Kỳ 1: Người nhóm lửa

06:09, 01/09/2019

Trước ngày làng quê bừng sáng, dân làng tôi dường như chẳng ai biết vì sao mình nghèo khổ. Nghèo khổ truyền kiếp, tìm không ra lối thoát. Suốt đời chỉ hy vọng vào đấng siêu nhân cứu rỗi. 

Trước ngày làng quê bừng sáng, dân làng tôi dường như chẳng ai biết vì sao mình nghèo khổ. Nghèo khổ truyền kiếp, tìm không ra lối thoát. Suốt đời chỉ hy vọng vào đấng siêu nhân cứu rỗi.

Tận cùng cuộc đời, họ hy vọng kiếp sau. Vô cùng cơ cực mới khai phá được khoảnh đất hoang chưa hưởng huê lợi, bị cường quyền chiếm đoạt.

Chúng bắt ta thuê đất “của mình” để canh tác. Cứ ngỡ ổn… nào ngờ kẻ khác mướn cao hơn… Mình mất đất thêm một lần nữa. Dân cày không hề được hưởng chút thành tựu của xã hội.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

Rồi hàng đêm lặn mò ốc gạo, bắt cá, tôm dưới dòng Cửu Long… Những ngày dọn bãi bồi nơi cồn Tổng Bổn, bỗng dưng họ nghe những lời vô cùng mới lạ: chống xáo canh, thu tô, cướp đất. Dân cày được làm chủ đất của mình khai phá…

Những âm thanh đó, họ trực tiếp nghe được từ những người cùng cực như họ. Tức thì sự hiệu ứng xuất hiện, nhanh chóng lan tỏa; rồi hợp thành sự khẳng định đanh thép không cần nghĩ suy, đắn đo: “Thà chết vinh hơn sống nhục”. Thực trạng xứ cù lao quê tôi thời chưa có tự do là như vậy…

Dân làng tôi đặt tên xã từ sự sáp nhập 3 thôn cổ: Phú Thuận, Phú Hòa, Phú Mỹ thành Đồng Phú. Những cái tên đầy ước lệ: “cùng giàu”. Thể hiện sự độc đáo, văn minh, cao thượng.

Những người như Trần Văn Phối, Trần Văn Ký, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Văn Sáng,… là nông dân chất phác, chỉ biết chăm chỉ làm ăn. Được sinh ra lớn lên nơi xứ sở Đồng Phú đầy cách trở…

Từ Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, họ tạo nên biết bao sự kiện, góp phần phá bỏ gông xiềng… đem lại niềm tự hào cho dân quê tôi. Những niềm kiêu hãnh ấy hầu hết được “Trưng bày” bằng miếu, đền thờ, bia, tượng…

Biết bao biểu hiện khí phách hào hùng như cố tình dồn nén, nhằm trưng bày nơi trung tâm “đô hội” của xã nhà, như Bia 4 lần tay không hạ đồn giặc. Bia trận địa Trần Văn Bế. Bia trận đánh hợp đồng bốn xã, sát bót Cái xã Đồng Phú (trước cửa đình Phú Mỹ). Bia Diệt ác trong lòng địch (ngay cửa đồn giặc).

Trước tiên tôi xin giới thiệu ngôi Thần tượng miếu. Sau ngày làng quê bừng sáng. Trong dân làng có người tỏ bày: “Việc xả thân cho nước cho dân, cũng giống như đội bóng đá thi đấu: có “sao”, “siêu sao” không thể ghi nhận chung chung. Tiêu biểu, xuất sắc, biểu thị tinh thần dân làng thì gọi thần tượng phải được lập miếu thờ!”

Năm 2000, dân Đồng Phú thờ hai vị Trần Văn Phối và Nguyễn Văn Sáng trong ngôi miếu uy nghiêm, trên nền đất cao, quanh năm rợp bóng da rễ chùm, tạo nên dáng linh thiêng, cổ kính. Nhìn ngôi miếu, trong đầu tôi bỗng vang lên: “Có cái chết hóa thành bất tử”:

Ở một ngã ba sát bờ con rạch cạnh đình Phú Thuận thuộc xã Đồng Phú (Long Hồ) có một ngôi miếu quanh năm khói hương nghi ngút. Ngôi miếu bằng sắt được hàn cố định.

Nóc 4 mái lợp tôn giả ngói. Cao từ mặt đường 2,7m, rộng 1,5m. Bài vị, liễn, biển miếu làm bằng tôn dày sơn nền đỏ chữ đen: Trần Văn Phối thần vị”. “Nguyễn Văn Sáng thần vị”.

Thần tượng miếu có 2 tấm liển: “Hết lòng cho nước nghĩa lớn còn lưu”. “Trọn dạ vì dân hồn thiêng vẫn sống”. 2 bát cắm nhang. Bình cắm hoa. Chun cúng nước, cúng rượu. (Ngôi miếu để trống phía trước). Nổi bật giữa ngôi miếu là 2 di ảnh được tạo tác bằng đất sét nung.

Ở xã Đồng Phú có rất nhiều tấm gương kiên cường trong đấu tranh cách mạng. Song, hễ có ai nhắc tên Trần Văn Phối, Nguyễn Văn Sáng, thì mọi người tranh nhau kể say sưa đầy tự hào.

Họ vừa kể vừa bình luận, như bình luận cầu thủ bóng đá, tưởng chừng không bao giờ dứt. Lạ lùng thay, có người khác thế hệ, không trực tiếp nhìn thấy hành động hai vị này trước quân thù, mà cũng giành nhau kể. Nội dung được ghi lại trong lịch sử “Thần tượng miếu” như sau:

“Người nhóm lửa”

… Năm 1948, gia đình ông thợ Năm Xi từ chợ Ông Mẻ (xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Định Tường) bị giặc Pháp cùng một số đối tượng Hòa Hảo cực đoan khủng bố nên đùm túm sang ở đậu nhà ông “Bà Bếp Thơ” gần vàm Rạch Dứa (thôn Phú Thuận).

Ít lâu sau, ông thợ Năm Xi cùng các con che một cái chái bên cạnh để sinh hoạt thoải mái hơn. Gia đình ông thợ Năm Xi sống bằng nghề thợ bạc. Có 7 người con. Song chỉ có thợ Năm Xi với 2 người con Hai Phùng, Năm Phối là hay nói chuyện “quốc sự”, chuyện thời cuộc.

Thợ Năm Xi thường ra cồn chỗ vàm Rạch Dứa giăng câu bắt cá cải thiện bữa ăn. Một hôm, quân Pháp nả pháo làm ông Năm Xi chết tại chỗ.

Cha mẹ qua đời, như những cánh chim, các con thợ Năm Xi mỗi người bay mỗi hướng. Hai Phùng (Trần Văn Phùng) năm 1955 làm ủy viên cảnh sát cho chính quyền Ngô Đình Diệm tại xã Đồng Phú.

Năm Phối (Trần Văn Phối) mua được 2 công đất gần nhà ông bà “Bếp Thơ” cất một căn nhà thô sơ, cùng chung sống với người vợ tên “Tư Trầu” không con.

Ông không “kiếm” vợ khác để thực hiện: “Tam niên vô tử bất thành thê”. Căn nhà lá đơn sơ mà không bao giờ ngớt khách. Hầu hết khách là thanh niên. Họ đến để nghe anh Năm Phối nói chuyện thời cuộc. Khi đội văn nghệ thành lập, thì nhà anh là nơi tập dợt. Năm Phối vừa là đội trưởng, tác giả các loại kịch bản, là đạo diễn dàn dựng. Vợ chồng đều là diễn viên. Đội văn nghệ hoạt động gần 7 năm trời. Thời đó cả xã chưa có một lớp vỡ lòng. Việc biểu diễn văn nghệ vừa có ý nghĩa giáo dục nâng cao dân trí, vừa giáo dục ý chí quật cường của dân tộc; phê phán những tiêu cực trong quan làng, trong xã hội. Ý nghĩa của các việc làm này vô cùng đặc biệt. Tác dụng của đội văn nghệ là gây dựng mầm mống phong trào cách mạng thật vô cùng lớn lao.

Đầu năm 1961, quận trưởng Chợ Lách giao cho cảnh sát Trần Văn Phùng tuyển mộ 15 lính “dân vệ” bổ sung vào bót Cái Đồng Phú. Lúc đầu sự tuyển chọn lực lượng này nhằm vào những thanh niên có thân nhân với cán bộ cộng sản. Trần Văn Phối phê phán việc làm này một cách quyết liệt.

Năm Phối bảo rằng: “Tư tưởng này, rõ ràng ta xem thường kẻ thù!” Sau đó, ý đồ được thay đổi. Và chính Trần Văn Phối đã tuyển chọn những thành viên ưu tú trong đội văn nghệ đưa vào làm lính “dân vệ” xã Đồng Phú.

Vào đêm 7 rạng 8/4/1961, sau hơn 30 ngày cùng anh em làm lính “dân vệ”, Trần Văn Phối lãnh đạo anh em san bằng bót mang toàn bộ vũ khí quân dụng ra ngoài thành lập lực lượng võ trang cách mạng.

Thắng lợi này mở đầu khí thế phong trào đấu tranh của nhân dân xã Đồng Phú, góp phần giải phóng đất nước. Nó là sự chuẩn bị lâu dài, bền bỉ đầy nghệ thuật của vợ chồng Trần Văn Phối!

… Ngày nay, mỗi lần có ai nhắc đến Năm Phối, những người ở đây đều bảo: “Phối sống gần gũi mọi người. Ở Phối bao giờ cũng đều toát lên sức hấp dẫn trước quần chúng nhân dân.

Chẳng hề mích lòng đứa trẻ con nào!” Không ai biết Phối có “chức tước” gì trong hàng ngũ những người chống ngoại xâm.

Chỉ biết 3 lần chôn Phối (2 lần ở Đồng Phú, 1 lần chôn Phối ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long); bia mộ chỉ vỏn vẹn có hàng chữ “Trần Văn Phôi” (không có dấu sắc), dường như nhầm để thử thách người có ý tứ… hay quan tâm. Năm Phối với “Tư Trầu” là đôi vợ chồng rất tâm đồng ý hợp.

Chuẩn bị đi chiến đấu, vợ chồng họ bán hết nhà cửa, vườn đất chẳng chút lưỡng lự, để rảnh tay làm việc lớn. Dân làng còn biết, lực lượng phá cuộc bầu cử tổng thống 4/3/1955 (Ngô Đình Diệm) cũng do Trần Văn Phối tổ chức, chỉ đạo.

… Sau hơn tháng “tay không hạ đồn giặc” thành công, Phối trở về Đồng Phú lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Từ xã Mỹ Lợi, Cái Bè một đêm thức trắng bò qua lộ “Đông Dương”, luồn lách qua biết bao đồn bót giặc, vượt sông Cửu Long mênh mông biển nước về tới quê nhà.

Sáng tinh mơ, giặc đổ quân vây chặt bốn phía. Càn quét ác liệt. Quân ta chưa có kinh nghiệm chống càn. Địa hình trống trải; đồng trống (lúa mùa chưa cấy giặm). Một cánh đồng từ Rạch Nằm Ngang đến vùng đất Cai Vạn Độ, Mẫu Biện Tám, giặc đứng chen chân. Và Năm Phối lọt vào tay giặc.

Giặc biết Năm Phối là nhân vật chủ chốt, lợi hại trong phong trào cách mạng xã Đồng Phú, nên chúng rất hằn học trả thù. Chúng tra tấn anh từ sáng đến chiều, không moi được gì có lợi cho chúng. Dã man hơn, bọn giặc đưa Phối đến bến nước chợ Đồng Phú dìm anh để thị uy.

Chẳng kết quả. Chúng bắn chết anh rồi đem phơi nắng trước nhà lồng chợ Đồng Phú. Chúng còn nhét thuốc lá vào miệng, vào mũi anh.

Chúng đặt một băng mang dòng chữ: “Phản quốc”(?) trên ngực anh. Nhân dân tìm cách đem anh về làm lễ truy điệu tại đình Phú Thuận và an táng tại đó; gần xóm nhà vợ chồng anh. Anh hy sinh ngày 24/6 năm Tân Sửu (1961).

Kỳ sau: Người giữ ngọn lửa mới nhóm

NGUYỄN HỒNG TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh