Bước sang tuổi xế chiều, trong khi nhiều người được "vui thú điền viên", hưởng phước cùng con cháu, thì vẫn có không ít người phải vất vả mưu sinh, ốm đau, cô đơn không người chăm sóc, phải sống nhờ vào sự cưu mang của xã hội.
Bước sang tuổi xế chiều, trong khi nhiều người được “vui thú điền viên”, hưởng phước cùng con cháu, thì vẫn có không ít người phải vất vả mưu sinh, ốm đau, cô đơn không người chăm sóc, phải sống nhờ vào sự cưu mang của xã hội.
Nếu có sự chuẩn bị tốt khi về già thì mọi người có thể sống vui, sống khỏe và tuổi tác chỉ là con số.
Nếu có sự chuẩn bị tốt, người cao tuổi có thể dành thời gian cho những việc mình yêu thích. |
Cần lắm sự quan tâm
Chúng tôi có dịp theo chân Hội Người cao tuổi (NCT) các cấp đến thăm những NCT cô đơn không nơi nương tựa, chủ yếu sống vào tiền trợ cấp NCT, sự hỗ trợ của hội và CLB Liên thế hệ tự giúp nhau chăm sóc và phát huy vai trò NCT.
Mỗi người một mảnh đời khác nhau, nhưng đã để lại trong chúng tôi bao câu hỏi về nỗi khổ đau và sự chuẩn bị cho tuổi già.
Đến giờ tôi vẫn không quên hình ảnh cụ ông Lê Văn Thế (xã Quới An- Vũng Liêm) ngày ngày lo cơm nước, giặt giũ, vệ sinh cho vợ bị tai biến nằm một chỗ cả chục năm nay.
Khi nghe hỏi về con cháu, ông Thế nói giọng trầm buồn: “Vợ chồng tui có 9 người con nhưng hầu hết đều ra riêng, vài tháng tụi nó mới tới thăm hoặc gửi vài trăm ngàn đồng là kể như... xong nhiệm vụ”.
Nơi vợ ông Thế nằm bẩn thỉu, bụi bặm… Nhìn cụ ông tóc bạc, gầy yếu, chúng tôi hiểu rằng ông không đủ sức để chăm sóc vợ tốt hơn.
Trong căn nhà tình thương đã xuống cấp, bà Trần Thị Lý (Phường 3- TP Vĩnh Long) tiếp chúng tôi với ánh mắt đăm chiêu.
Chồng mất, ở tuổi xế chiều bà sống hiu quạnh một mình.
“Chừng 1- 2 năm, con gái tui mới về một lần và không bao giờ nó điện thoại hỏi thăm. Cháu ngoại cũng chẳng dòm ngó tới…”- giọng nấc nghẹn, bà Lý quay hướng khác như cố giấu những giọt nước mắt chực rơi.
Ở xã Tân Hội (TP Vĩnh Long), bà Trương Thị Cho (ấp Tân Bình) và Trần Thị Chí (ấp Mỹ Thuận) có chung hoàn cảnh là sống thui thủi một mình.
Bà Cho thì không còn nhìn thấy đường, còn bà Chí thì bị đau khớp nên không đi đâu được, xóm giềng ai thương tình cho gì thì ăn nấy.
Khi hỏi về ước mong, cả 2 bà đều có cùng câu trả lời là “muốn quy tiên” vì tuổi già cô đơn, không người chăm sóc.
Dẫu biết rằng, đó là số ít các trường hợp NCT không may rơi vào cảnh khó khăn, nhưng qua đó cũng đặt ra vấn đề cho xã hội về tình thương, trách nhiệm của con cháu, cũng như là sự chuẩn bị của chính bản thân để không túng quẫn khi tuổi cao.
Cần có sự chuẩn bị cho tuổi già
Đến thăm ông Trần Thanh Bình (Phường 3- TP Vĩnh Long), chúng tôi cảm nhận được sự đầm ấm của gia đình. Qua rồi một thời khó khăn bươn chải để lo cho các con, giờ ông bà an hưởng tuổi già.
Mỗi sáng, ông bà đi bộ tập thể dục để rèn luyện sức khỏe, khi rảnh rỗi ông chăm sóc cây kiểng, còn bà đi làm từ thiện.
Ông Bình chia sẻ, khoảng 5 năm nay khi các con làm ra tiền, mình khỏi phải chu cấp nên không còn nặng lo nữa. Vợ chồng tôi cũng dành dụm được chút đất đai để chia cho con, giờ sống nhờ lương hưu cũng ổn.
Nghe hỏi về sự chuẩn bị cho tuổi già, ông Bình nói: “Mỗi nhà mỗi cảnh, người có kinh tế ổn định thì không cần phải nặng lo, nhưng người còn khó khăn thì lo sợ, nếu con cháu không lo được cho nó thì khó mà lo được cho mình.
Do đó, mình cần có sự chuẩn bị cho bản thân, ngoài tiền của thì sức khỏe cũng vô cùng quan trọng”.
Bà Ngô Thị Hồng Lạc- Chủ tịch Hội NCT tỉnh nhận định, hiện vẫn còn rất ít người có sự định hướng cho mình, đối với những người làm ngày nào ăn ngày đó thì rất khó mà có sự chuẩn bị.
Người lao động ở Việt Nam cũng chưa tham gia BHXH khi trẻ để hưởng khi về già. Thông thường, người dân nông thôn quan tâm đến đất đai, còn người ở thành thị thì mua bán dành dụm chút tài sản chia cho con cháu.
Ông Nguyễn Tiến Thủ- Phó Chủ tịch thường trực Hội NCT- thì cho rằng trong tâm lý của người Việt Nam “của cải lớn nhất của đời mình là con cái”, đặc biệt là NCT ở nông thôn không tích lũy của cải bỏ túi cho riêng mà giao hết hoặc để lại phần nhiều cho “thằng út”. Nên nếu con biết thương thì... cha mẹ nhờ.
Còn đa số cán bộ, công chức, viên chức- lao động đều có sự chuẩn bị cho tuổi già, nhưng lao động bên ngoài thì hầu như rất ít người có sự tính toán, chuẩn bị cho tuổi già, chính vì vậy họ thường chịu nhiều thiệt thòi hơn.
Thiết nghĩ, để khi về già được “sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội”, mỗi chúng ta cần có sự chuẩn bị ngay từ khi còn trẻ, khỏe.
Đó là nguồn tài chính và sức khỏe ổn định. Đối với các bậc làm cha mẹ, ngoài dành tình yêu và sự hy sinh để cho con những điều tốt đẹp nhất cũng cần quan tâm dạy dỗ con cháu lòng hiếu thảo, biết yêu thương, phụng dưỡng ông bà cha mẹ ở tuổi về chiều.
Toàn tỉnh có trên 118.000 NCT; trong đó hơn 114.000 người là hội viên NCT; trên 2.400 NCT có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Nhìn chung, NCT nằm trong hộ nghèo và không có khoản tiết kiệm riêng khi về già khá cao, phần lớn sống phụ thuộc vào con cháu. Có khoảng 98% NCT mắc từ 2 bệnh trở lên. Hầu hết, rất khó khăn khi tiếp cận vay vốn, tập huấn, đào tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin