"Nhắc lại chuyện cái ao"

Cập nhật, 22:53, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

 

Ngày khánh thành đoạn đường qua Tân Mỹ, nhân dân hớn hở đón mừng.
Ngày khánh thành đoạn đường qua Tân Mỹ, nhân dân hớn hở đón mừng.

Đường tỉnh 907, đoạn qua xã Tân Mỹ (Trà Ôn) đã được láng nhựa phẳng phiu. Hàng ngày, ôtô, xe máy qua lại dập dìu, xe tải chở trái cây, hàng nông sản đến tận nhà vườn... Cuộc sống nơi đây trở nên nhộn nhịp, tràn đầy sức sống.

Đường tỉnh 907 dài gần 93km, đi qua địa bàn 3 huyện Trà Ôn, Vũng Liêm và Mang Thít. Tuyến đường dài, thi công chậm cũng có nhiều lý do, nhưng điều làm tôi nhớ nhất là đoạn đường nhựa hiện hữu đi qua ấp Mỹ Định (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) từng là nơi… vịt tắm.

Năm 2002, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư dự án xây dựng Đường tỉnh 907, tổng chiều dài theo hồ sơ thiết kế được duyệt là 92,882km. Điểm đầu, Km0+000 tiếp giáp với QL54 (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn).

Năm 2010, khởi công gói thầu số 77 đoạn Km0+000- Km6+000 là đoạn đầu dự án. Tuy nhiên, đơn vị thi công đào đắp vai đường, bơm cát rồi bỏ dở dang.

Đoạn từ Km0+000 đến Km2 được bơm cát đầy, nhưng đi lại cũng rất khó khăn. Đoạn Km3- Km6, đơn vị thi công đắp vai đường cao và bơm ít cát nham nhở, trời mưa nước đọng tạo thành một con kinh nổi đi qua khu dân cư.

Công trình nằm ì hàng năm trời, gây cản trở việc đi lại cũng như giao thương hàng nông sản của người dân trong vùng.

 Theo người dân nơi đây phản ánh, giữa năm 2011, tôi cùng phóng viên Minh Thái đi “thị sát”, ghi nhận ý kiến người dân. Anh em chúng tôi đi trên chiếc xe máy từ QL54 bườn vào UBND xã Tân Mỹ (Trà Ôn).

Xe cà tàng chạy số 1 chao đảo trên con đường cát lồi lõm, có chỗ lún mất cả phần lốp xe, có chỗ phải xuống xe và người dẫn, người đẩy... dù máy xe vẫn nổ, cát văng đầy đầu. Sau khi làm việc với UBND xã, chúng tôi lại thẳng tiến vào đoạn Km3-4-5 thuộc ấp Mỹ Định.

Đoạn này chỉ như đôi bờ đê nhỏ chạy song song, ở giữa là một con kinh đầy nước, nên một người đi bộ, người điều khiển xe. Đi một đoạn thì mồ hôi nhễ nhại nhưng không khỏi bật cười khi thấy một bầy vịt trắng phau hàng trăm con đang tắm dưới “dòng kinh”.

Hỏi ra mới biết đây là đàn vịt của ông Sáu Sua chuyên nuôi vịt chạy đồng. Nhà ông Sáu là căn nhà vách lá ở ngay nơi bầy vịt đang tắm. Thấy chúng tôi đứng chụp hình, ông Sáu ra than vãn chuyện con đường, thi công cả năm trời mà móc đất lên rồi bỏ đấy, làm khó khăn cho việc đi lại...

Năm 2015, đoạn đường 6km được hoàn thành và cũng hoàn thành luôn đoạn tuyến Đường tỉnh 907 qua địa bàn huyện Trà Ôn.

Ngày 10/10/2015, Sở Giao thông vận tải và đơn vị thi công tổ chức lễ khánh thành, trong niềm vui hân hoan của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Mỹ.

Đây cũng là công trình do Sở Giao thông vận tải đăng ký hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020. Trong niềm vui ấy, mọi người lại quên đi cảnh khó khăn lúc đầu, trong đó có tôi.

Rồi một ngày, tôi tìm ông Sáu Sua để nghe kể chuyện vui về “cái ao” trước nhà. Đường láng nhựa bon bon, cảnh cũ cũng thay đổi hoàn toàn nên không còn nhớ nhà ông Sáu ở đâu. Cứ chạy qua, vòng lại mãi…

Ông Sáu Sua chỉ nơi đàn vịt của ông thường tắm khi còn đường còn dang dở.
Ông Sáu Sua chỉ nơi đàn vịt của ông thường tắm khi còn đường còn dang dở.

Trong lúc “bí” quá thì tìm gặp được Phó Trưởng ấp Mỹ Định Bùi Cao Trí, nhờ dẫn tôi đến nhà ông Trương Văn Sua, 58 tuổi. Vẫn bầy vịt trắng nằm bên mép nước cặp con đường láng nhựa, nhưng căn nhà vách lá của ông Sáu Sua bị che khuất bởi căn nhà tường sáng bóng với gạch ốp tường cao cấp.

Ngồi trên bộ bàn ghế đá, ông Sáu nhấp mấy ngụm trà rồi kể chuyện: Trước giải phóng, người dân nơi đây hầu hết cất nhà sinh sống cặp bờ sông Măng Thít- nơi hiện giờ là khu vườn và đồng ruộng.

Sau giải phóng, khoảng năm 1981- 1982, Nhà nước làm bờ thủy lợi (là khởi đầu của đường nhựa ngày nay). Dần dần mọi người dời lên cất nhà sống cặp đôi bên bờ thủy lợi, tạo thành khu dân cư mới.

Bờ thủy lợi bề ngang khoảng 2m nhưng cũng thuận tiện đi lại trong xóm ấp. Rồi đến năm 2010, Nhà nước giải tỏa làm đường, nhân dân nơi đây phấn khởi trông chờ con đường láng nhựa êm đềm... nhưng đào lên mấy năm trời lại bỏ đó.

Nhấp tiếp ngụm trà, ông Sáu kể chuyện vui nuôi vịt và con đường thành… ao vịt tắm: “Trước giờ tui sống bằng nghề nuôi vịt chạy đồng. Chạy cũng không xa, đồng nhà cũng đủ cho vịt ăn rồi.

Cạnh nhà tui là cái cống, nên mỗi chiều về cho vịt xuống cống tắm lội một hồi rồi mới lên chuồng. Đây cũng là nơi cầm vịt hàng năm. Khi con đường được mở, đơn vị thi công móc đất đắp hai bên và bơm chỉ một ít cát, nên nước đọng thành ao. 

Từ đó, vịt dưới cống tự lên bờ rồi tìm xuống ao này tắm, riết thành quen, hết bầy này đến bầy khác. Vịt tắm dưới cống quậy một hồi lên bùn, chiều vịt lên chuồng phải múc nước tạt lại cho sạch. Khi có “cái ao” trên đường này, vịt tắm sạch lắm, do dưới đáy là lớp cát chớ không phải bùn. Nhờ vậy mà cũng đỡ cực chút đỉnh...”

Ông Võ Văn Sáu (62 tuổi)- người chuyên mua bán vịt- cũng thêm phần kể chuyện vui. Rồi ông Lưu Văn Thơ (54 tuổi) cùng là người nuôi vịt, cũng góp chuyện nuôi vịt và chuyện con đường. Rốt cuộc, ai nấy phấn khởi khi con đường nay đã rộng mở bon bon, tạo hướng phát triển xây vùng nông thôn mới.

Anh Trần Thanh Sang- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ- cho biết, từ khi đoạn đường này hoàn thành, nhà tường dần dần thay cho nhà lá. Giao thông thuận lợi mua, bán hàng nông sản cũng khấm khá hơn.

Ở đây có mấy ông già chỉ ao ước được thấy con đường làm xong. Như ông Mười Thanh năm nay đã hơn 90 tuổi, bây giờ cứ sáng sớm hoặc chiều mát là chống gậy ra ngồi trước cổng nhà, vì “ngồi coi xe chạy vui lắm!”

 Xe tải đến tận nhà thu mua nông sản, xóa cảnh nông dân phải chở bằng xuồng ghe.
Xe tải đến tận nhà thu mua nông sản, xóa cảnh nông dân phải chở bằng xuồng ghe.

Đường tỉnh 907 đoạn qua huyện Trà Ôn đã thật sự phát huy đúng vai trò góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Đây còn là đê bao chống lũ, giữ mùa màng tốt tươi cho nhân dân.

Trong gió xuân, đi qua đoạn đường “vịt tắm” ngày nào, chỉ mới vài năm mà không còn nhận ra nơi cũ. Đường nhựa phẳng lỳ, xe chạy bon bon, dập dìu. Từ chiếc xe con bóng loáng đến những xe tải chở hàng nông sản lại qua… tất cả tạo nét sôi động ở làng quê mới, sinh sôi, phát triển...

Bài, ảnh: HÙNG HẬU