Thêm thu nhập từ gia công đan, dệt

Cập nhật, 14:13, Thứ Tư, 25/10/2017 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, các tổ gia công dệt, đan đát tại xã Hòa Hiệp (Tam Bình) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần xây nông thôn mới (NTM) về tiêu chí thu nhập.

“Chịu làm là có thu nhập cao”

Bà Lê Thị Nguyệt- Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện (giữa) cùng chị em tại cơ sở đan, dệt của chị Thúy (bìa trái).
Bà Lê Thị Nguyệt- Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện (giữa) cùng chị em tại cơ sở đan, dệt của chị Thúy (bìa trái).

Đến khu dân cư vượt lũ Ấp 8 (xã Hòa Hiệp), chúng tôi ghé thăm nhà chị Mai Thanh Thúy. Một bên nhà chất đầy sản phẩm gia công, nguyên liệu, bên còn lại thì đặt một số máy dệt để tiện cho chị em qua làm hoặc học thêm kiểu dệt mới.

Chị Thúy cho biết, năm 2005 chị về đây ở. Thấy đời sống người dân còn nhiều khó khăn, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định nên bước đầu, chị đứng ra nhận gia công cạo hột điều nhưng làm cực quá, thu nhập chưa cao.

Sau đó, được sự giới thiệu của người bạn, chị chuyển sang gia công dệt và đan đát, tạo việc làm cho khoảng 200 người trong và ngoài huyện.

Vừa cặm cụi học cách dệt tấm trải bàn, bà Nguyễn Thị Ni cho biết, hôm nay bà đến để học thêm cách dệt lục bình gia công. Do bận việc nhà, nên bà chỉ kiếm được khoảng 1 triệu đồng/tháng, chứ người làm giỏi thì kiếm được gấp 3 lần.

Cạnh đó, chị Nguyễn Thị Sáu cũng mới qua học dệt lục bình. Chị cho biết: “Lúc gia công dệt nan (dệt chiếu) cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng/tháng”.

Trước đây chị Sáu sống bằng nghề cắt lúa, giặm lúa mướn theo mùa, ngày thường thì... thất nghiệp; giờ có việc gia công này thì làm khỏe hơn.

Theo chị Thanh Thúy, giá gia công dệt thảm là 4.000 đ/tấm, người làm giỏi thì dệt 50 tấm/ngày, cá biệt có người dệt 80- 90 tấm/ngày.

Còn nếu gia công đan lát tròn thì 13.000 đ/cái, đôn ngồi 45.000 đ/cái, chỉ cần chịu làm là có thu nhập cao, tiện cái là vừa có thể lo việc nhà, lúc nào rảnh thì làm.

Sống khỏe nhờ đan lục bình

Tổ gia công đan lục bình của chị Yến (thứ 3, bên phải) duy trì 12 năm nay nhờ vào sự quan tâm của các ngành, các cấp cùng cách làm thiết thực của tổ.
Tổ gia công đan lục bình của chị Yến (thứ 3, bên phải) duy trì 12 năm nay nhờ vào sự quan tâm của các ngành, các cấp cùng cách làm thiết thực của tổ.

Đến ấp Hòa Phong, chúng tôi thấy các mé sông, kinh rạch được người dân tận dụng một phần mặt nước để trồng lục bình. Trong nhà, nhiều hộ tranh thủ thời gian đan lục bình với các loại khuôn, chậu, hộp...

Là xã thuần nông, đa số cán bộ, công chức, viên chức ngoài thời gian công tác thì chủ yếu làm thêm nông nghiệp. Xác định phát triển kinh tế phi nông nghiệp là cần thiết, nhằm giúp công đoàn viên (CĐV) và người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, trong đó, đan lục bình là nghề sẵn có tại địa phương.

Nhưng nghề này lại gặp nhiều thăng trầm, khó khăn về vốn, nguồn hàng, việc làm lúc có lúc không.

Bên cạnh, nghề đan lục bình tuy có khá nhiều mẫu mã song nhiều người tiếp thu chậm, chưa thành thạo với công việc nên thu nhập chưa cao, không có vốn mua nguyên liệu (lục bình) dự trữ vào mùa mưa...

Từ đó, phát sinh tâm lý chán nản, không mặn mà với công việc.

Trước tình hình đó, Công đoàn cơ sở xã đã giới thiệu chị Nguyễn Thị Yến- CĐV, tổ trưởng tổ đan lục bình ấp Hòa Phong- đến trao đổi trực tiếp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện.

Để “gỡ rối” và nhằm hỗ trợ xã thực hiện tiêu chí thu nhập, từ tháng 8/2013, LĐLĐ huyện đã tham mưu với Ban Dân vận Huyện ủy Tam Bình, xin hỗ trợ mượn vốn không tính lãi (10 triệu đồng, từ nguồn quỹ tiết kiệm của các thành viên trong ban) cho tổ đan lục bình;

đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Tam Bình tổ chức lớp dạy nghề đan lục bình cho CĐV và hộ nghèo, cận nghèo.

Qua lớp học, đa phần đều vững tay nghề, lại có thêm đồng vốn để hỗ trợ cho tổ viên mượn để mua nguyên liệu dự trữ và trừ dần vào tiền gia công sản phẩm.

Từ đó, nghề đan lục bình từng bước khởi sắc, giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Tay thoăn thoắt đan, chị Lê Thị Cao cho biết đã gia công từ lúc tổ thành lập tới giờ.

Giờ chị thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng “vậy mà cũng đỡ lắm, chứ 8 công ruộng làm quanh năm nhưng lời chẳng bao nhiêu”- chị Cao nói.

Ngoài làm công tác ở Chi hội Phụ nữ ấp, 10 năm nay, chị Lê Thị Mộng Điệp cũng nhận gia công đan lục bình- chủ yếu làm vào ban đêm, thu nhập 1,5- 1,8 triệu đồng/tháng.

Thấy công việc khá ổn nên mẹ, em dâu và con gái chị Điệp cũng nhận gia công để có thêm thu nhập.  

Còn hộ chị Yến thì có đến 5 thành viên tham gia. Những lúc bận công tác ở cơ quan thì đã có mẹ chị- bà Võ Thị Tám- đứng ra phụ giúp để công việc của tổ luôn trôi chảy và giao hàng đúng hẹn.

Bà Tám cho biết thêm, tổ được thành lập khoảng 12 năm nay, tạo việc làm ổn định cho 35 hộ. Đối với các chị em làm gắn bó lâu năm thì công ty và tổ còn mua tặng bảo hiểm tai nạn con người nhằm thể hiện sự quan tâm và động viên mọi người làm việc.

Nhưng theo chị Yến, hiện tổ đang có nhu cầu về vốn, rất mong sẽ được LĐLĐ huyện tái hỗ trợ để tổ dự trữ lục bình (vào thời điểm giá thấp) có thể tiết kiệm chi phí và giúp chị em có nguồn hàng ổn định để làm, nhất là vào mùa mưa. 

Bà Lê Thị Nguyệt- Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện- cho biết: So với trồng lúa thì mô hình dân vận khéo “phát triển kinh tế phi nông nghiệp có hiệu quả”, do LĐLĐ huyện phát động đã và đang giúp nhiều CĐV và NLĐ cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần cùng các địa phương nâng chất tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI