33 năm gắn bó với phân xưởng chữ

Cập nhật, 15:57, Thứ Hai, 24/08/2015 (GMT+7)

Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề in, chị cười hiền “Chị vô nhà in làm từ khi chưa có gia đình. Công ty tạo điều kiện cho mình học lớp trung cấp mỹ thuật in, rồi nghề dạy nghề. Yêu nghề và yêu gia đình, hai tình yêu lớn đã tạo ra động lực giúp cho chị hoàn thành tốt công việc của mình”.

Quản đốc Phân xưởng chữ Nguyễn Thị Thu Hằng cần mẫn với công việc.
Quản đốc Phân xưởng chữ Nguyễn Thị Thu Hằng cần mẫn với công việc.

Chị vào nghề in từ năm 1982, đến nay hơn 33 năm, chị Nguyễn Thị Thu Hằng- Quản đốc Phân xưởng chữ tại Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh- hết lòng với nghề và vinh dự là một trong những cá nhân điển hình được báo cáo tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2010- 2015.

Sau khi được nhận làm việc tại công ty, chị Thu Hằng làm công nhân tại Phân xưởng chữ- khâu đầu tiên của quá trình sản xuất của ngành in. Đây là khâu rất quan trọng, quyết định đến thời gian, chất lượng của sản phẩm trong dây chuyền sản xuất nên chị và đồng nghiệp đã cố gắng rất nhiều trong công việc để sản phẩm làm ra luôn đạt yêu cầu, chất lượng cao. Qua nhiều năm, chị được đề bạt làm Quản đốc Phân xưởng in và luôn cùng đồng nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất.

Bằng kinh nghiệm, chị Thu Hằng đã có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như vẽ, thiết kế maket theo yêu cầu kỹ thuật in của một quyển sách, ghép sẵn cho khâu vi tính mi trang trên máy. Thực hiện cho sách nhiều trang để in được cho nhiều máy khổ khác nhau. Khi xuất phim chỉ cần kiểm tra maket, gạch nhíp và giao khâu phơi bản (trước đây làm thủ công phải cắt rời từng tờ, tốn nhiều thời gian, khó kiểm tra). Thiết kế maket xếp trang cho những tài liệu số trang ít, số lượng nhiều, xếp đóng 1 lần được 2 cuốn. Áp dụng 2 công việc này giúp cho khâu bình bản, khâu phơi và khâu thành phẩm rút ngắn được phân nửa thời gian thực hiện, sản phẩm in ra đạt chất lượng cao.

Với sáng kiến cải tiến tận dụng bản phim cũ, ngâm trong soude thì khi thực hiện việc bình bản 4 màu để cho độ chính xác cao, chị Hằng phải sử dụng suppo mủ cứng để bình. Thấy được tác dụng của soude- một hóa chất được sử dụng trong ngành in, chất này khi hòa vào nước với độ đậm sẽ tẩy được những hình ảnh trên bản phim. Thế là chị tận dụng những bản phim cũ đã in sản phẩm xong, thay bì bỏ chị đem ngâm vào thùng nước có hòa với soude. Trong thời gian 1 tuần, những bản phim đó sẽ trở nên trong suốt khi đem rửa lại nước sạch. Sau đó, đem phơi khô sử dụng thay thế cho suppo mủ cứng. Với cách làm đó, chị tiết kiệm cho công ty tiền mua suppo mỗi năm trên 10 triệu đồng.

Do đặc thù của nghề in, chị Hằng và đồng nghiệp phải thay phiên nhau làm từ 11- 12 giờ đêm mới về nhà và sáng 7 giờ đến công ty làm việc. Chị chia sẻ, về với mái ấm của mình, chị được người thân thông cảm cùng chị chia sẻ việc nhà để chị an tâm hết lòng với công việc. Lòng nhiệt huyết của chị Thu Hằng đối với công việc được ghi lại trong bản thành tích cá nhân: nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; được UBND tỉnh tặng bằng khen đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG