TRƯỜNG BỔ TÚC VĂN HÓA THANH NIÊN CÔNG NÔNG CỬU LONG

Có một thế hệ cán bộ từ Trường Công nông!

Cập nhật, 05:57, Thứ Sáu, 10/05/2019 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, có lẽ vì vậy mà ngay từ năm 1945 phong trào bình dân học vụ được nhân rộng trong khắp cả nước. Khi miền Nam còn đang chiến đấu thì lãnh đạo 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh chú trọng và tạo mọi điều kiện để phát triển nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên”cho cuộc kháng chiến và sau ngày kháng chiến thành công, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất.

Từ những lớp học trong bưng, trong vùng giải phóng năm 1972, Trường Bổ túc văn hóa thanh niên Công nông (BTVHTNCN) Cửu Long chính thức thành lập năm 1976 và hoạt động đến năm 1991- hoàn thành nhiệm vụ và giải thể.

Trí thức hóa công nông

Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra rất ác liệt, Trung ương Đảng và Bác Hồ chú ý quan tâm, chăm lo bồi dưỡng học vấn, kiến thức khoa học, nâng cao hiểu biết cho đội ngũ cán bộ cốt cán của cách mạng.

Đồng thời chăm lo giáo dục, đào tạo nguồn cán bộ xuất thân công- nông, con em của cán bộ, thương binh, liệt sĩ… để tạo lực lượng trí thức nòng cốt cho giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Theo TS Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trong hệ thống các trường bổ túc công nông từ trong kháng chiến đến sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì Trường BTVHTNCN Cửu Long là có thời gian hoạt động lâu dài nhất, với quy mô lớn nhất và đào tạo được đội ngũ cán bộ đạt cả 2 yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Đây là ngôi trường từng phục vụ nhiệm vụ chính trị về đào tạo nguồn nhân lực của Cửu Long trước kia và Vĩnh Long- Trà Vinh.

Trường nhằm mục đích GD- ĐT, nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ và con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Họ đều là những người có phẩm chất tốt, có năng lực, có triển vọng để đào tạo tiếp về sau. Bên cạnh việc dạy chữ, trường còn được xem là một tổ chức để học viên rèn luyện toàn diện, chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài cho sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Điều đặc biệt đối với Trường BTVHTNCN Cửu Long ban đầu là tuyển sinh cấp 2, nhận học sinh có trình độ lớp 5, nhưng thực chất là phải dạy lại từ lớp 2, 3, 4, thậm chí còn phải dạy lại kiến thức lớp 1. Sau 8 năm hoạt động, theo sự phát triển kinh tế- xã hội, trường chỉ tuyển sinh cấp 3.

Đến năm 1987 tuyển thêm 4 lớp phổ thông (theo hình thức cuốn chiếu) bên cạnh chương trình bổ túc để chuẩn bị cho việc đào tạo cán bộ hệ chính trị và tuyên huấn với khoảng 100 học viên (HV).

Như vậy thời điểm sĩ số cao nhất gồm 8 lớp bổ túc cấp 3 với khoảng 700 HV. Nhìn chung, sĩ số HV của trường luôn có khoảng trên dưới 900. Nhiều HV tiêu biểu xuất sắc được kết nạp vào Đoàn, Đảng ngay khi còn ngồi ghế nhà trường.

Nhiều thế hệ HV của trường đã trưởng thành đã và đang công tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều người hiện là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội, lực lượng vũ trang. 

Sau 16 năm hoạt động, trường giải thể vào năm 1991. Và, đúng 28 năm sau ngày giải thể, lớp lớp thầy- trò nhà trường đang háo hức cho ngày tái ngộ, họp mặt vào 11/5/2019 để cùng ôn lại kỷ niệm một thời học tập thi đua sôi nổi.

Nhận được thư mời họp mặt, ông Thạch Dư- nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Campuchia- HV các năm 1978-1982 cho biết: “Đây là cuộc họp mặt đầy ý nghĩa mà những HV đã từng học tập, gắn bó với ngôi trường BTVHTNCN Cửu Long, xem đó là món quà tinh thần thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp cùng Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức buổi họp mặt này”.

Nhớ lại những năm học tập tại trường, ông Thạch Dư bồi hồi: “Nhận quyết định đi học tại trường là niềm vinh dự rất lớn của tôi, thấy được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo dành cho con em người dân tộc. Tôi đã cố gắng học tập, lao động thật tốt, nắm vững kiến thức để đạt học sinh khá, giỏi của trường để cố gắng không phụ lòng mong mỏi của lãnh đạo, thầy cô”.

Nguồn nhân lực thời kỳ đó muôn vàn khó khăn, những năm 1977- 1978 nhu cầu đào tạo cán bộ rất cao. Do đó, trường là cái nôi đào tạo nguồn cán bộ cho tỉnh Cửu Long.

Đây là chiến lược chỉ đạo, chủ trương, suy nghĩ mang tính chiến lược đúng đắn, kịp thời không có trường thì sẽ rất khó khăn cho nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh phát triển như ngày hôm nay”.

Nơi “rèn” thế hệ kế thừa

Về dạy tại Trường BTVHTNCN Cửu Long từ năm 1983, cô Lê Thanh Xuân- nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- gắn bó với ngôi trường này khoảng 7 năm.

Trong thời điểm khó khăn, gian khổ vì chiến tranh mới đi qua, Đảng ta đã có chủ trương đúng đắn là gấp rút đào tạo cán bộ. Nói về những lớp học mà “không ít học viên lớn hơn cô giáo”, cô Xuân kể: “HV vô lớp thì gọi cô, xưng em chứ ra ngoài thì cô giáo phải gọi học trò là anh hay chú”.

Trong số nhiều học viên, cô rất ấn tượng với cô Kim Hoàng- một giao liên bán khai của đơn vị Thị Đoàn Vĩnh Long trước ngày 30/4/1975, một cô gái năng nổ, đầy trách nhiệm trong công tác, chỉ học hết lớp 5, lớn lên không được trọn vẹn như nhiều người bình thường khác do mang theo bên mình bệnh sốt bại liệt từ khi còn bé.

Vậy mà nhờ có “Trường Công nông 2” nên Hoàng đã được học hết cấp 3, tốt nghiệp ĐH Sư phạm và trở thành giáo viên cấp 3 khuyết tật duy nhất của tỉnh Vĩnh Long.

Với cô Cao Thanh Mai (TP Cần Thơ), ngôi trường BTVHTNCN Cửu Long này là cả một kỷ niệm thân thương, nhiều gắn bó. 3 năm (1977- 1979), HV Thanh Mai hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa (từ lớp 8- lớp 12).

Được thầy giáo Nguyễn Trọng Vũ động viên, cô học trò có năng khiếu Văn theo học Sư phạm Văn Trường ĐH Cần Thơ thay vì khối Tự nhiên nên sau 4 năm ĐH (1984), cô Thanh Mai được nhận quyết định về lại Trường BTVHTNCN Cửu Long để giảng dạy môn Văn.

Là HV trưởng thành từ trường, giờ trực tiếp giảng dạy tại đây. Không gian, môi trường, sinh hoạt rất thân quen, lại được thầy cô đi trước động viên, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy giúp cô thêm say mê nghề giáo, thêm yêu ngôi trường này hơn. Giờ nhận được tin, rồi điện thoại của bạn mời họp mặt, cô nôn nao chờ tới ngày gặp lại những gương mặt thân thương!

