Xuất khẩu lao động- Hướng đi mới để giảm nghèo bền vững

Kỳ 3: Để xuất khẩu lao động phát triển bền vững

Cập nhật, 11:23, Thứ Tư, 25/10/2017 (GMT+7)

Để đẩy mạnh công tác giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh, các sở, ban ngành liên quan cùng phối hợp làm tốt các khâu từ tuyên truyền thông tin XKLĐ đến tạo điều kiện cho doanh nghiệp XKLĐ hoạt động.

Bởi, XKLĐ không chỉ là hướng giảm nghèo bền vững mà còn là cơ hội cho LĐ rèn luyện tác phong, kỹ năng để phục vụ đất nước sau khi hoàn thành chương trình LĐ ở nước ngoài.

 Vĩnh Long tổ chức lễ tiễn thực tập sinh sang Nhật bản làm việc vào tháng 6/2017.
Vĩnh Long tổ chức lễ tiễn thực tập sinh sang Nhật bản làm việc vào tháng 6/2017.

Mở cửa cho XKLĐ

Theo ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh, từ đầu năm 2017 đến nay, Vĩnh Long đưa trên 960 LĐ đi xuất khẩu, đạt trên 120% so với kế hoạch là 800 LĐ.

Đạt được kết quả này, ông Võ Văn Tám cho biết, ngành đã tập trung tuyên truyền đến các xã, phường, thị trấn về hiệu quả hoạt động XKLĐ, giúp người dân nắm rõ thông tin về thị trường LĐ ngoài nước, về số doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng XKLĐ trên địa bàn, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ. Đồng thời, lựa chọn đối tác XKLĐ để có kế hoạch, biện pháp sát với yêu cầu thực tế.

Cùng với đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ; phối hợp thân nhân NLĐ động viên họ tuân thủ pháp luật khi đi làm việc ở nước ngoài và về nước đúng thời hạn.

Các đơn vị chuyên môn quan tâm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn để người tham gia XKLĐ an tâm khi làm việc ở nước ngoài…

Để đẩy mạnh công tác giới thiệu việc làm và XKLĐ trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thường xuyên mở các phiên giao dịch việc làm.

Trước khi tham gia, các đơn vị tham gia đều phải được Sở LĐ-TB-XH thẩm định giấy phép hoạt động, thị trường tuyển dụng, nội dung đào tạo, kể cả các khoản chi phí đưa người LĐ ra nước ngoài làm việc cũng được công khai minh bạch.

Thay vì người dân phải tự tìm đến các đơn vị XKLĐ, sàn giao dịch việc làm sẽ giúp người dân có thông tin cần thiết về thị trường LĐ ngoài nước, tránh tình trạng NLĐ dễ bị đối tượng xấu lợi dụng.

Ngoài ra, Trung tâm tìm hiểu thị trường, năng lực của doanh nghiệp nước ngoài, tư vấn cho người dân, đào tạo nghề, học ngoại ngữ… để XKLĐ. Em Lê Thị Huỳnh Như (19 tuổi, xã Tân An Thạnh- Bình Tân) cho biết, thi tốt nghiệp xong em không xét tuyển vào đại học mà muốn đi XKLĐ Nhật Bản.

Em cho biết: Em còn trẻ, phải trải nghiệm môi trường làm việc năng động, thêm vốn sống và đặc biệt có số vốn giúp đỡ ba mẹ và lo cho bản thân nữa.

Vĩnh Long hiện cho vay từ 80 đến 100% chi phí, lệ phí hợp lệ cần thiết để hỗ trợ LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016-2020.

LĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất hoặc là người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, bộ đội xuất ngũ sẽ được hưởng bằng mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo.

Thời gian qua, chi phí ban đầu đi XKLĐ là khá cao, khiến cho nhiều LĐ nghèo chưa có cơ hội. Do đó, chính sách hỗ trợ vay vốn cho LĐ đi xuất khẩu qua hình thức tín chấp hộ gia đình với mức vay ưu đãi được xem là một trong những giải pháp tích cực, tạo mọi điều kiện để NLĐ thực hiện nguyện vọng đi XKLĐ.

Bạn Nguyễn Thị Kim Xuyến (Tam Bình) từng tốt nghiệp CĐ loại giỏi ngành kế toán nhưng ra trường xin mãi không có việc làm. Xuyến đi làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh gần 1 năm thì quyết định chọn XKLĐ sang Nhật Bản.

Xuyến cười: Dù điều kiện đi XKLĐ sang Nhật chỉ cần trình độ 12/12 nhưng em thấy việc đi học CĐ của mình cũng có ý nghĩa lắm. Khi phỏng vấn em thấy tự tin hơn.

Xuyến đã làm việc ở Nhật hơn 1 năm nay và đã trả xong nợ vay ngân hàng để XKLĐ. Ngoài giờ làm việc, Xuyến còn bán hàng online để thêm thu nhập, cuối tuần rãnh rỗi thì tham quan và học hỏi văn hóa người Nhật.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Các học viên học tiếng Hàn chuẩn bị cho xuất khẩu lao động.
Các học viên học tiếng Hàn chuẩn bị cho xuất khẩu lao động.

Ở xã Loan Mỹ (Tam Bình), ý thức của người dân về chuyện cho con đi XKLĐ cũng được quan tâm và trở thành động lực cho nhiều học sinh phấn đấu.

Ông Trần Văn Thảo- Trưởng ấp Sóc Rừng cho biết: “Trong ấp có nhiều hộ người dân tộc tận dụng vay vốn lãi suất thấp để đưa con đi XKLĐ, ưa chuộng nhất là thị trường Nhật Bản”.

Huyện Trà Ôn là địa phương được đánh giá cao trong việc XKLĐ, đây cũng là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với hơn 4.600 hộ, chiếm 12,42%. 

Ông Trần Quốc Điện- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện cho biết, XKLĐ được xem là chiến lược quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện.

Vừa gửi ngoại tệ về sẽ giúp địa phương thu hút được nguồn đầu tư lớn, giúp gia đình thoát nghèo, đồng thời, sau khi LĐ về nước có nguồn vốn (khoảng 400- 600 triệu đồng nếu đi Nhật) để khởi nghiệp.

Qua đó, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Giai đoạn 2010- 2015, địa phương đã đưa 942 LĐ đi làm việc ngoài nước theo hợp đồng.

Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, huyện có 165 trường hợp đạt yêu cầu phỏng vấn đi lao động ở Nhật, đạt 82% kế hoạch. 

Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Vĩnh Long đã giải ngân cho 22 thực tập sinh đi XKLĐ có nhu cầu vay vốn với 1,8 tỷ đồng.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng XKLĐ ngày càng nhiều, nhất là những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Để đẩy mạnh hoạt động này, bà Lý Kiều Diễm- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long cho biết, trung tâm phối hợp với các ngành chức năng chủ động tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, đặc biệt là lực lượng LĐ trẻ, LĐ ở các vùng nông thôn hiểu biết đầy đủ về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác XKLĐ.

Ngoài tư vấn tìm hiểu thị trường, tư vấn cho người dân, đào tạo nghề, học ngoại ngữ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên mở các lớp dạy nghề; các lớp tiếng Hàn, tiếng Nhật cho NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài.

LĐ khi đi làm việc nước ngoài đều được tỉnh đào tạo nghề trước để hiểu việc, học tiếng nước ngoài để biết giao tiếp, học phong tục tập quán, tác phong làm việc…

Từ nhu cầu thực tế, ngành LĐ-TB-XH tỉnh không ngừng tìm kiếm thị trường XKLĐ cũng như tìm những chính sách hỗ trợ người dân có điều kiện làm việc tại nước ngoài.

Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ để LĐ đi xuất khẩu có kỹ thuật, kỹ luật và kỹ năng.

Có như vậy thì mới đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững và quan trọng hơn là đạt hiệu quả kinh tế cao cho NLĐ.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao XKLĐ, xem đây là chiến lược quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Ông yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể thực hiện tốt việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, lợi ích của chương trình đến người dân; phối hợp tuyển chọn, tư vấn thanh niên, người LĐ trong tỉnh tham gia chương trình; thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Riêng đối với NLĐ, ông mong muốn các em phát huy tối đa những kiến thức đã học, hoàn thành tốt công việc, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp; sau khi về nước sẽ là nguồn LĐ có kỹ thuật cao, là nhân tố tích cực góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long giàu mạnh.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN