Hãy yên lòng Mẹ ơi!

Cập nhật, 16:32, Thứ Sáu, 04/09/2015 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (2/9/1945- 2/9/2015), tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có 15 mẹ được Chủ tịch nước ban hành quyết định truy tặng danh hiệu vinh dự này. Việc chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng từ lâu đã được các tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện.

15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Năm 2014, thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ, Vĩnh Long có thêm 1.669 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Tháng 8/2014, Chủ tịch nước vừa ban hành quyết định truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 15 cá nhân thuộc tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, tỉnh có 2.557 mẹ được Nhà nước truy tặng và phong tặng danh hiệu cao quý này.

Ông Lê Thanh Lân xúc động đọc thư mời họp mặt truy tặng danh hiệu
Ông Lê Thanh Lân xúc động đọc thư mời họp mặt truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho mẹ của ông.

Trân trọng tri ân những người cống hiến hy sinh vì Tổ quốc là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, được thể hiện bằng các chính sách cụ thể, trong đó có việc phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”- dành cho những bà mẹ đã hy sinh thầm lặng, hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú.

Xã Bình Ninh (Tam Bình), có 3 Mẹ Việt Nam anh hùng được truy tặng trong dịp này. Mẹ Tuyết có 2 người con trai là Bùi Văn Tám và Bùi Văn Chính hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông Bùi Văn Chính- thương binh 4/4, con trai của mẹ Ngô Thị Tuyết- cười thật tươi khi nhận được thư mời đi dự lễ truy tặng: “Mẹ tôi mất mấy chục năm nay rồi, khi còn sống bà chưa nghĩ tới mình sẽ được danh hiệu này. Mẹ Võ Thị Năm (Phường 9- TP Vĩnh Long) đã qua đời 14 năm nay, con trai thứ 6- người đang thờ cúng mẹ là ông Lê Thanh Lân- nói: “Mẹ tôi mà còn sống thì bà vui phải biết”. Mẹ Võ Thị Năm có 7 người con, trong đó, 2 người hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, 2 người là thương binh. 2 con trai của mẹ là liệt sĩ Lê Văn Thùa và Lê Văn Rảnh hy sinh năm 1969, cách nhau chỉ 2 tháng. Ông Lê Thanh Lân cho biết: Anh Tư Thùa hy sinh 2 tháng thì em trai tôi là Bảy Rảnh cũng hy sinh. Tôi đi bộ đội không chứng kiến được nỗi đau của mẹ tôi lúc đó. Nhưng vài tháng sau về nhà, tôi vẫn còn thấy mẹ rơi nước mắt khi nhìn ảnh các con.

Gia đình ông Lê Thanh Lân có truyền thống cách mạng và có đến 2 Mẹ Việt Nam anh hùng. Trên bức tường nhà ông có rất nhiều ảnh thờ liệt sĩ, ông nói: “Chị dâu tôi đã mất-vợ liệt sĩ Lê Văn Thùa cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng có chồng và 2 con hy sinh”- vừa nói ông vừa chỉ tay vào những bức ảnh- “Còn đây, em rể tôi cũng là liệt sĩ”. Ông cho biết thêm: “Khi tôi đọc báo, biết được thông tin Chính phủ phong tặng, truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng, tôi vui lắm. Nay, mẹ được vinh danh, tôi càng thấy tự hào”.

Bên mẹ còn có chúng con

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách.

Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời tất cả các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Ngoài số tiền phụng dưỡng hàng tháng, các đơn vị nhận phụng dưỡng còn cử người đến thăm hỏi tặng quà cho các mẹ. Số tiền trợ cấp được trích từ khoản tiết kiệm chi tiêu của các đơn vị, tuy không nhiều nhưng đã thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của những người đang sống hôm nay đối với những người mẹ đã có những cống hiến lớn lao cho ngày thống nhất đất nước.

Trường ĐH Xây dựng Miền Tây nhận phụng dưỡng 2 Mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Kiểu và mẹ Lê Thị Chính. Mẹ Kiểu (83 tuổi, ngụ ấp Tân Thắng, xã Tân An Hội- Mang Thít), có 9 người con, trong đó có 2 người con đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ Kiểu hiện sống với người con trai út. Mẹ Chính cũng có 2 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Vừa qua, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cũng sửa chữa nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Lâm Thu Ba ở xã Tân Quới Trung (Vũng Liêm). Với các mẹ, sự quan tâm thăm hỏi của trường là niềm động viên từ vật chất đến tinh thần, an ủi lúc tuổi già.

Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long hiện phụng dưỡng 2 Mẹ Việt Nam anh hùng, là mẹ Nguyễn Thị Kiểng (xã Hòa Bình- Trà Ôn) và mẹ Đỗ Thị Gấm (Phường 4- TP Vĩnh Long). Mẹ Đỗ Thị Gấm sống trong một căn nhà khoảng 20m2 cùng con gái. Những câu chuyện chiến tranh mẹ kể đứt quãng và mỗi lần kể mỗi khác đi vì tuổi đã cao, sức yếu. Nụ cười mẹ thật hiền, đôi mắt mẹ như sáng lên khi được kể chuyện cho các cháu sinh viên Trường CĐ Cộng đồng nghe. Mẹ cho biết: Mấy cháu đây thường hay đến thăm bà, nghe bà kể chuyện, chở bà đi khám bệnh. Bà yếu nhiều rồi, sống với con gái hiu quạnh, được mấy con đến thăm bà vui lắm”.

Danh sách 15 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng gồm: bà Võ Thị Năm (Phường 9), bà Nguyễn Thị Hai (Phường 1), bà Nguyễn Thị Bảy (Phường 3), bà Võ Thị Lợi (Phường 3), bà Huỳnh Kim Lý (xã Trường An), bà Trần Thị Kiếm (Phường 5), bà Lê Nhị Nơi (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long); bà Trần Thị Kiềm (xã Phú Thịnh), bà Mai Thị Bảy (xã Phú Thịnh), bà Nguyễn Thị Ba (xã Tường Lộc), bà Nguyễn Thị Trọng (xã Mỹ Thạnh Trung), bà Nguyễn Thị Tư (xã Bình Ninh), bà Dương Thị Để (xã Bình Ninh) và bà Ngô Thị Tuyết (xã Bình Ninh-Tam Bình); bà Nguyễn Thị Sáu (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh).

Bà mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì thân nhân thờ cúng bà mẹ được nhận bằng, huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được hưởng tiền thưởng một lần là 15,5 mức lương tối thiểu chung (1.150.000đ x 15,5) = 17.825.000đ.

Thân nhân thờ cúng bà mẹ được hưởng một lần bằng 20 lần mức quy định chung hiện hành là 24.400.000đ. Như vậy, tổng số tiền thân nhân thờ cúng bà mẹ được hưởng một lần là 42.225.000đ.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN