Nhật "vượt mặt" Trung Quốc, tìm mọi cách thu hút sinh viên Việt Nam

Cập nhật, 16:56, Thứ Năm, 25/05/2017 (GMT+7)

Báo nước ngoài lý giải tại sao du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng tăng mạnh. Trong cuộc chiến với siêu cường Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng và tìm kiếm cơ hội tại Đông Nam Á, Nhật Bản đang đầu tư vào một hướng đi mới: giáo dục.

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển

Nhật Bản tìm hướng đi mới, mở rộng ảnh hưởng với giáo dục

Đất nước mặt trời mọc không ngừng mở rộng cửa chào đón sinh viên trong khu vực, với hy vọng trong tương lai có thể thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và quốc gia quê hương của những du học sinh này. Đông Nam Á không chỉ đang là khu vực đầu tư  chủ chốt của Nhật Bản, mà còn là nguồn cung cấp nhân tài giàu có.

Theo hãng tin Bloomberg, giới trẻ Việt Nam đang đón nhận những cơ hội đến từ Nhật Bản một cách khá hào hứng.  Thống kê của tổ chức Sinh viên Nhật Bản, cho thấy, trong vòng sáu năm tính đến tháng 5/2016, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (bao gồm cả các trường ngôn ngữ), đã tăng hơn 12 lần, đạt mốc 54.000 người.

Sinh viên Việt Nam chiếm ¼ tổng số sinh viên quốc tế tại Nhật Bản – chỉ đứng sau Trung Quốc (hiện vào khoảng 41% nhưng bắt đầu có xu thể giảm trong những năm gần đây.)

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn tại Đông Nam Á – khu vực đang có tăng trưởng kinh tế ổn định và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Đông Nam Á cũng có nhu cầu lớn về hạ tầng cơ sở.

Đầu tư của Nhật Bản vào khu vực này trong những năm gần đây tăng rõ rệt, đặc biệt khi những căng thẳng chính trị đã góp phần khiến sức hút của Trung Quốc có phần sụt giảm trong mắt các quốc gia Đông Nam Á. Hiện Bắc Kinh hy vọng có thể tái thắt chặt quan hệ thương mại với các nước châu Á thông qua Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á và sáng kiến “Nhất đới, nhất lộ”.

Nhật Bản đặt ra ưu tiên tuyển sinh sinh viên từ các nước ASEAN. Trần Thị Quỳnh My, nhân viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện có hai người con đang học tại Nhật Bản nhờ các học bổng của Chính phủ nước này.

“Tôi chọn Nhật Bản bởi vì học tập ở đây có chi phí thấp hơn các nước khác, trong khi chất lượng hệ thống giáo dục cao, và học sinh được rèn luyện tính kỷ luật,” bà My chia sẻ với phóng viên Bloomberg. “Sau khi học ở Nhật Bản, các con của tôi sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn tại Việt Nam, bởi vì ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản đầu tư vào đất nước của chúng tôi,”

Năm 2016, kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 6% trong năm thứ hai liên tiếp. Shinobu Kikuchi, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Mizuho cho biết, ngày càng nhiều các công ty Nhật Bản tìm kiếm cơ hội ở Đông Nam Á, nơi mức thu nhập và tiêu dùng giữ tỷ lệ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm.

Nhật Bản hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, đứng sau Trung Quốc và Mỹ. Thương mại song phương tăng 30 tỷ đôla năm ngoái, gần như gấp đôi mức 16,8 tỷ đôla năm 2010. Hai quốc gia đặt mục tiêu thúc đẩy trao đổi thương mại lên mức 60 tỷ đôla vào năm 2020. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư lên 42,5 tỷ đôla - theo thống kê của tháng 3/2017.

Nếu trong quá khứ, các nhà sản xuất Nhật Bản tìm đến Việt Nam vì nguồn lao động giá rẻ, thì trong những năm gần đây, thị trường trong nước tăng trưởng ổn định của Việt Nam đã hấp dẫn cả những nhà bán lẻ, Keisuke Kobayashi – phụ trách Việt Nam tại tổ chức Thương mại quốc tế Nhật Bản nhận xét.

Kỳ vọng cao nhưng dễ bị lừa đảo

Theo Itsuro Tsutsumi – Giám đốc bộ phận trao đổi sinh viên của Jasso cho biết, việc ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã góp phần khiến sinh viên và các bậc phụ huynh tin rằng, học tập tại Nhật Bản đồng nghĩa với một công việc có mức lương cao tại một công ty Nhật Bản nào đó.

“Kỳ vọng rất cao,” Tsutsumi chia sẻ, “gia đình của họ gửi con đi học như một cách đầu tư vào tương lai, hy vọng những gì thu về sẽ khả quan.”

Những kỳ vọng như vậy trong một số trường hợp rất dễ bị lợi dụng. Hồi tháng Tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về việc, một số du học sinh và thực tập viên công nghệ Việt Nam tại Nhật Bản, đã phải chịu một khoản nợ lớn, sau khi bị các công ty tư vấn lừa đảo yêu cầu nộp tiền cho cơ hội làm việc không có thực.

Bloomberg dẫn lời Phương – một sinh viên đến từ Vinh, hiện đang tìm kiếm cơ hội làm việc tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp vào tháng Chín tới đây: “Nếu làm việc cho một công ty Nhật Bản, tôi sẽ có cơ hội học được tính chuyên nghiệp trong công việc, và mở rộng tầm nhìn của mình.” Phương cũng khẳng định: “Trong tương lai, tôi muốn quay trở lại và sử dụng các kỹ năng – kinh nghiệm mình đã tích lũy được từ Nhật Bản, tại Việt Nam.”

Theo Tổ Quốc/Bloomberg