Đọc sách theo tấm gương Bác Hồ

Cập nhật, 05:20, Thứ Bảy, 23/05/2020 (GMT+7)

Lịch sử chứng minh, qua các giai đoạn ở nước ta, người Việt Nam luôn có tinh thần hiếu học và ham đọc sách. Như cổ nhân đã nói: “Mỗi quyển sách là một hũ vàng”. Với tinh thần đó, rất nhiều danh nhân đã trở thành những tấm gương đọc sách tiêu biểu mà “mắt không rời sách, gối đầu lên sách” như Lê Quý Đôn hay “sách là thuốc bổ tinh thần”, “siêng xem sách và xem nhiều sách là việc đáng quý” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ tranh thủ thời gian rảnh nghiên cứu tài liệu. Nguồn: Thư viện tỉnh Vĩnh Long
Bác Hồ tranh thủ thời gian rảnh nghiên cứu tài liệu. Nguồn: Thư viện tỉnh Vĩnh Long

Sinh thời, Bác Hồ đã từng khuyên rằng: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình.

Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Tấm gương thích đọc sách, báo cùng những lời khuyên của Người, chính là lời nhắc nhở cho những người đang học tập, nghiên cứu và lao động trong nhiều lĩnh vực phải noi theo.

Bác Hồ sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống nho học, bên cạnh những tác động tích cực đến niềm đam mê sách, cùng những lời giáo huấn từ người cha- cụ Nguyễn Sinh Sắc: “Học phải có sách”, “Việc đọc sách là đáng quý lắm, ngày nào chưa đọc được mười trang sách là ngày đó nhịn đói nhịn khát”.

Mồ côi mẹ từ lúc 11 tuổi, cha bận việc triền miên và sách đã trở thành người bạn không thể thiếu đối với Nguyễn Sinh Côn(*).

Những thể loại văn học cổ điển của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay Nguyễn Đình Chiểu thường được Nguyễn Sinh Côn quan tâm đọc; các tác phẩm đó đã nhen nhóm lên lòng yêu nước và nỗi cay đắng của người dân bị mất nước trong tâm hồn chàng thiếu niên xứ Nghệ.

Là người đam mê và đọc nhiều sách, trong đó có sách lịch sử của Trung Quốc, mặc dù tuổi đời còn nhỏ nhưng Nguyễn Sinh Côn đã tự hỏi “vì sao không thấy sách lịch sử Việt Nam và toàn sách lịch sử của Tàu”. Có thể thấy rằng thời niên thiếu của Người, sách không chỉ là người bạn tâm giao mà còn là nền tảng cho những thành tựu vĩ đại về sau này.

Với mong muốn nâng tầm tri thức của mình, Người đã tiếp cận với nền văn minh Pháp thông qua những trang sách lúc 13 tuổi. Năm 17 tuổi, Người tập trung nghiên cứu sách lịch sử thế giới; trong đó Bác chú trọng vào những sách viết về cuộc cách mạng tư sản Pháp, cùng một số tác phẩm của các nhà văn, nhà triết học, như: Vonten, Môngteskiơ, Rutxô,…

Chính việc Bác tiếp cận được nhiều loại sách với những nội dung tiến bộ, thành tựu văn hóa nhân loại; tất cả đã trở thành tài sản vô giá về sau.

Quá trình bôn ba khắp các châu lục để tìm ra đường lối giải phóng cho dân tộc mình, Bác luôn ghi nhớ lời dặn của cụ Nguyễn Sinh Sắc trước lúc Người lên tàu rời Bến cảng Nhà Rồng “Thư giả quốc chi hồng nguyên giã- Người đọc sách có thể tìm ra một chân trời mới tốt đẹp cho đất nước”.

Lời dặn đó đã trở thành động lực theo chân Người trong suốt hành trình, bất cứ lúc nào có thời gian rảnh là Người lại đọc sách, báo, thậm chí đọc đến nửa đêm.

Đối với Bác Hồ, thư viện trở thành địa điểm quen thuộc, là đầu mối lưu trữ và cung cấp các tài liệu quý. Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Tập 1 (1890- 1930)” do Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh biên soạn, đề cập cụ thể một khoảng thời gian Bác đến thư viện đọc tài liệu, như: Ngày 9/12/1919, 2 lần đến Thư viện Sainte Geneviève; ngày 10/12/1919, tới Thư viện Sainte Geneviève đến 16 giờ; ngày 11/12/1919, 2 lần đến Thư viện Sainte Geneviève; ngày 12/12/1919, 3 lần đến Thư viện Sainte Geneviève, sáng từ 10 giờ đến 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ 50 đến 14 giờ 45, tối từ 18 giờ 45 đến 20 giờ; ngày 13/12/1919, 2 lần đến Thư viện Sainte Geneviève; ngày 15/12/1919, từ 10 giờ 50 đến 11 giờ 55 tới Thư viện Sainte Geneviève; ngày 17/12/1919, tới Thư viện Sainte Geneviève từ 9 giờ 45 đến 14 giờ 15; ngày 19/12/1919, tới Thư viện Sainte Geneviève từ 10 giờ đến 11 giờ 5; ngày 21/9/1920, tới thư viện bình dân của những người bạn giáo dục.

Qua thống kê, có thể thấy thời lượng của Bác đến thư viện nghiên cứu tài liệu, trở thành tấm gương lưu truyền hậu thế.

Và còn rất nhiều những nơi Bác lui tới tham khảo sách, báo ở trên đất Pháp hay Liên Xô. Khi về nước, sách, báo vẫn là một phương tiện cung cấp thông tin hữu ích đối với Người; cho dù thời trai trẻ hay lúc tuổi già, nơi đó là căn cứ cách mạng heo hút như Pắc Bó hoặc Bắc Bộ Phủ giữa lòng Thủ đô Hà Nội, với Bác không giới hạn thời gian, có khi đọc đến 2 giờ sáng.

Theo quan điểm của Bác Hồ, đọc sách ngoài mục đích nâng cao tri thức, còn để phục vụ cách mạng và dân tộc, với quyết tâm làm sao cho dân được tự do, nước nhà được độc lập, ai cũng no đủ và được học hành; biểu tượng “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” đã trở thành huyền sử bất hủ cho tinh thần thích đọc.

Cũng theo Bác, muốn nghiên cứu những tinh hoa văn hóa của nhân loại và tiếp cận những hệ tư tưởng mới trên thế giới, phải thông qua việc đọc nhiều sách và phải đọc được các loại sách viết bằng ngôn ngữ khác nhau.

Vì thế, Bác luôn miệt mài học ngoại ngữ để làm công cụ và chìa khóa mở toang cánh cửa tiếp cận tinh hoa nhân loại. Theo GS. Hoàng Chí Bảo, Bác Hồ có thể nói được 29 thứ tiếng, chưa kể tiếng một số dân tộc nước ta; trong các tiếng đó, có những thứ tiếng Bác rất uyên thâm.

Trong tác phẩm “Đi theo con đường của Bác”, Đại tướng Văn Tiến Dũng có đoạn viết: “Chúng ta phải học Bác nhiều điều, kể cả cách đọc báo nữa”; còn trong tác phẩm “Búp Sen Xanh” của tác giả Sơn Tùng có ghi lại lời tâm sự của người bạn thân thời niên thiếu của Bác Hồ là Phạm Gia Cần: “Ở gần Thành, mình học hỏi được nhiều thứ, nhất là cách đọc sách”.

Phương pháp đọc sách, báo của Bác Hồ rất khoa học, vì muốn không mất thời gian đọc lại nhiều lần về thông tin đó, Bác ghi chép và phân loại các thông tin trong sách, báo hoặc sử dụng bút màu đánh dấu những nội dung trọng tâm.

Trong tác phẩm “Hồi ký- Người là Hồ Chí Minh” của Hội Nhà văn xuất bản năm 1995, đề cập màu mực biểu thị quy định, như: “Gạch xanh là nói về chính trị, gạch đỏ là nói về chữ nghĩa”.

Quan điểm thứ hai về cách đọc sách của Bác Hồ là phải suy nghĩ kỹ, không nhất thời tin tưởng một cách mù quáng; đọc phải nắm cốt lõi và cái thần của tác phẩm, đồng thời biết đánh giá ưu khuyết điểm; muốn làm được người đọc phải có kiến thức rộng cùng khả năng phân tích và tổng hợp.

Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5”, của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, có đề cập đến quan điểm của Bác không đồng tình về việc “thuộc lòng từng câu, từng chữ, để đem lòe thiên hạ”.

Thứ ba là Bác tán thành quan điểm của học giả Lê Quý Đôn: “Đọc sách không cần nhiều, đọc được một chữ đem áp dụng được một chữ, thế là được”; với Bác là áp dụng những điều đã đọc vào thực tế cuộc sống rất quan trọng, bởi “dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách”.

Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ phương pháp đọc sách và vận dụng vào thực tế thông qua tác phẩm “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác- Lênin”, Bác Hồ viết: “Chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin nhưng vận dụng một cách có sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng ta đã chiến đấu và giành được thắng lợi như các đồng chí đã biết”.

Sách là nguồn tài nguyên vô tận, giúp con người hoàn thiện bản thân, là sợi dây liên kết tri thức nhân loại. Đọc sách, báo chính là giúp con người phát triển trí tuệ, học hỏi những kinh nghiệm lẫn nhau để vận dụng có sáng tạo vào trong cuộc sống.

Việt Nam là quốc gia có truyền thống hiếu học và thích đọc sách, báo, đồng thời biết phát huy những tinh hoa một cách có sáng tạo nhằm mang lại lợi ích cho quốc gia và dân tộc.

Trong tác phẩm “Bản sắc văn hóa Việt Nam”, GS. Phan Ngọc nêu lên nhận định của mình: “Truyền thống văn hóa Việt Nam là truyền thống vượt gộp- Vượt gộp có nghĩa là tiếp thu cái mới nhưng đổi mới được nó trên cơ sở cái cũ cũng đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới”.

Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu cho truyền thống ấy từ khi còn rất trẻ; Người luôn tận dụng mọi thời gian nhàn rỗi nghiên cứu sách, báo nhằm chắt lọc những tinh hoa trong nhiều lĩnh vực của các nước trên thế giới và tận dụng một cách có sáng tạo để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; điển hình là chủ nghĩa Mác- Lênin.

Tư duy đọc sách, báo của Bác Hồ rất khoa học và luôn có mục đích cụ thể, từ việc chuẩn bị vốn ngoại ngữ để đọc những tác phẩm ngoại quốc theo nhu cầu, cho đến ghi chú những nội dung trọng tâm, phân tích nhận định và chắt lọc cốt lõi của tác phẩm, đồng thời vận dụng vào thực tế ở Việt Nam.

Thế hệ trẻ, lực lượng kế thừa rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngày 17/8/1947 trong thư gửi thanh niên, Bác Hồ khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà; nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Quán triệt tinh thần ấy, thế hệ chúng ta hôm nay, nhất là giới trẻ phải biết gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của các bậc tiền nhân đã tốn biết bao công sức tạo dựng.

Ngoài các phương pháp học tại trường, học từ thầy và bạn, tương tác trong môi trường xã hội, thì sách và báo đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao tư duy, mở rộng sự hiểu biết vượt ngoài phạm vi một quốc gia.

Sách là công cụ ghi nhận tri thức phổ quát của nhân loại; là tài liệu để học tập, tu dưỡng và rèn luyện. Đọc sách chính là khai thác, tìm hiểu, thẩm thấu những tinh hoa với nhiều mục đích khác nhau, như: giải trí, giáo dục tư tưởng, nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển xã hội,… luôn được các quốc gia, các dân tộc trên thế giới ứng dụng hiệu quả.

(*) Theo Nguyễn Sinh Khiêm trong tác phẩm “Tất Đạt tự ngôn” tên Nguyễn Sinh Côn hay Nguyễn Tất Thành do ông ngoại của Bác Hồ, cụ đồ Hoàng Xuân Đường đặt.

HỒ MINH