông học sinh; xét thăng hạng để GV được hưởng chế độ theo bằng cấp đã có.

Cần sự đổi mới hiệu quả

“Để đảm bảo công bằng và nâng cao hiệu quả công việc, đối với công chức, viên chức hiện đang công tác tại Phòng GD-ĐT rất cần được hưởng chế độ, chính sách (phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên) như nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy; đồng thời, cần có kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu GV hàng năm của tỉnh; cần nghiên cứu, xây dựng mức lương khởi điểm của GV, nhân viên vừa được tuyển dụng để có thu nhập đảm bảo, an tâm công tác”- ông Trần Tấn Hiện- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tam Bình- kiến nghị.

Ông Phạm Minh Hoàng- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm- thì đề xuất cần khảo sát thực tế trước khi ban hành văn bản pháp luật về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD để đảm bảo tính công bằng xã hội; cần có quy định giải quyết chế độ, chính sách theo hiệu quả công việc, không thực hiện đồng loạt, cào bằng như hiện nay.

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Văn hóa Xã hội- HĐND tỉnh, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT kiến nghị, cần nghiên cứu, ban hành nghị quyết chuyên đề về chế độ, chính sách ưu đãi đối với GV và học sinh tham gia các kỳ thi giỏi quốc gia.

Đồng thời, cần có chính sách tăng biên chế công chức cho các phòng GD- ĐT để những GV có năng lực được điều động, công tác tại phòng được chuyển sang ngạch công chức và được hưởng phụ cấp công vụ.

Đối với nhà giáo trong diện quy hoạch ở các cơ sở GD, cần có chính sách hỗ trợ về kinh phí để động viên, khuyến khích GV tham gia đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn.

Qua khảo sát, giám sát tại các địa phương, đơn vị, ông Trần Văn Ý- Trưởng Ban Văn hóa Xã hội- HĐND tỉnh lưu ý Sở GD- ĐT và các trường cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quản lý GD; nhanh chóng tham mưu tuyển dụng, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực, đảm bảo đúng nhu cầu về nhân sự, biên chế nhất là lực lượng GV mầm non; quan tâm nâng chất lượng đội ngũ nhà giáo và đảm bảo việc chăm sóc trẻ tốt hơn; có phương án giải quyết tình trạng thiếu và thừa cục bộ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, GV bộ môn phù hợp với tình hình và tạo điều kiện phát huy sở trường của mỗi người; nâng chất lượng GV dạy giỏi gắn với chuẩn nghề nghiệp.

Bên cạnh, cần quan tâm công tác GD tư tưởng trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD; tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách đối với nhà giáo; phối hợp làm tốt công tác tuyển sinh học nghề và GD thường xuyên.

Đối với các trung tâm GD nghề nghiệp- GD thường xuyên, ông Trần Văn Ý đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt mô hình sáp nhập 2 trung tâm; liên kết với các trường CĐ tổ chức lớp đào tạo bồi dưỡng và tìm kiếm thị trường lao động, đào tạo giải quyết việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới; bố trí sắp xếp nhân sự cho phù hợp, thực hiện tốt chức năng theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Với vai trò là đơn vị đang tập trung đầu mối thực hiện công tác đa ngành, cần phát huy tối đa cơ sở vật chất hiện có; quan tâm tuyển sinh, phân luồng hướng nghiệp và liên kết tính toán nhu cầu đào tạo trong thời gian tới.

Toàn tỉnh có 59,9% cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó cán bộ quản lý trường mầm non đạt 52,4%, còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Bên cạnh, vẫn còn 3,95% GV mầm non chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo do chưa đúng chuyên ngành.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI