Nghị quyết 01 là nền tảng phát huy thế mạnh du lịch Long Hồ

Cập nhật, 15:11, Thứ Sáu, 16/02/2018 (GMT+7)

Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy đã tạo cơ hội cho du lịch Vĩnh Long phát triển toàn diện hơn, quy mô tầm vóc hơn, để hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần. Cùng với đó là rất nhiều dự án, kế hoạch ngắn hạn và dài hơi tập trung phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Tuy nhiên, dù cho sự đầu tư, định hướng có “dịch chuyển” thế nào đi nữa, du lịch Vĩnh Long vẫn phải luôn đặt trọng tâm trên mảnh đất 4 xã cù lao của huyện Long Hồ. Nơi đây có thể được xem là chiếc nôi của những kiểu làm du lịch độc đáo, hấp dẫn ngay từ thuở ban sơ của ngành du lịch trong cả nước.

Giai điệu quê hương ngọt ngào sâu lắng của đờn ca tài tử tại một điểm du lịch trên đất cù lao ở Long Hồ. Ảnh: NVH
Giai điệu quê hương ngọt ngào sâu lắng của đờn ca tài tử tại một điểm du lịch trên đất cù lao ở Long Hồ. Ảnh: NVH

Một thời làm du lịch “hồn nhiên”

Trong suốt thập kỷ đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta có thể hình dung du lịch nước nhà thời ấy như một con số 0 tròn trĩnh.

Chính trong giai đoạn đó,Vĩnh Long đã nổi lên vai trò “cáng đáng” đón tiếp những đoàn khách đến từ Liên Xô cũ. Nó như một dạng làm du lịch “nghĩa tình” thời bao cấp.

Nhưng cũng từ đây, với tư duy “vượt trước”, sáng tạo, vừa làm vừa mò mẫm, lớp người làm du lịch đầu tiên của Vĩnh Long đã đặt nền mỏng cho ngành công nghiệp không khói này.

Du lịch miệt vườn kết hợp các trò chơi dân gian bắt vịt, đập niêu.
Du lịch miệt vườn kết hợp các trò chơi dân gian bắt vịt, đập niêu.

Một thời làm du lịch hồn nhiên, đã tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ chính từ những con người nông dân chân chất mà hào sảng của xứ sở cù lao.

Kể từ đó đến nay và cả giai đoạn sắp tới, thế mạnh chủ lực của du lịch Vĩnh Long vẫn phải gắn bó với địa bàn Long Hồ, còn do một thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi.

Bắt đầu những năm đầu tiên của thập niên 90 thế kỷ XX, mảnh đất cù lao thật sự là điểm đến không thể thiếu của mọi đoàn du khách quốc tế. Du lịch bắt đầu phát triển rõ nét, có bài bản hơn với những gói tour hướng đến thị trường khó tính.

Đó được xem là thời kỳ hoàng kim, khi Công ty Du lịch Cửu Long có những gói chương trình có đủ năng lực chào mời trực tiếp với các hãng lữ hành lớn của Châu Âu, đặc biệt những tour cao cấp phục vụ riêng các đoàn khách đến từ Thụy Sĩ, Nhật Bản, Pháp, Anh,…

Và liên tiếp những mô hình du lịch sinh thái, “Tây ngủ nhà ta” đã được khai sinh từ những nhà vườn của Bình Hòa Phước, Hòa Ninh tiếp đó là Đồng Phú. Nhiều du khách nước ngoài biết gọi tên ông Sáu Giáo, Tám Hổ, Tám Bia, Mười Đậy,…

Tuy nhiên, cái thế mạnh của một thời làm du lịch “hồn nhiên” không còn nữa khi bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh mạnh mẽ, mà trước hết là sự nổi lên của những địa phương lân cận có cùng thế mạnh với chúng ta.

Tát mương bắt cá ở cù lao An Bình của Công ty CP Du lịch Cửu Long.
Tát mương bắt cá ở cù lao An Bình của Công ty CP Du lịch Cửu Long.

Sau nhiều năm nỗ lực hướng đến du lịch cộng đồng, xã hội hóa, thì trên địa bàn 4 xã cù lao đã mọc lên khá rầm rộ những nhà vườn làm du lịch tự phát, bên cạnh một số thương hiệu lớn như: Công ty CP Du lịch Cửu Long, Khu du lịch Vinh Sang, MeKong Travel,… 

Đáng mừng, là sự ra đời của Nghị quyết 01- NQ/TU ngày 6/11/2015 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, vừa là một “cú hích”, vừa là nền tảng để phát huy mạnh mẽ tiềm năng du lịch Vĩnh Long, trong đó có du lịch 4 xã cù lao của huyện Long Hồ.

“Nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế”

Du lịch Vĩnh Long năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên trên cơ sở Nghị quyết 01- NQ/TU của Tỉnh ủy.

Nhiều hoạt động kích cầu du lịch, nhiều sản phẩm mới được hình thành và đưa vào thử nghiệm, cùng với những sản phẩm thế mạnh truyền thống, nhằm tạo nên “diện mạo” mới cho du lịch Vĩnh Long trong tương lai.

Đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ- cho biết: Là địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh, nên huyện Long Hồ được xem là nơi thụ hưởng nhiều lợi thế, cơ hội từ Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy.

Đến đây du khách có thể hóa thân thành thôn nữ, trai làng hay tiếp cận đội ngũ phục vụ mang phong cách
Đến đây du khách có thể hóa thân thành thôn nữ, trai làng hay tiếp cận đội ngũ phục vụ mang phong cách "Hai Lúa". Ảnh: NVH

Để khai thác hết tiềm năng, đồng thời phát huy tính sáng tạo, tiếp tục xây dựng nhiều mô hình dịch vụ mới cho du lịch địa phương.

Hiện nay, Long Hồ đã triển khai các dự án phát triển cụm- tuyến- điểm du lịch theo quy hoạch; mời gọi đầu tư vào các dự án du lịch được phê duyệt; quảng bá du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái miệt vườn trên 4 xã cù lao.

Bên cạnh đó, Long Hồ nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, có liên quan đến việc bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường; xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự; kịp thời ngăn chặn các hành vi xấu xí làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch như nạn chèo kéo, đeo bám, cướp giật.

Năm 2017, homestay Hòa Ninh ở xã Hòa Ninh (Long Hồ) đã vinh dự nhận giải thưởng “Homestay ASEAN”; đây được xem là điểm sáng góp phần tăng thêm giá trị thương hiệu du lịch cộng đồng của huyện Long Hồ.

Lãnh đạo huyện cũng chú trọng vấn đề tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn. 

Năm 2017, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng huyện Long Hồ đạt gần 4.896 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nhà hàng- khách sạn tăng 8,3%, du lịch- lữ hành tăng gần 4,9%. Các cơ sở kinh doanh lưu trú đã phục vụ 193.000 lượt khách; trong đó, có 26% là khách quốc tế; tổng doanh thu hơn 9,7 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG