Xuân thấm nghĩa đượm tình

Cập nhật, 12:37, Thứ Năm, 15/02/2018 (GMT+7)

Xuân đã chạm ngõ từng nếp nhà, mang những điều mới mẻ, tốt đẹp, mang niềm vui và hy vọng cho mọi người. Cùng với những giải pháp tập trung cho tăng trưởng kinh tế, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long luôn xác định công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội là nhiệm vụ cơ bản, cấp bách và lâu dài.

Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, tạo sự chuyển biến cho Vĩnh Long hôm nay. 

Đồng chí Trần Văn Rón - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long thăm hỏi gia đình chị Hồ Thị Đúng (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh).
Đồng chí Trần Văn Rón - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long thăm hỏi gia đình chị Hồ Thị Đúng (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh).

Nỗ lực tạo việc làm mới

Để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tỉnh Vĩnh Long triển khai lồng ghép nhiều chính sách thiết thực. Trong đó, 2 vấn đề được tập trung thực hiện là triển khai nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động.

Trong năm 2017, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 26.000 lao động; hàng chục ngàn hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, đồng thời tổ chức trên 250 lớp đào tạo nghề cho gần 6.750 lao động nông thôn có việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh đạt 63,13%.

Các chương trình tín dụng chính sách đầu tư cho hộ nghèo vay vốn để sản xuất, kinh doanh phát huy hiệu quả. Nhiều hộ dần thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi này, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (xã Phước Hậu- Long Hồ) vay được nguồn vốn ưu đãi, ngoài đầu tư thuê đất trồng rẫy, chị còn nuôi bò và đã sinh lời, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. 

Theo ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, mô hình đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp được đánh giá rất cao về hiệu quả giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động nông thôn.

Hơn 80% lao động sau đào tạo đều có việc làm và được các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (ấp An Thạnh B, xã Bình Ninh- Tam Bình) trước đây là hộ nghèo, sau khi học nghề đan lục bình, chị vừa đan gia công vừa cắt lục bình để bán nguyên liệu, nên thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Hiện gia đình chị đã thoát nghèo, có điều kiện cho con ăn học.

Trên 10 năm gắn bó với nghề "đươn cỏ trôi sông", bà Nguyễn Thị Nhanh (Ấp 4, xã Hậu Lộc- Tam Bình) cho biết: “Thu nhập chính của gia đình tui là từ mần ruộng nhưng mà không cao nên đươn thêm lục bình, tháng có thêm gần 2 triệu đồng đi chợ, cho con ăn học”.

Mái ấm tình xuân

Cùng với tạo sinh kế, tăng thu nhập thì chăm lo nhà ở là một trong những chính sách quan trọng để góp phần giảm nghèo bền vững. Xuân 2018, hàng ngàn gia đình nghèo ở Vĩnh Long được sum họp trong những “mái ấm đồng đội”, “mái ấm công đoàn”, “mái ấm tình thương”, “căn nhà chữ thập đỏ”,“nhà đại đoàn kết”, “nhà nhân ái”,… Họ hạnh phúc trong căn nhà mơ ước, ấm lòng trong sự yêu thương, chia sẻ của cộng đồng.

Thăm gia đình chị Lương Thị Bé Mai (xã Trung Thành Tây- Vũng Liêm), chúng tôi cảm nhận rõ xuân đang về trong căn nhà nhỏ rộn tiếng cười trẻ con.

Những vất vả mưu sinh từ đôi gánh ve chai của người mẹ đơn thân để lo cho 5 con thơ được no dạ đã là quá sức với chị, nên “mái ấm” của mẹ con chị xác xơ trước mưa tạt gió lùa.

Nhờ sự đồng cảm của những tấm lòng nhân ái, Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động nhà hảo tâm cất nhà cho mẹ con chị.

Giờ đây, chị Mai vẫn miệt mài với đôi gánh ve chai để lo cho các con ăn học song tình nhân ái của cộng đồng đã cho chị thêm niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu- nhấn mạnh 2 ý quan trọng, là cần tạo sự đồng thuận toàn xã hội cùng chung tay chăm lo cho người nghèo, gắn công tác giảm nghèo với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Đồng thời, bản thân người nghèo tự lực vươn lên, chăm lo làm ăn, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Trong 2 năm 2016 và 2017, với nguồn tài trợ hơn 63 tỷ đồng từ Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, tỉnh hỗ trợ cất gần 1.600 căn nhà cho bà con dân tộc Khmer nghèo, khó khăn về nhà ở.

Đây được xem là chủ trương lớn, mang tính nhân văn sâu sắc của tỉnh.

Bởi nó vừa tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer có được cuộc sống ổn định, an tâm phát triển sản xuất, vừa góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Khi chúng tôi đến, căn nhà mới của gia đình chị Thạch Thị Hiền (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) vẫn còn thơm mùi vôi vữa.

Chị cười hiền: “Hay tin được Đài Truyền hình Vĩnh Long cho tiền cất nhà, mình mừng, mấy đêm hổng ngủ được”.

Gia cảnh khó khăn, vợ chồng anh chị lam lũ “ai kêu gì mần đó”. Chị làm cỏ, giặm lúa, ngắt chèo dưa, bữa nào được người ta kêu mần là mừng lắm. Còn anh tới vụ lúa đi “vác lúa tấn”, sau đó làm công chăm sóc bò cho người bà con trong ấp.

Niềm vui trong căn nhà mới của mẹ con chị Thạch Thị Hiền (xã Tân Mỹ- Trà Côn).
Niềm vui trong căn nhà mới của mẹ con chị Thạch Thị Hiền (xã Tân Mỹ- Trà Côn).

Dẫu vợ chồng chị gắn sức làm nhưng tiền làm thuê cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên “mái ấm ọp ẹp, xiêu vẹo” theo thời gian.

Con gái chị- bé Nguyễn Thạch Quỳnh Ngọc (lớp 4, Trường Tiểu học Tân Mỹ A)- nhớ lại: “Nhà cũ cứ vài năm phải lợp lá, tối con ngủ giật mình nhìn lên mái lá thấy sao trời luôn.

Bữa nào trời mưa thì dột, thau xô hứng đầy nhà, ngủ co ro. Giờ có nhà tường, nhà gạch ở con vui lắm!” Niềm vui nhân đôi khi gia đình chị được Hội Nông dân xã hỗ trợ cho con bò giống. Chị cho biết: “Người em cho “nuôi rẻ” 2 con bò nữa. Mỗi ngày cắt cỏ cho bò ăn, thấy cuộc sống có tương lai hơn”.

Anh Thạch Bình (xã Trà Côn- Trà Ôn) là một trong 400 hộ nghèo được hỗ trợ bò từ Dự án “Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống, nâng cao đời sống” giai đoạn 2017- 2020.
Anh Thạch Bình (xã Trà Côn- Trà Ôn) là một trong 400 hộ nghèo được hỗ trợ bò từ Dự án “Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống, nâng cao đời sống” giai đoạn 2017- 2020.

Những ngày này, hơi ấm mùa xuân lan tỏa, đem đến cho mọi người một cái tết đong đầy ý nghĩa. Các hoạt động an sinh xã hội của Vĩnh Long tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh, trở thành hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo cho người nghèo, hộ nghèo có đời sống tốt hơn, ổn định hơn. 

Nhiều năm qua, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long nỗ lực thực hiện tốt cuộc vận động ngày Vì người nghèo, nhờ vậy hàng năm tỉnh đều vận động được hàng chục tỷ đồng giúp người nghèo. Trong đó, tập trung giải quyết hỗ trợ điều trị bệnh và xây dựng nhà ở để an cư lạc nghiệp. Thực tế đã cho thấy, đây là một quyết định đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của người nghèo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN