Cá nhân được quyền đáo hạn BHYT không phải theo danh sách hộ gia đình

Cập nhật, 14:56, Thứ Ba, 05/05/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 777 hướng dẫn một số nội dung về thu BHYT, trong đó có quy định nếu cá nhân tham gia BHYT trước khi có luật thì bản thân được quyền đáo hạn. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, bác sĩ Lưu Văn Tuấn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết thêm.

Cụ thể, khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia BHYT tự đóng 100% mức đóng (trước ngày Luật BHYT có hiệu lực), nếu sau ngày 1/1/2015 tiếp tục tham gia BHYT thì thực hiện cho cá nhân người đó (bản thân người đó được quyền đáo hạn một mình) hoặc theo hộ gia đình; những người còn lại trong hộ gia đình chưa tham gia BHYT, khi tham gia BHYT thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình. Từ 1/1/2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT theo hộ gia đình.

* Ông có thể cho biết thêm, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, người dân sẽ được hưởng lợi ích gì từ chính sách này?

- Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình mang tính chia sẻ từ trong gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, tham gia theo hộ gia đình thì người tham gia sẽ được giảm dần từ người thứ 2 trở đi chỉ đóng bằng 70%, 60%, 50% và 40% của người đầu tiên.

* Trong một gia đình có người tham gia BHYT nhưng đến thời gian đáo hạn mà các thành viên trong gia đình vẫn không thỏa thuận được việc cùng tham gia đóng BHYT 100% thành viên trong hộ, thì trường hợp này sẽ được giải quyết ra sao?

- Những người đã có tham gia BHYT trước 1/1/2015 mà tiếp tục tham gia (đáo hạn) vẫn được đáo hạn cho cá nhân người đó, những người còn lại trong hộ gia đình chưa tham gia, khi tham gia thì bắt buộc tham gia theo hộ gia đình như quy định Luật BHYT.

* Liên quan tới quy định về đóng BHYT theo hộ gia đình, ông có thể cho biết làm thế nào để xác định chính xác thành viên trong hộ gia đình để đăng ký tham gia BHYT? Với những trường hợp thuộc diện tạm trú, tạm vắng để lao động và làm việc, thì căn cứ vào đâu để xem xét đóng BHYT theo hộ gia đình?

- BHXH Việt Nam cũng có hướng dẫn về việc lập danh sách hộ gia đình theo mẫu, cụ thể từ nay đến ngày 30/9/2015, tất cả danh sách hộ gia đình được lập theo mẫu chỉ cần chính quyền ấp, xã xác nhận, sau đó đưa sang cơ quan BHXH xác nhận là xong, không cần phải photo bản sao hộ khẩu như quy định trước kia.

Theo quy định Luật BHYT vấn đề lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình do UBND xã- phường- thị trấn lập và xác định về thành viên trong hộ gia đình để đăng ký tham gia BHYT là do UBND xã- phường- thị trấn xác định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, tạm vắng, có người tham gia BHYT chưa... BHXH căn cứ vào danh sách tự kê khai, có cam đoan của chủ hộ tham gia BHYT và UBND xã- phường- thị trấn.

Theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, trong khi chờ UBND xã- phường- thị trấn lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình, từ nay cho đến trước ngày 1/10/2015 tạm thời thực hiện hộ gia đình thống kê các thành viên trong hộ gia đình theo biểu mẫu D01-HGĐ, có xác nhận của trưởng ấp- khóm và của UBND xã- phường- thị trấn để đăng ký tham gia BHYT. Như vậy người tham gia BHYT theo hộ gia đình không phải làm thủ tục tạm trú, tạm vắng mà chỉ thống kê mẫu D01-HGD và chịu trách nhiệm pháp luật đối với nội dung kê khai.

* Đối với trường hợp hộ gia đình vì nhiều lý do khác nhau, không đăng ký tham gia BHYT cho các thành viên, thì có phải áp dụng biện pháp chế tài gì không?

- Trong luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT lần này chưa đề cập đến vấn đề chế tài đối với trường hợp tham gia theo hộ gia đình. Vì vậy, hiện nay chỉ tăng cường công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân hiểu rõ quyền lợi mang tính chia sẻ cộng đồng, nếu tham gia BHYT khi không may gặp ốm đau bệnh tật sẽ giảm được gánh nặng về tài chính cho bản thân và gia đình.

BÙI THANH (thực hiện)