
Theo Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc (FAO), mỗi năm Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn nhựa, là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa của thế giới thải ra đại dương mỗi năm.
Vì sự tiện dụng nên sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ny lông từ lâu trở thành vật dụng hết sức quen thuộc trong hầu hết các gia đình. Theo Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc (FAO), mỗi năm Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn nhựa, là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa của thế giới thải ra đại dương mỗi năm.
Và tình trạng lạm dụng đồ nhựa dùng một lần vẫn gia tăng ở mọi nơi. Mặt trái của sự tiện dụng này đang tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Kỳ 1: Tiện vài phút hại... trăm năm!
![]() |
Việc lạm dụng túi ny lông đã trở thành thói quen nguy hiểm. |
Việc sử dụng các đồ dùng nhựa dùng một lần, túi ny lông đã trở thành một thói quen hàng ngày bởi sự tiện lợi của nó. Nhưng theo các nhà khoa học, trung bình phải mất 450 năm để các loại rác thải nhựa phân hủy hoàn toàn.
Quen tay quăng rác bừa bãi, chất thải nhựa tan vào trong đất, nước, khí không chỉ ảnh hưởng lớn đến môi trường mà còn với sức khỏe chúng ta, điều này khiến Việt Nam phải đối mặt với tình trạng “ô nhiễm trắng”.
Túi lớn chồng túi nhỏ
Túi ny lông xuất hiện ở khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ cửa hàng tiện lợi cho đến khu trung tâm thương mại. Nó có mặt trong mỗi gia đình, “gánh” chức năng chứa đựng đồ vật, thực phẩm.
Với giá rẻ, tiện dụng, có nhiều kích cỡ, màu sắc và được tặng kèm khi mua hàng, nên túi lớn chồng túi nhỏ... bởi hàng hóa khi bán được chứa trong túi ny lông, sau đó lại được bỏ vào một túi lớn hơn để xách cho tiện. Đã bao giờ bạn thử đếm mỗi ngày trong gia đình mình sử dụng bao nhiêu túi ny lông chưa?
Chị Nguyễn Huỳnh Châu (Phường 8- TP Vĩnh Long) thử đếm và giật mình: “Sáng mua hủ tiếu cho con gái thì có 1 túi ny lông lớn, thêm 3 túi nhỏ tách riêng hủ tiếu, nước súp, chanh ớt. Mua thêm ly cà phê thì thêm túi ny lông, ống hút, ly nhựa, nắp nhựa. Trưa ghé chợ thì về lỉnh kỉnh thêm cả chục túi ny lông đầy sắc màu”.
Ở các siêu thị, thỉnh thoảng cũng có những chương trình khuyến mãi, bán túi sử dụng nhiều lần cho người dân. Song, chương trình chỉ diễn ra trong vài ngày và khuyến mãi cũng chưa thực sự hấp dẫn, thực tế các siêu thị vẫn phải tiếp tục dùng túi ny lông để đựng hàng cho khách.
Khách tự lấy túi ny lông được đặt ở các kệ hàng thực phẩm để gói trái cây, rau quả, thịt cá,… rồi nhân viên lại bỏ những túi nhỏ đó vào túi ny lông lớn hơn. Vậy là, từ gian bếp mỗi nhà, một lượng rác khó phân hủy khổng lồ sẽ thải ra môi trường mỗi ngày.
Không chỉ ở thành thị mới sử dụng nhiều túi ny lông, mà nông thôn cũng không kém cạnh. Mỗi lần về quê ở xã Quới Thiện (Vũng Liêm), chị Bùi Thúy Ái điều cảm thấy buồn bởi thói quen sử dụng túi ny lông của gia đình chị và bà con ở quê.
“Mỗi lần đi chợ về, má và các chị có thói quen phân loại để dành túi tốt cuộn lại để đựng đồ. Còn các chai nước suối thì rửa đựng nước trong tủ lạnh. Mọi người không biết túi nhựa, chai nhựa sử dụng nhiều lần sẽ ảnh hưởng sức khỏe”- chị Ái nói thêm- “Khi tôi khuyên má đi chợ đem theo giỏ nhựa, má nói hồi xưa còn xách được, giờ xài túi ny lông tiện vậy khỏi cần giỏ”.
Thời đại sống hối hả ngày nay, giới trẻ rất thích việc mua thức ăn mang đi hoặc uống trà sữa. Một ly trà sữa cũng “góp phần” với ly, nắp, ống hút nhựa và vẫn là một túi ny lông bên ngoài. Một quán ăn, quán trà sữa trung bình bán được 100 suất mỗi ngày.
Tính ra một ngày chỉ lượng fan trà sữa đã “đóng góp” hàng triệu ly nhựa, ống hút nhựa. Hàng triệu ống hút này được sản xuất bằng nhựa hỗn tạp, kích thước nhỏ, vì vậy không thể tái chế.
TS. Nguyễn Xuân Hoàng- Phó trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ) cho biết: “Thời gian phân hủy của rác thải nhựa phụ thuộc lớn vào thành phần nhựa PE, PP, PVC, HDPE,... Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo thì thời gian chuyển hóa (sinh học) nhựa thành các nguyên tố ban đầu mất từ 450 năm trở lên. Một số tài liệu ghi ngắn hơn, nhưng cũng 300- 500 năm”.
Quăng bỏ hay đốt đều độc hại!
Không chỉ quen sử dụng các sản phẩm nhựa, không ít người còn có cách xử lý rác gây ô nhiễm môi trường như quăng xuống sông hay đốt rác. Trong những lần đi công tác ở hầu hết các huyện trong tỉnh, chúng tôi ghi nhận nhiều chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật lềnh bềnh trên kinh rạch.
Chưa có số liệu thống kê đầy đủ về những chai, lọ, bao bì độc hại này vứt ra môi trường là bao nhiêu; nhưng thử ước lượng diện tích đất nông nghiệp rất lớn thì hàng năm phải sử dụng nhiều loại thuốc để bảo vệ mùa màng, biết bao nhiêu vỏ bao bì từ vật tư nông nghiệp bị quăng ra môi trường!
Bãi chứa rác, chôn rác hiện đang quá tải, đa phần trong đó là rác thải nhựa. |
Anh Nguyễn Văn Đông (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) đang trồng khoảng 1ha sầu riêng, nói: “Tui đoán là mấy cái chai, bịch thuốc quăng xuống kinh rạch nhiều nên cũng làm cá mắm ngày càng ít hơn xưa”.
Chính sự vô ý thức cộng với thiếu hiểu biết về môi trường đã biến các dòng kinh thành nơi cõng rác. Những gia đình gần kinh rạch thì quăng luôn rác xuống kinh “cho tiện”, không chỉ ảnh hưởng lưu thông dòng chảy, tàu ghe mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Không ít người còn cho việc quăng rác xuống kinh rạch là chuyện hiển nhiên. Đứng trên cầu bắc qua sông Cả Tàu- Sóc Tro vào sáng sớm, chúng tôi thấy những đám lục bình oằn mình chở đầy chai nhựa, bao ny lông. Xa xa là xác gia cầm vướng vào lục bình và rác thải đang thối rữa.
Nhiều hộ dân ở khu vượt lũ Phường 8 (TP Vĩnh Long) lại có thói quen đốt rác. Vào các buổi chiều cuối tuần, nhiều hộ dân lại thu gom rác đem đốt. Rác vô cơ và hữu cơ được đốt bay khói bụi mù mịt và mùi khen khét khó chịu.
Cô Nguyễn Thị Sáu- người dân gần đó- cho biết: “Tôi có phản ánh vụ này với trưởng khóm mà chưa thấy có tác dụng. Hàng xóm láng giềng, tôi không dám nói trực tiếp sợ mích lòng. Nhưng tôi nghe nói hít mùi này vô riết cũng dễ bị ung thư nên sợ lắm”.
Túi ny lông, ly nhựa, ống hút nhựa- tiện nhưng không lợi. Nó đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng nhưng vì sự tiện lợi mà nhiều người biết nhưng vẫn “tặc lưỡi cho qua”, thậm chí còn đặt câu hỏi “nếu không xài thì xài cái gì?” Chúng ta không phủ nhận sự tiện ích của đồ nhựa nhưng sử dụng trong việc gì, bao nhiêu và xử lý nó như thế nào lại là một câu chuyện khác.
+ Theo thống kê của Bộ Tài nguyên- Môi trường, mỗi ngày, một gia đình người Việt sử dụng 5- 7 túi ny lông, mỗi tháng sử dụng 1kg túi ny lông. Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong vòng 24 giờ cũng thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa. Rác thải nhựa và túi ny lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8- 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Trước đây, người dân hay sử dụng lá chuối, lá sen để gói bánh, gói xôi… nay đều được thay thế bằng túi ny lông. Thậm chí, giờ đây chả lụa, bánh ít cũng được gói và nấu trong túi ny lông. + Các nhà chuyên môn đã cảnh báo rằng chất BPA dùng làm mềm nhựa là thủ phạm gây ảnh hưởng đến hóc môn sinh dục của con người. Sử dụng dây ny lông để cột, bó thịt trong món giò heo rút xương, hoặc dùng dây ny lông cột các món thịt cuộn, rồi thả vào chảo dầu nóng để chiên gây ảnh hưởng vô cùng nguy hại. Nhiệt độ cao của dầu và của nước kho làm sợi dây ny lông biến chất và trở thành chất độc hại thấm vào thức ăn. + Bãi chứa rác, chôn rác ở Vĩnh Long hiện đang quá tải với khoảng 250 tấn rác/ngày. Đa phần trong bãi rác là rác thải nhựa: túi ny lông, hộp xốp, chai nhựa. |
>> Kỳ 2: Mỗi ngày xả 2.500 tấn rác thải nhựa
Bài, ảnh: CAO THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin