Trong giai đoạn phát triển hiện nay, trước xu hướng hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam đang có nguy cơ bị xâm hại, thậm chí dần bị mai một đi.
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, trước xu hướng hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam đang có nguy cơ bị xâm hại, thậm chí dần bị mai một đi. Thực tế đó đòi hỏi phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đời sống gia đình.
Đại biểu tham dự hội nghị triển khai nhân rộng “Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” tại xã Phú Quới (Long Hồ). |
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người. Trải qua bao thế hệ, gia đình đã lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha.
Việt Nam ảnh hưởng bởi tư tưởng nho giáo nên các gia đình luôn giáo dục con cháu phải biết trọng lễ, nghĩa, đoàn kết, trách nhiệm, thủy chung, yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn… Những phẩm chất đó đã hình thành và tạo nên một bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Tuy vậy, ở một số gia đình, các mối quan hệ trong gia đình không còn chặt chẽ, bền vững; cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lạnh nhạt, ít có sự quan tâm, chia sẻ với nhau.
Một bộ phận giới trẻ hiện nay có xu hướng chạy theo lối sống thực dụng, chỉ xem trọng lợi ích cá nhân, sống buông thả trong tình cảm. Tình trạng con cháu bạo lực với cha mẹ, ông bà; vợ chồng lăng mạ, xúc phạm nhau; tình trạng ly thân, ly hôn ngày càng cao...
Thực tế trên cho thấy các giá trị đạo đức truyền thống đã và đang suy giảm, các chức năng cơ bản của gia đình đang bị mai một- đặc biệt là chức năng giáo dục các thành viên trong gia đình.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH- TT và DL), từ năm 2010 đến nay, Sở VH, TT và DL đã triển khai nhân rộng “Đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” tại 6 xã- phường trên địa bàn tỉnh gồm: Phường 4, Phường 5, Phường 2, Phường 8 (TP Vĩnh Long); xã An Phước (Mang Thít) và xã Phú Quới (Long Hồ).
Qua 8 năm triển khai thực hiện đề án, thông qua các hoạt động tuyên truyền thiết thực, đề án đã thực sự đi vào đời sống người dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Qua các buổi sinh hoạt, tuyên truyền ở ấp- khóm đã giúp người dân có ý thức trong việcgiữ gìn các giá trị truyền thống của gia đình, hiểu và nhận diện được các hành vi bạo lực gia đình, những hệ lụy bạo lực gia đình đem lại và từ đó kéo giảm đáng kể các vụ bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh, Sở VH, TT và DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 và phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, hướng đến mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm trong việc nâng cao nhận thức người dân giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình, Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và ngành văn hóa thông tin các huyện- thị- thành chủ động và phối hợp các ban ngành, đoàn thể cùng cấp xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm để đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình theo Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, từ năm 2010 đến nay, Sở VH, TT và DL đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động trong quần chúng nhân dân.
Cụ thể như: treo băng rôn trên các tuyến đường chính trong nội ô thành phố, xây dựng pano; phối hợp với Báo Vĩnh Long thực hiện 24 chuyên trang đưa tin bài về gương điển hình trong xây dựng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình, 2.500 tờ gấp “Vai trò của ông bà trong đời sống gia đình”, “Phương pháp và nguyên tắc giáo dục trong gia đình”, “Giáo dục đời sống trong gia đình thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước”,
“Vai trò của cha mẹ trong đời sống gia đình”, “Nguyên nhân và hậu quả của bạo hành trong gia đình”, 2.400 quyển tài liệu về giáo dục đời sống gia đình; tổ chức 10 cuộc nói chuyện truyền thông về giáo dục đời sống gia đình; in ấn và cấp phát 260.000 quyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho hộ gia đình trên địa bàn tỉnh;
Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh thực hiện các phóng sự, chuyên mục về giáo dục đời sống gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, gia đình gương mẫu trong việc giáo dục con tốt.v.v...
Ngoài ra, chỉ đạo 75 địa phương triển khai mô hình, đề án, 416 CLB gia đình phát triển bền vững đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Thông qua cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các tổ nhân dân tự quản luôn chú trọng tiêu chuẩn 2 là “Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng”.
Chính vì thế, chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” ngày được nâng cao, số hộ gia đình đạt văn hóa năm sau cao hơn năm trước.
Cụ thể năm 2016, toàn tỉnh có 246.193 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đến năm 2017 tăng 1,72% với 250.433 hộ; có 49 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, tăng 8 xã so với năm 2016; có 2 phường- thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và 1 thị xã đạt hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện.
Toàn tỉnh có 10.355 hộ nghèo, chiếm 3,72%, giảm 1,05% so với năm 2016. Từ đó, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể có liên quan trên địa bàn phối hợp tuyên truyền giáo dục lồng ghép vào các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện truyền thông… cho cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, lực lượng công an, bộ đội và công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Trung bình mỗi năm tổ chức gần 50 cuộc, có gần 9.000 lượt người dự.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội đã có sự chuyển biến nhận thức trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình theo hướng văn minh, tốt đẹp hơn.
Đó cũng là góp phần thành công trong việc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
6 tháng đầu năm 2018, tại xã An Phước không có xảy ra bạo lực gia đình, giảm 3 vụ so với năm 2017; tại xã Phú Quới xảy ra 1 vụ bạo lực gia đình, giảm 2 vụ so với năm 2017. Các địa phương có triển khai đề án còn lại chưa phát hiện bạo lực gia đình. Qua sinh hoạt tuyên truyền, vận động các đối tượng cam kết không tái phạm, chí thú làm ăn cải thiện kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp- khóm văn hóa ở địa phương, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình thật sự là tổ ấm của mọi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. |
Bài, ảnh: HOÀNG OANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin