Thưởng trà

Cập nhật, 06:16, Thứ Bảy, 31/08/2019 (GMT+7)

Không dễ có được loại trà shan tuyết chính gốc do những bà con dân tộc vùng Tây Bắc (Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn) thu hái từ những gốc trà cổ thụ ít ỏi và chế biến thủ công.

Mỗi năm sản lượng trà này rất ít, nên khi được người em đi Hà Giang về biếu cho thật quý; tự chuẩn bị thưởng trà độc ẩm trong sáng sớm, không gian yên tĩnh, thanh khiết và miên man nghĩ về những nét đẹp trong văn hóa thưởng trà.

Độc ẩm với trà shan tuyết (Hà Giang).
Độc ẩm với trà shan tuyết (Hà Giang).

Shan tuyết ngày nay không khó mua, với giá từ mấy trăm ngàn cho đến hàng triệu đồng mỗi ký; nhưng thật sự để có được những cọng trà chính gốc chế biến theo lối thủ công truyền thống, thật sự quý.

Trước đây, thỉnh thoảng cũng đặt qua mạng với công ty chuyên cung cấp trà shan tuyết, được cho là uy tín; chọn loại 900.000 đ/kg, tuy nhiên, có đôi lần chất lượng trà không ổn định và đây là loại trà được nhân giống đại trà và đã chế biến công nghiệp để cung cấp đủ nhu cầu thị trường, nên không thể bì loại shan tuyết phải lặn lội lên tận nơi để mua của đồng bào dân tộc trên đó vào đúng mùa thu hoạch.

Không khó để nhận diện shan tuyết bằng mắt, còn khi đã thưởng trà thì chắc chắn rằng hương vị của giống trà quý hiếm này thì không thể lẫn vào đâu được.

Rất vui khi được biết gần đây, những vùng trà cổ thụ này đã được công nhận di sản văn hóa, đây là cách để có thể bảo tồn tốt nhất có thể vừa không để bị giả mạo, lai tạp, vừa là điểm du lịch thú vị. Ở xứ trà đạo (Shadoo) Nhật Bản, những gốc trà tổ ở vùng trà nổi tiếng Shizưoka đều được công nhận di sản từng gốc và bảo vệ nghiêm nhặt.

Không biết được những loại trà cao cấp ở Nhật nó như thế nào, nhưng đối với loại matcha thường dùng trong các tiệc trà đạo ở vùng Bưnkokkư (Tokyo), với giá 5.000 yên (khoảng trên 1 triệu đồng) khách được uống… 1 chung trà, thì với cá nhân tôi loại matcha này còn lâu mới bì được shan tuyết của Hà Giang (hoặc Sơn La, Yên Bái).

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ là giá cả của chung trà, mà đó là tiệc trà, là văn hóa nó có cả phần nghi thức thưởng trà, thấu hiểu phần hồn cốt, tinh hoa phi vật thể nữa. Vậy mới thấy, loại tuyệt hảo trà xứ mình cho dù có mấy triệu đồng 1 ký vẫn xứng đáng với người biết quý, biết yêu trà trong nét đẹp đặc sắc của dân tộc.

Ngay khi mở gói trà đã thấy bày ra trước mắt vùng không gian của núi rừng Tây Bắc, những cọng trà được tẩm ướp không gian của độ cao ngàn mét, tinh khôi có lớp lông mao trắng mịn phủ trên búp trà mà thành shan tuyết rất đặc trưng, thoang thoảng mùi thơm ngọt nhẹ đem lại cảm giác thật khoan khoái.

Chỉ có thể chờ đợi đúng thời điểm của sáng sớm đầu ngày thật yên tĩnh, thanh khiết không gian mới có thể bày tiệc trà độc ẩm tự thưởng thức mà lâng lâng niềm khoái cảm.

Thưởng thức ấm trà đến nước thứ 3, thứ 4 shan tuyết vẫn giữ nguyên đặc vị của nó; đó là đặc tính mà các loại trà khác không có được.

Chung trà trắng xanh, có nhiều xác trà nhỏ li ti là lớp lông mao lẫn vào trong nước. Đưa chung trà ngang mũi trong làn khói bốc lên, thoảng nhẹ như mùi cỏ non mới cắt, chất vị chát rít mà không hề đắng đọng nơi đầu lưỡi và đọng lại vị ngọt nhẹ nhàng trong vòm họng.

Mùi thơm, vị chát, vị ngọt đặc trưng đó đọng lại thật lâu, thật quyến rũ và tinh tế. Vậy nên, người Nhật thưởng trà cần không gian của trà thất (chajitsư) đậm nét yên tĩnh, vô thường của thiền (Zen) để bắt nhịp cho sự hướng nội tâm hồn, để lắng đọng với tràn ngập suy tư cùng thư đạo (shodoo) và đơn lẻ của một cành ikebana (thuật cắm hoa).

Chúng ta không có trà đạo như Nhật Bản, cũng chẳng phải là nơi khai sinh tục uống trà như Trung Quốc; nhưng trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trà Việt đã trở nên vô cùng phong phú và… dễ dãi trong văn hóa ứng xử. Chúng ta có trà nóng, có trà đá, có trà giải khát, trà trong bàn khách, trà trong nghi thức thờ cúng trang trọng, trà để thưa chuyện, để tỏ bày…

Trà Việt hình thành nét đặc sắc riêng mà có cả sự bao trùm thâu tóm mọi ý nghĩa, hoàn cảnh từ đơn giản tới những nghi thức trang nghiêm của trà lễ. Hơn nữa, chúng ta có những vùng trà Tây Nguyên, Tây Bắc, có trà Thái Nguyên, trà sen Hà Nội… có thể tự tin giới thiệu một văn hóa trà Việt ra cùng thế giới. Vài suy nghĩ miên man cùng chung trà shan tuyết Hà Giang.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG