Xuất khẩu lao động- Hướng đi mới để giảm nghèo bền vững

Kỳ 2: Xuất khẩu lao động chưa xứng với tiềm năng

Cập nhật, 11:19, Thứ Tư, 25/10/2017 (GMT+7)

Vĩnh Long hiện có nguồn LĐ dồi dào với khoảng 705.000 người, chiếm 67,96% dân số; trong đó tỷ lệ LĐ có chuyên môn kỹ thuật đạt 55,16% và dự kiến sẽ đạt 75% vào năm 2020.  Đây là điều kiện thuận lợi để tạo nguồn XKLĐ và hội nhập kinh tế quốc tế về LĐ.

Tuy nhiên, là tỉnh có chương trình đi XKLĐ khá sớm so với các địa phương trong khu vực nhưng XKLĐ ở Vĩnh Long còn chưa xứng tầm với nguồn LĐ. Song song đó, chủ yếu chỉ XKLĐ phổ thông, thiếu LĐ có trình độ cao.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long ký biên bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp XKLĐ sang Nhật Bản.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long ký biên bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp XKLĐ sang Nhật Bản.

Thiếu và yếu

Là tỉnh phát triển sớm việc XKLĐ, tuy nhiên nhiều lao động Vĩnh Long còn chưa mặn mà với XKLĐ, thực tế lượng lao động tham gia xuất khẩu chưa xứng tầm với nguồn lao động hơn 700.000 người.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, giai đoạn 2011-2015,  Vĩnh Long tổ chức đào tạo và đưa 2.447 LĐ đi làm việc ở ngoài.

Trong khi đó, các tỉnh trong khu vực những năm gần đây đã có bước tiến về XKLĐ. Như Đồng Tháp, đầu năm đến nay đã đưa khoảng 1.600 LĐ ra nước ngoài làm việc (chỉ tiêu năm 2017 là 1.000 LĐ) vào với năm 2013, Đồng Tháp chỉ có 70 LĐ làm việc tại nước ngoài.

Dĩ nhiên, chỉ tiêu XKLĐ không phải để chạy theo số lượng hay thành tích. Mà XKLĐ là cơ hội để mang kiến thức, kinh nghiệm và vốn liếng về cho bản thân sau 3 hoặc 5 năm làm việc ở nước ngoài.

Một khó khăn lớn mà Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long xác định là vay vốn. Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở cho rằng: “Số tiền tham gia XKLĐ lớn so với một gia đình nông dân bình thường. Tuy nhiên, việc vay vốn còn nhiều vướn mắc.

Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Vĩnh Long cho biết trong 10 tháng đầu năm, mới cho khoảng 90 lao động vay theo hợp đồng làm việc ngoài nước“.  

Một khó khăn khác khiến LĐ Vĩnh Long nói riêng và miền Tây nói chung khó sang nước ngoài làm việc là ngôn ngữ.

Theo ông Nguyễn Công Trung- Phó Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế Sao Việt (TP Hồ Chí Minh), tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật gần đây thích tuyển người khu vực miền Tây hơn.

Đa số người miền Tây làm hết thời hạn hợp đồng là chấp nhận về nước chứ không ở lại bất hợp pháp. Bản chất người miền Tây hiền lành. Song, LĐ Việt Nam nói chung và LĐ miền Tây nói riêng ngoại ngữ lại kém nên không cạnh tranh được với LĐ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc.

Bạn Cao Nghĩa Nhân, cựu SV Trường ĐH Trà Vinh (Tam Bình) đang tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản.

Sau một năm làm việc Nhân vẫn chưa có tiền gửi về trả ngân hàng. Bạn cho biết: Vừa học vừa làm mà em không rành tiếng Nhật nên mỗi ngày chỉ vô cơm hộp có mấy giờ nên tiền công rất ít.

Cũng vậy, bạn Võ Thị kim Xuyến cũng ở Tam Bình cho rằng: Khó khăn lớn nhất của em là ngôn ngữ. Muốn làm việc tốt phải học tiếng Nhật thật tốt và không ngừng rèn luyện.

Đó là chưa kể đến một số LĐ nhẹ dạ, bị một số công ty môi giới XKLĐ lừa gạt. Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, chỉ những công ty có tên trong danh sách trên trang công khai của Bộ mới được phép môi giới XKLĐ.