Trong Di chúc dự thảo đầu tiên, vào tháng 5/1965 là “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” và đến Di chúc 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo 2 tỉnh Vĩnh Long -Trà Vinh chúng ta đã thể hiện trong việc đào tạo nguồn nhân lực từ giai cấp công nông với mục tiêu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống của Bác Hồ cho thế hệ trẻ của hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Đặng Huỳnh Mai

Chúng ta có quyền tự hào về hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc thành lập Trường BTVHTNCN, khi mà có đến 4 ủy viên Trung ương Đảng đã từng học tại trường như đồng chí Nguyễn Văn Quân- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, đồng chí Sơn Song Sơn- nguyên Trưởng Ban Dân tộc Chính phủ, đồng chí Sơn Thắng- Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương, đồng chí Trần Trí Dũng- Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.

Bên cạnh đó, có đồng chí Thạch Dư- nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, TS Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; đồng chí Võ Công Lý, đồng chí Phạm Văn Lực- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; đồng chí Trần Khiêu- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; Lê Thanh Xuân, Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long;... cùng nhiều đồng chí thành công trong nhiêm vụ được phân công, một số khác dù sống hoặc hoạt động trong thầm lặng nhưng cũng không quên được những kỷ niệm sâu sắc của một thời Công nông Long Hồ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thạch Dư

HV dân tộc Khmer được học tại Trường BTVHTNCN tỉnh tuy không nhiều nhưng đa số đều tốt nghiệp cấp 3 để công tác hoặc học cao hơn. Trong quá trình học tập, được học chung, gắn bó thân thiết nhiều với anh em. Môi trường học tập tập trung rất nghiêm túc, ăn, ở nội trú tại trường, hưởng đầy đủ các chế độ của Nhà nước.

Ban giám hiệu, thầy cô giáo quan tâm, theo dõi, chăm lo học tập, ăn ở, sức khỏe của HV rất logic. Mỗi lớp có chi đoàn, chi bộ Đảng. Ai mà chịu học, rất phát huy được năng lực của mình.

Nhiều anh em học rất giỏi, áp dụng công việc quản lý sau này rất thuận lợi. Từ trường này, là hành trang để nhiều HV tiếp tục học thêm nâng cao trình độ, có đủ năng lực phục vụ cách mạng.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Trà Vinh Ngô Thanh Hòa

Hồi xưa, tôi mới học lớp 3 trường làng, đến năm 21 tuổi, khi là nhân viên của Báo Anh Dũng (Báo Trà Vinh trước đây) thì tôi được cơ quan cử đi học ở Trường BTVHTNCN. Lớp học với nhiều lứa tuổi, tôi thì ở lứa trung trung.

Ông Ngô Thanh Hòa cho biết: “Không có Trường Công nông lúc đó thì thua. Mặc dù sau giải phóng, tôi vẫn đi học bình dân học vụ vào buổi tối nhưng áp lực cơm áo gạo tiền, vừa làm vừa học ở cái tuổi ngoài 20 thật không dễ dàng. Trường Công nông không chỉ là nơi dạy tri thức mà còn giáo dục lý tưởng cách mạng.

Lớp nào cũng có chi đoàn, chi bộ sinh hoạt định kỳ”. Ông tự hào kể về những công trình mang dấu ấn thời thanh niên của mình, đôi bàn tay trẻ đã cùng bạn bè đào kênh 3 Tháng 2, kênh 19 Tháng 5, kênh Bến Giá, kênh Trà Ngoa…

Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long Phạm Hoàng Khải

Tôi vào trường từ năm 1977- 1979, kỷ niệm khó phai chính là được kết nạp Đoàn khi đang tham gia chiến dịch hè, trên bờ dừa khi làm kênh Trà Ngoa (Trà Ôn);… Hơn 40 năm đã xa rồi, anh em giờ tản lạc nhau hết, chỉ số ít còn giữ liên lạc với nhau thôi. Buổi họp mặt vào thứ bảy (ngày 11/5) sẽ đong đầy cảm xúc, anh em được đoàn tụ, nhắc lại chuyện học tập, lao động dưới mái trường này, sẽ xúc động lắm.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN