Học nghề trồng cây ở vùng đất rẫy

Cập nhật, 05:23, Thứ Sáu, 29/11/2019 (GMT+7)

Ở xứ khoai lang và rau màu huyện Bình Tân giờ đây đã thấy xuất hiện các vườn trồng mít Thái và nhãn Idor. Cùng với kinh nghiệm canh tác, sản xuất khoai lang, rau màu bao năm qua; nay do có nhu cầu của bà con nông dân, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trong lĩnh vực trồng cây ăn trái đã được mở ra mang lại nhiều hiệu quả.

Nông dân nói say mê về trồng, chăm sóc, thu hoạch với cây nhãn Idor nhưng ngại khi chúng tôi xin chụp hình. Đây là vườn nhãn Idor của anh Chín Đạm đang mùa thu hoạch bán cho thương lái.
Nông dân nói say mê về trồng, chăm sóc, thu hoạch với cây nhãn Idor nhưng ngại khi chúng tôi xin chụp hình. Đây là vườn nhãn Idor của anh Chín Đạm đang mùa thu hoạch bán cho thương lái.

Hiệu quả dễ thấy nhất là kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa cho cây nhãn Idor, cây mít Thái mà nông dân và LĐNT học được. Rồi tự tạo việc làm bằng cách thực hành trên mảnh vườn, mảnh ruộng của mình mà tạo huê lợi
tốt hơn.

Anh Đào Văn Tấn (Tám Thuần, ngụ ấp Tân Phước, xã Tân Bình) có 5 công vườn ở ấp Tân Thới trồng 350 gốc nhãn Idor. Trồng hồi đầu năm 2016 và gần 20 tháng sau anh xử lý cho cây ra hoa.

Học hỏi anh em xóm làng kỹ thuật nên lứa đầu ra hoa cho trái thành công, anh thu hoạch 7,3 tấn trên 5 công nhãn. Giá bán đợt đó 24.500 đ/kg lái hái, trừ chi phí đầu vào, anh lời hơn trăm triệu.

Kế bên vườn anh Tám Thuần là vườn của anh Chín Đạm (em ruột) cũng trồng nhãn Idor và cho hiệu quả tương tự. Cũng cùng ấp, anh Hai Thảo trồng nhãn da bò xưa giờ, gần đây anh cũng lên một bờ 28 gốc nhãn Idor xem như “qua lại” cây giống, kỹ thuật, phân thuốc cùng anh em.

Anh Hai Thảo ngại không dự tính nhưng anh em làm vườn với nhau am hiểu nói “đợt này với số nhãn Idor trên, khả năng cho ra
tấn rưỡi là khỏe”.

Tương tự, bên bàn trà nước họ cũng “phỏng” vườn nhãn của anh Tám Thuần cho lứa tới không “rớt” chục tấn. Mỗi năm, các nông dân trồng nhãn thu hoạch một lần. Giá nhãn Idor ít khi nào rớt dưới mức 20.000 đ/kg và tùy diện tích và sản lượng thu hoạch, giá trị kinh tế cây nhãn Idor đem lại rất khá.

Những nông dân trên nằm trong số 24 học viên đã tham gia học lớp dạy nghề nông thôn “kỹ thuật trồng nhãn Idor” mở từ hơn 2 tháng trước và vừa tổng kết lớp hồi tuần rồi. Hôm chúng tôi vào vườn nhãn, anh Chín Đạm nói tổng kết lớp “tui đạt xuất sắc à nghe”.

Với anh Chín Đạm: “Cái được qua lớp học là anh em mình tiếp nhận kiến thức và thực hành bài bản hơn”. Còn anh Tám Thuần, dù chỉ kinh nghiệm với cây nhãn Idor 3 năm qua nhưng sau khi học đã rành rọt về các kỳ phân, thuốc, nước nôi cho cây nhãn. “Canh sao cho ra bông đều là ngon, ra bông là đậu”- anh nói chắc nịch.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình Nguyễn Phúc Duy phấn khởi nói sau khi kết thúc lớp học: “Các chú, các anh đã có kinh nghiệm với cây trồng này nhưng qua lớp học đã được bổ sung kiến thức trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa cây nhãn Idor căn cơ bài bản hơn. Học và áp dụng thực hành ngay trên vườn nhãn của mình để gia tăng hiệu quả kinh tế”.

Thầy Đặng Văn Toàn- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Bình Tân- cho biết năm 2019, đơn vị phối hợp với các ngành ở huyện và các xã tổ chức 18 lớp dạy nghề cho 396 học viên LĐNT, đạt 132% so chỉ tiêu giao 300.

Năm 2018, đơn vị phối hợp mở 9 lớp/201 học viên/300 chỉ tiêu. Năm trước đó nữa, mở 9 lớp/153 học viên/300 chỉ tiêu. Các số trên cho thấy, kết quả và hiệu quả tổ chức lớp dạy nghề LĐNT trên địa bàn đã cải thiện đáng kể.

Đó là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo Huyện ủy- UBND huyện Bình Tân, của BCĐ huyện về công tác triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT.

Trong các lớp nghề có: tiểu thủ công nghiệp (đan đát), may, tin học, sinh vật cảnh, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trồng cây ăn trái (nhãn Idor, mít Thái)...

Đáng chú ý trong đó là nhiều lớp nghề kỹ thuật trồng cây ăn trái đã mở cho LĐNT, nông dân các xã Mỹ Thuận, Tân Bình, Thành Lợi, Nguyễn Văn Thảnh...

Theo thầy Đặng Văn Toàn, năm 2019, cơ bản 11 xã thuộc huyện Bình Tân đã được mở giáp các lớp đào tạo nghề LĐNT căn cứ vào nhu cầu và điều kiện sản xuất của người dân.

Nông dân, LĐNT đã theo học nghề hào hứng và kết thúc lớp phấn khởi. Chính từ kết quả tổ chức lớp dạy nghề, số LĐNT học nghề và có hoặc tự tạo việc làm đã phản ánh: địa bàn nào mà cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt trong công tác lãnh- chỉ đạo, khảo sát nhu cầu, điều kiện sản xuất, tuyên truyền thì nơi đó sẽ mở được các lớp nghề nông thôn phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: MINH THÁI