Cần nguồn LĐ chất lượng cao

Theo các chuyên gia dự báo, nhu cầu LĐ có chuyên môn cao tại nhiều nước trong thời gian tới là rất lớn. XKLĐ đã đến lúc phải thay đổi về chất lượng, không thể tiếp tục cậy vào LĐ phổ thông giá rẻ, mà thông qua việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và ngoại ngữ để cạnh tranh với LĐ từ nhiều nước khác.

Lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định tham gia XKLĐ.
Lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định tham gia XKLĐ.

Nếu LĐ có kỹ năng giỏi, khi sang nước bạn sẽ không mất nhiều thời gian để học hỏi và thích nghi. Thời gian đó để dành làm việc và nạp thêm những kiến thức, trải nghiệm mới từ một quốc gia phát triển. Khi trở về nước, họ sẽ trở thành nguồn LĐ chất lượng cao cho đất nước.

Sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, anh Lê Minh Duy (Phường 4- TP Vĩnh Long) làm việc cho một công ty thiết kế kỹ thuật cơ khí tại TP Hồ Chí Minh được 2 năm thì được công ty cử sang Nhật làm việc.

Anh cho biết, làm việc ở Nhật không chỉ lương cao mà còn được tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Song, yêu cầu để được đi lao động tại Nhật là hết sức khắt khe.

Ngoài khả năng thích ứng chuyên môn thì tiếng Nhật là vấn đề lớn với LĐ. Với LĐ có tay nghề, sang các nước được bố trí công việc phù hợp sẽ giúp họ phát huy được khả năng, khi về nước lại có cơ hội tiếp tục làm việc cho các công ty nước ngoài.

“Nhiều tu nghiệp sinh đi Nhật, sau khi về nước đã đi làm cho các hãng sản xuất của Nhật ở Việt Nam. Những người này đã thạo tiếng và tác phong trong công việc cao nên hòa nhập rất nhanh, doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam rất thích tuyển dụng”- anh Duy cho biết.

Chương trình thực tập sinh “0 đồng” (chương trình dành cho sinh viên các trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật trong cả nước- PV) ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long là một điển hình tìm lối ra cho XKLĐ có tay nghề.

PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường cho biết: “Trường vừa có 12 SV hoàn thành khóa huấn luyện thực tập sinh kỹ thuật làm việc tại Nhật Bản.

Các em đã sang Nhật hồi tháng 7. Đây là cơ hội rất tốt cho SV muốn sang Nhật Bản học tập và làm việc, với chi phí “0 đồng”. SV đi theo chương trình này không tốn kém gì, chỉ tốn chi phí cho việc ăn ở khi học văn hóa Nhật tại Hà Nội".

Theo đó, thực tập sinh sẽ sang Nhật từ 3- 5 năm, mức lương từ 30- 40 triệu đồng/tháng. Sau khi về nước, các em được tham gia chương trình học tại Việt Nam và có cơ hội tiếp tục làm việc tại Nhật Bản với vị trí kỹ sư. Tuy nhiên, khó khăn của trường là dù thông báo rộng rãi, số lượng SV đăng ký đi Nhật rất ít.        

Việc đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài là một chiến lược có ý nghĩa quan trọng lâu dài và đạt hiệu quả nhất trong công tác giảm nghèo bền vững hiện nay. XKLĐ là hướng đi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rèn luyện tay nghề, tác phong kỹ luật cho người LĐ. Đồng thời, LĐ gửi ngoại tệ về sẽ giúp gia đình thoát nghèo, địa phương thu hút được nguồn đầu tư.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, NLĐ Vĩnh Long khi tham gia làm việc tại nước ngoài chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật LĐ, hoàn thành tốt hợp đồng LĐ. Khi về nước, các LĐ này đều có khoản kinh phí tích lũy để phát triển cuộc sống gia đình và đầu tư, mở cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc tham gia làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Lượng kiều hối do LĐ tham gia XKLĐ gửi về bình quân khoảng 200 - 250 tỷ đồng/năm.

Kỳ 3: Để xuất khẩu lao động phát triển bền vững

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN