Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (16/9/1820-16/9/2020)

Những điều ít người biết về Nguyễn Du và "Truyện Kiều"

Cập nhật, 13:54, Chủ Nhật, 13/09/2020 (GMT+7)

Nguyễn Du (1765- 1820), tên tự Tố Như, được biết đến là đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Và có thể khẳng định rằng, chỉ riêng Truyện Kiều cũng đã đủ để lại dấu ấn của ông với hậu thế.

Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại khu lưu niệm ở quê hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh của ông. Ảnh: Internet
Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại khu lưu niệm ở quê hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh của ông. Ảnh: Internet

Bản ghi chép sớm nhất về nàng Kiều

Bản ghi chép sớm nhất về Kiều là “Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt” của Mao Khôn đời Minh. Bản này chép: “Vương Thúy Kiều là kỹ nữ Lâm Tri, đầu tiên là Kiều Nhi, giỏi hát lối mới, thạo hồ cầm. Sau tìm cách trốn khỏi nhà xướng ca, đổi tên ở bên bờ biển.

Nụy khấu đánh Giang Nam, bắt Thúy Kiều mang đi rồi trở thành áp trại phu nhân của Từ Hải. Từ Hải rất yêu quý nàng, mọi kế hoạch đều nghe theo nàng. Quan quân phái người đến chiêu hàng, Kiều đem nhiều việc đến khuyên, Hải mới quyết tâm hàng.

Quan quân bố trí kế hoạch, Từ Hải thua chết, Thúy Kiều cũng bị quan quân cướp. Sau khi bị Đốc phủ làm ô nhục, Kiều bị gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận làm thiếp. 

Trên đường qua sông Tiền Đường, Thúy Kiều than: “Minh Sơn hậu đãi ta, ta vì việc nước dụ chàng mà bị hại. Giết một người chồng rồi lại lấy một người chồng, còn mặt mũi nào sống nữa!

Bèn nhảy xuống sông mà chết”. Sự kiện này diễn ra vào năm Gia Tĩnh thứ 35, năm 1556, đời Minh Thế Tông. Các nhân vật như Vương Thúy Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến đều có thật trong lịch sử.

Từ câu chuyện có thật của lịch sử như trên, Thanh Tâm Tài Nhân- người Chiết Giang thời nhà Minh- đã viết thành “Kim Vân Kiều truyện”.

Đại thi hào Nguyễn Du nhân vua nhà Nguyễn nước ta sai đi sứ sang Trung Hoa thời Thanh đã đọc được “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân và ông đã xúc động mà viết nên “Truyện Kiều”.

“Đoạn trường tân thanh” mới là tên gọi gốc

Nguyễn Du đặt cho tác phẩm mình là “Đoạn trường tân thanh”, nghĩa là tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột. Tuy nhiên, dân gian vốn thích sự ngắn gọn để dễ nhớ nên gọi là “Truyện Kiều”.

Tuy nhiên, tên gọi “Đoạn trường tân thanh” đã nói lên giá trị của tác phẩm để đời của Nguyễn Du. Về nỗi đau đứt ruột có hai điển cố. Điển cố thứ nhất nói về chuyện vượn mẹ nhìn đàn con bị ông họ Trương ở Phúc Kiến bên Trung Hoa hành hạ mà kêu lên một tiếng thảm thiết rồi chết.

Ông họ Trương liền mổ bụng vượn mẹ thì thấy ruột đứt ra từng đoạn một. Điển cố thứ hai, vua Đường Vũ Tông rất sủng ái Mạnh Tài Nhân vì nàng hát hay múa giỏi.

Nhà vua lâm bệnh nặng, nàng vào múa hát vĩnh biệt nhà vua. Khi hát xong, Mạnh Tài Nhân chết đứng. Khám tử thi của nàng thì thấy ruột đứt ra từng đoạn.

Vì sao Nguyễn Du đặt tên tác phẩm mình là tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột? Bởi Nguyễn Du chỉ dựa vào cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt, một truyện thơ mang tư tưởng nhân văn sâu sắc của người Việt Nam về người phụ nữ.

Những tư tưởng coi khinh người phụ nữ như xem phụ nữ như món hàng để mua bán, xem trọng trinh tiết… đã bị Nguyễn Du lên án trong “Truyện Kiều”. Đặc biệt, chữ “trinh” của Kiều trong tâm thức Nguyễn Du chính là “lấy hiếu làm trinh”.

Chỉ có văn hóa Việt Nam mới sinh ra được câu chuyện kỳ lạ như thế vì người phụ nữ luôn có vai trò quan trọng hơn nam giới như: “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”…

Điều này hoàn toàn khác với xã hội phong kiến Trung Hoa tồn tại hàng ngàn năm với những quan niệm bất công, khắt khe như “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tong tử” và quan niệm trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội.

Vào năm Canh Thìn 1820, trong lời tựa viết cho “Truyện Kiều”, Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, tức tú tài Nguyễn Đăng Tuyển (1795- 1880), đã nhận xét: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.

“Truyện Kiều” được đón nhận như thế nào?

Nhiều tài liệu viết rằng, sau khi Nguyễn Du viết xong “Truyện Kiều”, những bạn hữu của ông đọc rồi đem khắc bản gỗ và bán tại các cửa hàng sách. Đào Nguyên Phổ (1861- 1908)- một vị quan nhà Nguyễn- ghi lại rằng: “Truyện giai nhân diễn thành giai tác, lại đượm hương trời càng là thêm vẻ, nên chi người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô”.

Dân gian đã ví von: “Mê gì? Mê đánh tổ tôm. Mê ngựa Hộ Bổn, mê nôm Thúy Kiều”. Và vua Tự Đức (1829- 1883) rất mê “Truyện Kiều”, từng nhận xét tác phẩm này là “hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu”.

Năm 1965, tức 200 năm sau khi Đại thi hào Nguyễn Du được sinh ra, trong bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”, nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) đã bật lên xúc cảm: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”.

Cũng trong năm 1965, nhân có chuyến đi công tác tại các tỉnh miền Trung, nhà thơ Tố Hữu (1920- 2002) đã viết bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” nhân dịp kỷ niệm 200 năm năm sinh của đại thi hào. Bài thơ có đoạn: “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.

Tác phẩm nào được đánh giá là phần tiếp của “Truyện Kiều”?

Vì phục tài Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Đăng Tuyển dù bận rộn với công việc quan trường (ông làm tới chức Tri phủ Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay) cũng đã có tác phẩm “Đào hoa mộng ký tục Đoạn trường tân thanh” với tham vọng viết tiếp “Truyện Kiều”.

Tác phẩm lấy bối cảnh hoàn toàn ở Việt Nam, với những địa danh Việt Nam. Những nhân vật trong tác phẩm đều là kiếp sau của những nhân vật trong “Truyện Kiều”. Tác phẩm vừa viết bằng chữ Hán vừa viết bằng chữ Nôm này hiện nay đã thất lạc một phần nội dung và ít được biết đến.

Tuy nhiên, có thể qua đó thấy được rằng, sức hút của “Truyện Kiều” đối với người đương thời là quá lớn. Đến nỗi người viết lời tựa cho tác phẩm này cũng có đã viết tiếp câu chuyện với tham vọng trở nên nổi tiếng.

Những kỷ lục của Truyện Kiều

Vào năm 2015, vào dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới đã chính thức ghi nhận “Truyện Kiều” trở thành “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất” với 27 kỷ lục.

Các kỷ lục này được thể hiện một cách đa dạng qua các hình thức sách báo, dịch thuật, điêu khắc, tranh lụa, hợp xướng, thư pháp, sân khấu… như: Tác giả có nhiều sách viết về “Truyện Kiều” nhất Việt Nam (Kỷ lục gia, Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế); Quyển “Truyện Kiều” viết bằng thư pháp nặng nhất (Kỷ lục gia, Nhà thư pháp Nguyệt Đình); Người viết “Truyện Kiều” trên đá cuội đầu tiên ở Việt Nam (Kỷ lục gia Nguyễn Văn Tân); Bản hợp xướng viết dựa theo “Truyện Kiều” dài nhất (Kỷ lục gia Vũ Đình Ân); Người vẽ tranh lụa về “Truyện Kiều” đầy đủ và nhiều tranh nhất (Họa sĩ, Kỷ lục gia Ngọc Mai)...

Tổ chức Liên minh kỷ lục thế giới cũng đã đánh giá “Truyện Kiều” của Nguyễn Du gồm 3.254 câu thơ lục bát là một kiệt tác văn học. Tác phẩm này đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua. “Truyện Kiều” cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch.

Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Internet
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Internet

“Truyện Kiều” đã bị sửa?

Có giai thoại rằng, sau khi đọc “Truyện Kiều”, vua Tự Đức bỗng dưng đùng đùng nổi giận: “Nếu Tố Như mà còn sống, phải nọc nằm xuống đánh cho 30 roi!” Bởi khi viết về Từ Hải, Nguyễn Du đã viết: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!” Đó là hình ảnh của Nguyễn Huệ ngày xưa trong liên tưởng của Tự Đức.

Bởi qua thơ, vua Tự Đức thường xét lập trường chính trị của tác giả. Còn một điều nữa là vua Tự Đức tên là Nguyễn Phúc Thì.

Nhưng trong truyện Kiều chỗ nào có chữ “Thì” thường là xấu xa bỉ ổi: “Khi thì lừa đảo, nơi thì ai thương?” (2291), “Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng” (1729), “Thôi đà mắc lận thì thôi đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh” (1157).

Đặc biệt, câu: “Thì con người ấy ai cầu làm chi” đã được ngắt thành: “Thì/ con người ấy/ai cầu làm chi” và được hiểu theo nghĩa: “Một con người như Tự Đức thì chẳng ai cầu làm gì!”

Như vậy là Nguyễn Du đã mắc vào tội vừa phạm húy, vừa phạm thượng, một tội rất nặng trong chế độ phong kiến! Cũng may là Nguyễn Du đã mất và vua Tự Đức cũng cảm phục tài ông nên chỉ tức giận vài câu mà thôi.

Tuy nhiên, vua Tự Đức cũng cho sửa lại “Truyện Kiều” cho phù hợp với triều đình nhà Nguyễn. Bởi vậy, cho đến hôm nay, nguyên bản “Truyện Kiều” vẫn chưa sưu tầm được.

Ngoài nguyên bản của Nguyễn Du còn có bản Phường của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), bản Kinh do vua Tự Đức sửa chữa mà thành và nhiều bản quốc ngữ khác nhau.

Cuốn “Truyện Kiều” Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng của tác giả Đỗ Minh Xuân do NXB Văn hóa-Thông tin ấn hành năm 2012 đã sửa hơn 1.000 chỗ trong “Truyện Kiều”. Ông Đỗ Minh Xuân lấy lý do chữ nghĩa của “Truyện Kiều” rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh… nên ông sửa lại cho phù hợp.

Tuy nhiên, việc làm này khiến cho dư luận lo lắng sẽ làm “méo mó” “Truyện Kiều”. Chẳng hạn, câu: “Trộm nghe thơm nức hương lân/ Một nền Đồng Tước khóa Xuân hai Kiều” đã được ông kỹ sư đổi thành “Trộm nghe thơm nức hương lân/ Buồng đào nơi tạm khóa Xuân hai Kiều”.

Có nghĩa là, đài Đồng Tước mà Tào Tháo kỳ công xây lên để mong cướp được nàng tuyệt thế mỹ nhân Đại Kiều và Tiểu Kiều- vợ của Tôn Sách và Chu Du- dưới ngòi bút của Nguyễn Du đã biến thành một cái buồng nhỏ nhoi và thô tục.

Không chỉ là đại thi hào của dân tộc Việt Nam

Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization, viết tắt là UNESCO) họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du.

Theo TS. Phan Tử Phùng- Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, thuộc Ban Vận động UNESCO Vinh danh Nguyễn Du cho rằng: Nguyễn Du- theo đúng cách gọi của UNESCO- là Great Personality- đại danh nhân văn hóa hay vĩ nhân văn hóa.

Theo quy chế, UNESCO chỉ tôn vinh các danh nhân trên thế giới thuộc lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục của tất cả các quốc gia và tổ chức thành viên.

Các ứng viên được lựa chọn và giới thiệu để UNESCO tôn vinh được gọi là danh nhân văn hóa. Danh nhân là người kiệt xuất (eminent person) có những hoạt động, những công trình, những tác phẩm kiệt xuất, có giá trị làm phong phú thêm cho nền văn hóa chung của nhân loại, có tác dụng động viên khuyến khích lòng khoan dung, độ lượng và tính vị tha của con người, làm cho con người thêm hiểu biết nhau, thêm gần gũi gắn bó với nhau, gắn bó với hòa bình hữu nghị.

UNESCO dùng từ tiếng Anh personality để chỉ danh nhân văn hóa. Từ điển bách khoa toàn thư của Mỹ định nghĩa từ danh nhân văn hóa của UNESCO như sau: Danh nhân văn hóa - một con người như là hiện thân của những nét đặc thù của trí tuệ và của nhân cách (Personality- a person as the embodiment of distinctive traits of mind and behaviour).

Theo TS. Phan Tử Phùng, để thể hiện sự tôn kính, khi đã được tôn vinh, UNESCO tôn xưng các danh nhân văn hóa được đề cử từ các nước trên thế giới là “Great Personality”- đại danh nhân văn hóa hay vĩ nhân văn hóa.

NGUYỄN VĂN TOÀN