Trường Công nông- Những điều đọng lại trong tôi

Cập nhật, 05:25, Thứ Bảy, 11/05/2019 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 50 năm học tập và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự chấp thuận của lãnh đạo 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh, cuộc họp mặt các thế hệ thầy cô giáo, viên chức và cựu học viên Trường Bổ túc văn hóa (BTVH) thanh niên Công nông (còn gọi là Trường Công nông) tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Cửu Long được tổ chức.

Là một học viên của trường với 3 năm học tập, tôi xin thuật lại những kỷ niệm qua bài viết để tri ân thầy cô, cán bộ, nhân viên của trường và bè bạn một thời không thể quên.

40 năm trước tại Trung tâm Hành chính huyện Long Hồ hiện nay là Trường BTVH thanh niên Công nông Cửu Long.
40 năm trước tại Trung tâm Hành chính huyện Long Hồ hiện nay là Trường BTVH thanh niên Công nông Cửu Long.

Những điều tôi biết

Trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ giải phóng quê hương, giải phóng đất nước, Tỉnh ủy Vĩnh Long qua các thời kỳ luôn luôn chú trọng công tác giáo dục, đào tạo mặc dù điều kiện dạy và học gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Địa chí tỉnh Vĩnh Long viết: “Phong trào giáo dục kháng chiến tỉnh Vĩnh Long phát triển mạnh trong giai đoạn những năm 70 của thế kỷ XX; giai đoạn này toàn tỉnh có 84 trường và điểm học với số lượng học sinh trong vùng giải phóng lên đến hàng ngàn em”…

“Khoảng năm 1971- 1972, Trường Công nông mang tên Nguyễn Thị Thu được thành lập ở Hiếu Thành (Vũng Liêm- PV) do thầy Huỳnh Minh Việt làm Hiệu trưởng với khoảng 40 học sinh”- (Địa chí Vĩnh Long- tập II, trang 528).

Sau ngày 30/4/1975, Ty Giáo dục tỉnh Vĩnh Long tiếp tục mở Trường BTVH thanh niên Công nông, địa điểm tại Trường CĐ Kinh tế- Tài chính hiện nay để tiếp tục dạy bổ túc cho cán bộ, nhân viên tham gia kháng chiến có trình độ học vấn thấp.

Năm 1976, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị khóa III, về việc điều chỉnh hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh hợp nhất thành tỉnh Cửu Long.

Tỉnh Cửu Long lúc này có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thị xã, 10 huyện với dân số hơn 1.505.200 người, TX Vĩnh Long là trung tâm hành chính tỉnh. Sau khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cửu Long chỉ đạo Ty Giáo dục tỉnh Cửu Long mở lại Trường BTVH thanh niên Công nông.

Trường BTVH thanh niên Công nông ban đầu là tuyển sinh cấp 2, nhận học viên có trình độ lớp 5, nhưng thực tế phải nhận dạy lại từ lớp 2, 3, 4- thậm chí còn phải dạy lại kiến thức lớp 1.

Sau 8 năm hoạt động, theo yêu cầu, trường chỉ còn tuyển và dạy cấp 3. Đến năm 1987, tuyển thêm 4 lớp phổ thông (theo hình thức cuốn chiếu) bên cạnh chương trình bổ túc để chuẩn bị cho việc đào tạo cán bộ hệ chính trị và tuyên huấn với khoảng 100 học sinh.

Như vậy, sĩ số học viên của trường luôn có khoảng trên dưới 900. Về đội ngũ giáo viên, cán bộ, thời cao điểm có khoảng 160 cán bộ, nhân viên, thời điểm kết thúc nhiệm vụ còn khoảng 80 người.

Từ trường học tới mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Hai năm 1978- 1979, tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh của đất nước bước vào giai đoạn khó khăn sau chiến tranh chưa hồi phục một phần, phần thì các thế lực chống phá cách mạng nước ta, phần thì biên cương Tổ quốc đe dọa do Tập đoàn phản động Pol Pot- Ieng Sary ở Campuchia quấy rối, tấn công các đảo Thổ Chu, Phú Quốc rồi lấn tới trên tuyến biên giới Tây Nam, rồi đến biên giới phía Bắc.

Trước biên cương, chủ quyền Tổ quốc bị đe dọa xâm lược, học viên Trường Công nông Cửu Long đa số là thanh niên nam, nữ ở tuổi 18 đến 25, không ít người từng trong lực lượng vũ trang tỉnh, quân khu, không ít người từng tham gia chống Mỹ- ngụy,… hừng hực khí thế sẵn sàng trở lại đơn vị chiến đấu cầm súng bảo vệ đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được.

Tôi nhớ rất rõ, nhiều anh bỏ học tìm đến các đơn vị tình nguyện chiến đấu, nhiều lớp giáo viên ngừng việc lên lớp do học trò vắng nhiều; đâu đâu cũng bàn chuyện chiến trường biên giới Tây Nam, bàn chuyện trốn ra đơn vị chiến đấu,…

Tôi còn nhớ rõ việc Tỉnh ủy đã cử một đồng chí trong Ban Thường vụ xuống làm việc với Ban giám hiệu và nói chuyện với toàn thể thầy, trò Công nông quán triệt nhiệm vụ “phải tập trung học tập; việc chiến đấu bảo vệ biên giới có Đảng, có quân đội lo…”

Tuy lãnh đạo là vậy, nhưng trước đó một số học viên Công nông đã tình nguyện đăng ký vào các đơn vị chiến đấu trong đó có anh Khởi- con trai đồng chí Trịnh Văn Lâu (lúc này là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy), có anh Kế- học viên lớp của tôi.

Không lâu sau đó, anh Khởi và anh Kế đã anh dũng hy sinh trên mặt trận biên giới Tây Nam chống quân Pol Pot xâm lược.

Ngoài mặt trận bảo vệ Tổ quốc, thầy- trò trường Công nông với tinh thần “Đâu cần thanh niên có” đã có mặt và đóng góp công sức xây dựng các công trình thủy lợi lớn của tỉnh như: đập Bến Giá, kinh 3 Tháng 2, kinh 19 Tháng 5, kinh Thống Nhất, kinh Trà Ngoa (Tuổi Trẻ); phục vụ chiến dịch đổi tiền năm 1978.

Tại các công trình thủy lợi kể trên, từ thành tích lao động, nhiều quần chúng được kết nạp Đoàn và nhiều đoàn viên ưu tú được đứng vào hàng ngũ Đảng quang vinh.

Nơi tôi học tập, rèn luyện

Qua mùa hè năm 1977, tôi nhận được giấy báo về TX Trà Vinh nhập học Trường Công nông. TX Trà Vinh đối với tôi thời điểm này hoàn toàn xa lạ cho dù thuộc tỉnh Cửu Long sau khi Vĩnh Long và Trà Vinh sáp nhập làm một tỉnh.

Khi gặp các thầy cô ở văn phòng trường, tôi đăng ký học lớp 8- là lớp lớn nhất của trường khi đó. Trường Công nông Cửu Long sau sáp nhập 2 tỉnh có 2 lớp 8.

Trong đó, lớp 8A đa số bạn học viên quê địa bàn Trà Vinh, lớp 8B đa số bạn học viên quê địa bàn Vĩnh Long, Đồng Tháp. Nhưng do sĩ số lớp 8A ít học viên hơn nên tôi cùng 3 bạn khác được xếp vào lớp 8A.

Điểm chính của Trường Công nông là doanh trại quân đội tại sân bay Trà Vinh nhưng do không đủ chỗ nội trú nên một số lớp từ 7 đến 8 phải mượn cơ sở tôn giáo là chùa Phật và nhà thờ Công giáo làm nơi cho học sinh nội trú và lớp học. Vậy là chùa Lưỡng Xuyên và phòng học Nhà thờ Thánh Gioan là nơi 2 lớp 8A, 8B chúng tôi tạm thời nội trú và học tập chờ
sắp xếp.

Do hoàn cảnh lúc bấy giờ, TX Trà Vinh luôn luôn thiếu điện, thiếu nước máy phải sử dụng nước giếng nên ngoài khó khăn về nơi ở nên việc ăn hàng ngày chúng tôi chia tổ trực đi chợ mua thức ăn về tự nấu cơm, tự canh giếng lấy nước nấu ăn, tắm giặt cùng các sư nhà chùa.

Tối không điện, bọn học trò chúng tôi ra đường để có ánh sáng đèn đường học bài. Tuy khó khăn vậy nhưng cả lớp đều ngày ngày lên lớp học tập, về học bài, làm bài tập nghiêm túc, sinh hoạt Đảng, sinh hoạt Đoàn, nhật bình đều đặn.

Học tập tại TX Trà Vinh khoảng 6 tháng, chúng tôi nhận được lệnh của Ban giám hiệu trường chuẩn bị dời về huyện Long Hồ, tại một căn cứ quân sự trước đó thuộc Trung đoàn bộ binh số 16, Sư đoàn 9 chế độ Sài Gòn, cách TX Vĩnh Long 9km. Tại đây, Trường BTVH thanh niên Công nông tỉnh Cửu Long ổn định cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ và giải thể.

Khi dời trường, 4 lớp đầu tiên từ TX Trà Vinh chuyển về Long Hồ là 7A, 7B và 8A, 8B cùng với khung cán bộ, giáo viên 4 lớp bước vào tổ chức ăn, ở nội trú và học tập với sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu trường.

Tiếp nhận doanh trại quân đội còn cả kho vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ,… chúng tôi được giao nhiệm vụ tự quản, tăng cường tiếp xúc với người dân xung quanh làm công tác “dân vận” để tự bảo vệ trường trong hoàn cảnh tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội còn nhiều
phức tạp.

Chưa hết, trong các năm 1978- 1979, do ảnh hưởng chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Mỹ và một số nước chống Cách mạng Việt Nam thực hiện bao vây cấm vận cộng với sản xuất nông nghiệp bị sâu bệnh gây mất mùa lớn, đất nước lâm vào cảnh thiếu lương thực.

Trong hoàn cảnh chung thiếu lương thực, khẩu phần gạo hàng tháng của chúng tôi bị giảm thay bằng hạt bo bo, lương thực chế biến,… chúng tôi động viên nhau vượt qua để cùng hoàn thành nhiệm vụ học tập. Vậy là năm tháng qua đi, chúng tôi học và học, ngày 2 buổi, xong chương trình lớp 9 thi tốt nghiệp, đủ điểm chuyển sang lớp 10.

Cứ vậy mỗi năm 2 lớp, gần đến hè năm 1979, 2 lớp A, B đầu tiên học xong chương trình lớp 12 hệ bổ túc, chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp cấp 3 và đăng ký thi vào ĐH.

Được sự quan tâm cao của lãnh đạo Ty Giáo dục Cửu Long, ở những lớp cấp 3 và ôn thi tốt nghiệp, chúng tôi được sự giảng dạy, hướng dẫn trực tiếp của các thầy cô có thể nói là giỏi và nhiều kinh nghiệm nhất của ngành giai đoạn đó.

Thắm thoát mà đã tròn 40 năm kể từ ngày tôi rời trường về đơn vị công tác theo sự điều động, phân công của tổ chức.

Hàng ngày bộn bề lo toan chuyện quản lý cơ quan, chuyện cuộc sống gia đình và trong thời gian công tác tôi đã học thêm ở nhiều trường khác, nhưng thi thoảng ký ức tôi vẫn có lúc quay về những năm tháng học tập, rèn luyện ở Trường BTVH thanh niên Công nông Cửu Long.

Tận đáy lòng xin cảm ơn các cấp lãnh đạo, xin tri ân quý thầy cô và cảm ơn các anh, các chị, các bè bạn đã động viên, giúp đỡ tôi trong thời gian học tập tại trường!

HOÀNG VIỆT

Cựu học viên Trường BTVH thanh niên Công nông