Đang hì hục phát cỏ ruộng, mồ hôi mẹ, mồ hôi con đua nhau chảy ướt đẫm mình mẩy, có giọt chảy vào mắt cay xè. Năm Lẹ dừng phảng, lột cái khăn khất đang bịt trên đầu xuống để lau mặt, lau mắt.
Đang hì hục phát cỏ ruộng, mồ hôi mẹ, mồ hôi con đua nhau chảy ướt đẫm mình mẩy, có giọt chảy vào mắt cay xè. Năm Lẹ dừng phảng, lột cái khăn khất đang bịt trên đầu xuống để lau mặt, lau mắt.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Có tiếng chống xuồng khua lộp cộp ngoài con kinh, Năm Lẹ nhìn lên thấy một chú bộ đội đang đứng chống chiếc xuồng ba lá. Bộ điệu chú bộ đội này chưa quen chống xuồng, đứng chưa vững, xuồng lắc lư theo nhịp chống.
Năm Lẹ nói trong bụng: Tới khúc cua chỗ đầu đất, chú mày té là cái chắc! Đúng như dự kiến, khi qua cua chiếc xuồng bị lật úp, chú bộ đội té nghe cái xộn, mình mẩy ướt ngoi ngót như chuột lột! Chú bộ đội lắc nước xuồng xong chống đi tiếp.
Ngày hôm sau. Năm Lẹ đã phát cỏ tới đầu đất. Chú bộ đội hôm qua lại chống xuồng đi tới. Tới khúc cua, xuồng lắc lư rồi lật úp, chú bộ đội té ướt hết đầu cổ, lóp ngóp đứng dưới kinh lắc nước xuồng. Không nhịn được cười, Năm Lẹ cười một lúc rồi nói:
- Chú mày lên bờ ruộng này nghỉ ngơi, hút điếu thuốc cho ấm rồi hãy đi tiếp.
Chú bộ đội nói cảm ơn rồi đi lên bờ ruộng ngồi cạnh Năm Lẹ. Vừa ngồi xuống, đã thấy một con đỉa trâu đeo ở cổ chân, chú bộ đội lấy nắm cỏ mục trên bờ lót vào tay gỡ bắt con đỉa, miệng nói “ở đây nhiều đỉa quá”.
Anh Năm Lẹ lấy một cục thuốc rê bảo chú bộ đội đắp vào chỗ đỉa cắn để cầm máu, đưa bì thuốc bảo chú bộ đội vấn hút đi. Đang ghiền lại bị lạnh, được hút thuốc ngon thật sướng vô cùng, chú bộ đội rít mới mấy hơi mà điếu thuốc đã cháy gần phân nửa.
Anh Năm Lẹ hỏi:
- Chú mày tên gì, quê ở đâu mà không biết chống xuồng ba lá vậy?
- Dạ, tôi tên Tám Thiện, quê ở quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Xứ tôi đi bằng tam bản chèo hoặc gắn máy đuôi tôm, còn đi xuồng thì là loại xuồng năm lá ngồi bơi bằng cây dầm nên vững lắm, không bị lắc. Tới đất địa Càng Long này, gặp toàn xuồng ba lá, tụi tôi chưa quen nên khi đứng chống xuồng cứ lắc lư, bị té hoài!
- Tới giờ ăn cơm chiều rồi. Chú mày về nhà tui ăn cơm cho vui rồi hãy về đơn vị. Được không?
Tám Thiện gật đầu đồng ý.
Năm Lẹ bảo Tám Thiện:
- Chú mày xuống xuồng ngồi cho vững, để tui chống cho chú mày coi.
Anh bước xuống cầm cây sào chống mạnh một cái chiếc xuồng lao vọt tới, anh nhẹ nhàng chống thêm, chiếc xuồng ba lá lao nhanh vun vút. Ngang mấy khúc cua, xuồng vẫn không giảm tốc độ, liếm nước một bên nhưng không có giọt nước nào tràn vào xuồng.
Tới mấy đoạn có nhánh cây, dừa nước mọc gie ra làm đường chống xuồng bị cong queo liên tục, vậy mà chiếc xuồng vẫn lách đi nhẹ nhàng không va chạm. Xuồng ghé bến, Tám Thiện buột miệng khen:
- Anh tài quá!
Năm Lẹ cười khà khà, nói:
- Do quen thôi. Chú mày mà ở xứ này lâu thì cũng chống xuồng ba lá giỏi như tui thôi. Ta vô nhà đi.
Thấy có người lạ, mấy đứa con anh đứng ở nhà dưới thập thò nhìn. Anh bảo đứa con gái lớn chừng mười tuổi đi ra vườn kêu má nó và dì Út vô làm cơm cho khách ăn. Anh móc tiền đưa cho nó bảo kêu má và dì Út xong thì qua nhà dì Hai mua một lít rượu đế.
Anh đến chỗ cái khạp da bò rộng cá, bắt mấy con cá lóc đem ra nướng trui bằng rơm. Lửa tàn, hai anh em loay hoay cạo lớp vảy cá cháy sém thì chị Năm Lẹ và cô Út về tới. Gật đầu chào khách xong, cô Út đi thẳng xuống nhà dưới, Tám Thiện chưa kịp nhìn rõ mặt thì dáng cô đã mất hút rồi!
Anh Năm Lẹ trải chiếc đệm bàng, dọn chén đũa và dĩa đựng mấy con cá lóc nướng, muối ớt, rau tai tượng, rau cù nèo, rót rượu ra mời Tám Thiện:
- Mời chú mày uống một ly cho ấm lòng chiến sĩ, ta cùng nâng ly nhé!
Trong tiệc rượu, anh Năm Lẹ hỏi thăm về thân thế. Tám Thiện nói cha mẹ mình là nông dân, bản thân là học sinh trung học ngoài thành.
Khi cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra thì “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, tòng quân vào bộ đội chủ lực Miền, đã đánh được vài chục trận lớn nhỏ rồi.
Tám Thiện cũng hỏi han về gia cảnh của anh Năm Lẹ. Hai người nói chuyện hợp nhau lắm.
Chai rượu đã hết hơn phân nửa, Năm Lẹ quay mặt xuống nhà dưới, kêu:
- Út à, đem cơm lên coi bây!
Có tiếng dạ ở nhà dưới. Cô Út bưng mâm cơm lên. Tám Thiện liếc nhìn thấy cô Út tuổi chừng 18, mái tóc đen huyền phủ xuống ngang lưng, da mặt trắng hồng. Cô đặt nhanh mâm cơm xuống đệm, rồi quay mặt đi nhanh xuống nhà dưới, Tám Thiện vẫn chưa nhìn rõ mặt cô.
Anh Năm Lẹ nói:
- Ông bà già vợ của tui có cất nhà để tản cư ở ngoài Lộ Mới, gần chợ quận Càng Long. Vì vườn ruộng ở đây, nên con Út nó vô đây thường lắm. Mấy chú muốn mua đồ đạc, thuốc men gì ngoài chợ thì qua đây nhờ nó mua giùm cho. Thôi, bây giờ mình ăn cơm, uống mấy ly rượu vô thèm cơm quá trời rồi!
Cơm nước xong, Tám Thiện cảm ơn và từ giã gia đình Năm Lẹ, xuống chống xuồng về đơn vị. Chị Năm Lẹ nhìn theo một lúc rồi quay qua nói với cô Út:
- Chú bộ đội này dáng thư sinh, trắng trẻo, đẹp trai mà ăn nói có duyên nữa. Dễ thương quá!
Cô Út nói:
- Em có nhìn rõ đâu mà biết đẹp trai hay không!
- Lần sau chú qua đây nhờ mua đồ đạc, mày nhìn cho kỹ. Coi chừng mày mê người ta luôn đó!
Cô Út mắc cỡ đỏ mặt, không nói gì, quay ra sàn nước rửa chén bát.
-o0o-
Xế chiều hôm sau, Tám Thiện cùng một anh bộ đội nữa chống xuồng qua nhà Năm Lẹ nhờ cô Út mua giùm một số đồ đạc, thuốc men cho anh em trong đơn vị.
Chị Năm Lẹ kêu cô Út lên cho mấy chú bộ đội dặn mua thứ gì, cô Út mắc cỡ không lên nhà trên mà nói vọng lên với chị Năm Lẹ là mấy ảnh muốn mua thứ gì thì viết giấy đưa cho em. Tám Thiện ngồi nói chuyện với chị Năm Lẹ một lúc rồi từ giã ra về đơn vị.
Chiều hôm sau, Tám Thiện chống xuồng ba lá qua lấy hàng hóa về. Chỉ có cô Út ở nhà với mấy đứa nhỏ nên cô trực tiếp gặp giao đồ đạc mua ngoài chợ cho Tám Thiện.
Tám Thiện có dịp được nhìn cô Út kỹ hơn. Cô có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu đen láy, mũi dọc dừa, đôi môi đỏ mọng, làn da trắng hồng. Cô không đẹp lắm nhưng cũng khá xinh. Trong lúc trò chuyện, cô mắc cỡ không dám nhìn thẳng người đối diện.
Sau đó, Tám Thiện nhiều lần qua nhờ cô Út mua đồ đạc, thuốc men cho anh em trong đơn vị và hai người đã thân quen nhau hơn.
-o0o-
Được lệnh của Tiểu đoàn pháo kích Chi khu Càng Long bằng pháo cối 82mm, anh Hai Hòn- Đại đội phó Đại đội 55- pháo trợ chiến của Tiểu đoàn 306 Trung đoàn 3, anh Sáu Chà Trung- Đội trưởng pháo cối, Tám Thiện là trinh sát đo đạc pháo binh cùng đi điều nghiên tìm trận địa đặt pháo.
Sau khi tìm được nơi làm trận địa pháo, Tám Thiện đo đạc trên bản đồ tính toán cự ly, góc bắn xong, ba anh em đi về đơn vị. Đi ngang qua nhà Năm Lẹ, chị Năm Lẹ mời mấy chú vào nhà nghỉ chân, uống nước, làm cơm ăn rồi hãy về. Anh Hai Hòn đồng ý.
Trong lúc chờ cơm thì cô Út ngoài chợ chống xuồng vô tới. Anh Hai Hòn hỏi thấy tình hình lính tráng ngoài quận Càng Long ra sao, cô Út nói mới hồi trưa có mười mấy chiếc xe GMC chở đầy lính vào hậu cứ của Trung đoàn 14 Sư đoàn 9.
Cơm dọn ra, chị Năm Lẹ đem chai rượu ra bảo mấy chú uống lai rai, anh Năm Lẹ cũng đi ruộng sắp về tới. Anh Hai Hòn nói bữa nay tụi tui không uống rượu được, bảo anh em ăn cơm nhanh rồi về đơn vị.
Về tới chỗ đóng quân, anh Hai Hòn báo cáo tình hình với anh Chín Chắc- Đại đội trưởng, anh Út Hậu- Chính trị viên trưởng. Các anh quyết định pháo kích hậu cứ Trung đoàn 14 Sư đoàn 9 ngay trong đêm nay, vì quân địch đông sẽ bị sát thương nhiều.
Nửa đêm hôm đó, khẩu đội pháo cối 82 ly bắn chục quả đạn vào mục tiêu là thành pháo binh- có 2 khẩu pháo 105 ly- nằm chung trong hậu cứ Trung đoàn 14.
Bắn xong, khẩu đội pháo cối 82 ly nhanh chóng vác pháo chạy ra khỏi trận địa để tránh địch phản pháo. Nhưng, lần này địch không bắn trả trái pháo nào, chỉ có khẩu đại liên đặt trên lầu chùa Cai Hảo bắn đạn lửa có dây về phía trận địa pháo của ta, đạn mãn tầm bắn găm xuống đất nghe phầm phập, nhưng không gây thiệt hại cho ta.
Sáng hôm sau, Ban chỉ huy Đại đội cho biết, qua điện đài Tiểu đoàn nắm được địch bị ta bắn trúng trận địa pháo, phá hủy 1 khẩu pháo 105 ly, khẩu còn lại cũng bị hư hỏng nặng nên không phản pháo lại được. Nhiều quả đạn rơi trúng hậu cứ, địch bị thương vong rất nhiều.
Tiểu đoàn biểu dương khen ngợi, sau đó Trung đội pháo 82 ly và Tám Thiện còn được Chỉ huy Trung đoàn 3 tặng bằng khen, còn bà con ở vùng giải phóng quận Càng Long thì mát lòng hả dạ vì bộ đội ta bắn trúng trận địa pháo 105 ly của địch, trừng trị thích đáng bọn pháo binh này bởi chúng đã gây quá nhiều nợ máu với đồng bào ta.
Ngày hôm sau, bọn lính Sư đoàn 9 đi càn vào lùng sục tìm được nơi đặt pháo của ta. Tám Thiện và các anh đã tìm được nơi đặt trận địa pháo mới cách chỗ cũ chừng 1km. Các anh bàn nên tổ chức bắn thử, nhưng cần có người quan sát xem đạn nổ ở đâu để còn điều chỉnh pháo.
Các anh cử Tám Thiện qua nhờ cô Út quan sát giùm. Sau khi nghe rõ yêu cầu của Tám Thiện, cô Út đồng ý. Ngày hôm sau, khi đơn vị chở pháo đi ngang qua, Tám Thiện ghé cho hay, cô Út xuất phát chống xuồng về chợ Càng Long, 1 giờ đồng hồ sau thì đơn vị sẽ bắn 1 quả đạn cối 82 ly vô hậu cứ Trung đoàn 14- Sư đoàn 9.
Chống xuồng tới gần đồn Lộ Mới, thấy nhiều tên lính ra đứng ở bờ kinh, cô Út ghé vào nhà người quen, cách hậu cứ Trung đoàn 14- Sư đoàn 9 chừng 400m. Chừng 20 phút sau, cô nghe tiếng pháo cối trong vùng giải phóng bắn, cô bước ra khỏi nhà, mắt nhìn về phía hậu cứ.
Trái đạn cối nổ long trời, khói lửa đất cát tưng lên có bựng chỗ hàng rào nhứt. Bọn lính ở bờ kinh chạy hết vô đồn, cô Út xuống xuồng chống nhanh về nhà ngoài chợ. Hai khẩu pháo 105 ly bắn nhiều phát vào hướng chúng nghi bộ đội đặt pháo, cô Út đi dưới làn đạn pháo nổ inh tai.
Trưa ngày hôm sau, cô Út từ ngoài chợ vô nhà Năm Lẹ, mới tới bến xuồng đã thấy Tám Thiện đứng chờ. Tám Thiện hỏi:
- Chiều hôm qua cô Út thấy trái đạn nổ ở đâu?
- Trái đạn nổ chỗ hàng rào nhứt, phải thêm chừng 50m nữa mới tới thành pháo binh.
- Hôm qua cô Út sợ không?
- Sợ chớ. Nhưng đã hứa với anh thì phải ráng làm gan đứng nhìn cho kỹ chỗ đạn nổ. Hồi sáng này, em qua lại chỗ hậu cứ 2 lần nhìn cho chính xác để vào đây báo với anh.
- Thay mặt anh em trong đơn vị xin cảm ơn cô Út. Tôi sẽ điều chỉnh cự ly bắn pháo. Chiến công trận đánh tới đây là của cô đó nghe!
Cô Út cúi đầu cười e thẹn. Khi Tám Thiện ra về, cô Út gởi 2 gói thuốc Ruby Queen nói tặng anh em hút cho vui.
Mấy hôm sau, đơn vị tổ chức pháo kích vào thành pháo binh và hậu cứ Trung đoàn 14- Sư đoàn 9, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Chiến công trong 2 trận pháo kích Chi khu Càng Long có phần đóng góp lớn của cô Út.
Bẵng đi chừng 20 ngày, Tám Thiện mới qua nhờ cô Út mua giùm đồ đạc. Lần này cô Út chủ động hỏi:
- Sao lâu quá không thấy mấy anh qua nhờ mua đồ đạc vậy?
- Mấy anh phải đi đánh trận ở Vũng Liêm, mới về đây hồi đêm hôm. Hai bác có khỏe không cô Út?
- Ba má em khỏe. Thấy mấy anh lâu qua, biết mấy anh đi đánh trận, em cũng lo cho mấy anh lắm đó!
Lần đầu tiên được nghe một cô gái nói lo lắng khi mình đi đánh trận, Tám Thiện bồi hồi xúc động, tim đập mạnh, máu dồn lên mặt. Một cảm giác vô cùng khó tả đến với anh. Anh nhìn cô Út với ánh mắt biết ơn. Hôm đó, 2 người nói chuyện với nhau nhiều và hợp với nhau lắm!
Từ giã cô Út, trên đường về trong đầu Tám Thiện luôn hiện bóng hình cô Út, văng vẳng bên tai câu nói “biết mấy anh đi đánh trận, em cũng lo cho mấy anh lắm đó!” Tám Thiện nghĩ trong bụng: Mấy anh ở đây chắc là mình quá!
(Còn tiếp)
(Mời xem trên CNVL kỳ tới)
TRUNG NGÔN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin