Hơn 50 hộ dân sinh sống tại Tổ 19, ấp Long Thuận (xã Long Phước- Long Hồ) phải trả tiền nước sinh hoạt hao hụt ngày một cao, từ 50- 70%/tháng. Sự việc này đã diễn ra gần 10 năm nay
Hơn 50 hộ dân sinh sống tại Tổ 19, ấp Long Thuận (xã Long Phước- Long Hồ) phải trả tiền nước sinh hoạt hao hụt ngày một cao, từ 50- 70%/tháng. Sự việc này đã diễn ra gần 10 năm nay.
Người dân ở Tổ 19 (ấp Long Thuận) phải đóng tiền nước hao hụt nhiều năm qua. |
“Xài 1 trả gần 2”
Ngay khi nhận được phản ánh của bà con tại khu dân cư thuộc Tổ 19 (ấp Long Thuận), chúng tôi đã tìm đến để tìm hiểu rõ sự việc. Theo lời của nhiều bà con sinh sống tại đây thì sự việc này đã diễn ra gần 10 năm qua. Tỷ lệ nước hao hụt rất cao, trung bình trên 50%. Thậm chí, có lúc lên đến gần 90%.
Với vẻ buồn bã, anh Đặng Hoàng Thiện cư ngụ tại đây nói: “Nhà tôi không ai dám xài nước phí, tưới cây toàn tưới nhỏ giọt chứ cũng không dám tưới nhiều. Tháng rồi xài có 17m3 nước, phải trả tiền tới 31m3 vì phải gánh thêm 14m3 nước hao hụt”.
Nhà kế cận, anh Lê Kha Nam bày tỏ: “Phải chi trả tiền thất thoát 1- 2 tháng thì cũng không nói làm gì, đằng này lại kéo dài năm này qua năm nọ, chúng tôi chịu không nổi”. Anh Nam tỏ vẻ ngán ngẩm cho biết, “thậm chí có lúc tiền hao phí cao bằng với tiền trả cho số nước đã sử dụng luôn. Xài 1 mà phải trả tới 2”.
Qua phiếu tính tiền nước cho thấy, trung bình mỗi tháng, toàn bộ hộ dân sinh sống tại khu vực này phải trả thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng cho số nước sinh hoạt bị thất thoát, tương đương trên 600m3 nước bị hao hụt.
Nguyên nhân vì sao mà người dân phải trả tiền cho lượng nước bị hao hụt này? Chúng tôi thắc mắc và được người dân cho biết: “Sở dĩ có chuyện này là do trước đây khi chủ đầu tư khu đất phân lô, đã tự xây dựng đường ống nước riêng. Thay vì bàn giao đất để công ty cấp nước đầu tư đến từng hộ dân, thì toàn bộ hộ dân tại đây sử dụng nước chỉ qua một đồng hồ tổng bên ngoài”.
Do vậy, công ty cấp nước thu tiền dựa trên chỉ số của đồng hồ tổng, nên phần nước hao hụt từ đồng hồ tổng đến các đồng hồ lẻ (do người dân tự lắp đặt để dẫn nước vào nhà) sẽ do người dân phải chia nhau trả phần hao hụt theo tỷ lệ sử dụng.
Nhưng vì sao tổng lượng nước sử dụng thực tế của cả khu dân cư (cộng các công-tơ lẻ) luôn thấp hơn số ghi trên công-tơ tổng?
Nhiều người vẫn ngơ ngác tỏ vẻ khó hiểu bởi theo họ, “đã nhờ bên Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long kiểm tra chất lượng đồng hồ tổng, đồng thời đã có sử dụng máy siêu âm để kiểm tra có lượng rò rỉ đường ống dẫn nước hay không. Tuy nhiên, tất cả không có vấn đề, mà lượng nước thất thoát cứ tăng dần”.
Không chỉ bức xúc vì phải gồng gánh trả tiền cho lượng nước hao hụt hàng tháng, người dân ở đây còn lo lắng khi số tiền phải trả sẽ tăng thêm.
Bởi từ ngày 15/4/2017, mức giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh đã tăng lên từ 6.600- 7.900 đ/m3. Như vậy, nếu áp dụng mức giá này thì số tiền người dân trả cho phần hao hụt đã lên đến gần 5 triệu đồng/tháng.
Ngành chức năng vào cuộc
“Nhiều năm trước, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị thay đường ống mới và giao cho công ty cấp nước quản lý. Tuy nhiên, không hiểu vì sao các ý kiến không được trưởng ấp thông báo lại cho xã, nên bà con ở đây tiếp tục cầu cứu nhiều nơi, kể cả gửi đơn đến công ty cấp nước”- một người dân địa phương cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Lê Minh Thông- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước- cho chúng tôi biết:“Người dân chỉ mới báo về xã lúc trước Tết Đinh Dậu 2017. Sau khi biết được bức xúc của bà con Tổ 19, phía xã cũng đã kiến nghị lên Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long và liên hệ với chủ đầu tư khu đất để cùng nhau làm việc”.
Để “gỡ rối” giúp bà con, mới đây phía Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long đã mời các bên liên quan đến làm việc. Để tránh thất thoát, nhiều bà con đã nêu ý kiến về việc công ty và chủ đầu tư nên kết hợp thực hiện cấp nước cho hộ dân không thông qua đồng hồ tổng mà cấp trực tiếp đến từng hộ,...
Sau khi trao đổi, bàn bạc tại cuộc họp, ông Trần Văn Bản- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long- cho biết, các bên đã thống nhất một số vấn đề. Đặc biệt, trong biên bản có ghi, sau hạn định (đã được thỏa thận trong biên bản) người dân ở đây chỉ thanh toán tiền thực tế tại đồng hồ của từng hộ và không phải đóng thêm bất cứ chi phí hao hụt,...
Sau buổi làm việc, bà con thông tin lại cho những hộ dân trong khu dân cư thì “ai cũng mừng rỡ và đồng tình vào hướng giải quyết trên”.
Thông qua sự việc lần này, ông Trương Lê Minh Thông- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước- cho biết: Khi có vấn đề cần giải quyết, người dân nên trình báo sớm với địa phương.
Đồng thời, mong muốn bà con trước khi mua đất cho mục đích xây dựng nhà ở nên đến trực tiếp các cơ quan địa phương để có thể biết rõ hơn về phần đất mà mình muốn mua: đất này có thuộc quy hoạch khu dân sinh hay không, đã có được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hay chưa,… để tránh tình trạng đáng tiếc như trên có thể xảy ra.
|
|
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long Trần Văn Bản cho rằng: Bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoặc kinh tế tư nhân phát triển, có điều kiện nhà đất thuận lợi hơn thì việc đầu tư địa ốc, hay phân lô bán nền phải được các cơ quan quản lý ngành cũng như các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hơn. |
Bài, ảnh: THẾ NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin