Truyện ký

Người trở về!

Cập nhật, 12:13, Thứ Bảy, 05/01/2019 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

Khi tôi đã biết khá nhiều tiếng Tàu thì ông bà lão kể lại chuyện gặp tôi như thế nào. Buổi sáng sớm hôm đó, họ ra mé biển để nhặt đồ vật trôi dạt vào thì gặp bè của tôi nằm trên cát, chỗ mép nước.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Nhìn thấy tôi còn cục cựa, họ xuống xem và cứu sống tôi. Ông bà lão nói mình không có con, nay trời ban phước cho một đứa con từ phương xa trôi dạt tới và bảo tôi làm con nuôi của họ.

Tôi cúi lạy nhận cha, mẹ nuôi. Từ khi có tôi phụ giúp, cha mẹ nuôi của tôi đời sống đỡ vất vả hơn. Nhiều lúc thấy tôi ngồi tư lự, sầu thảm, biết tôi nhớ người thân và quê nhà, cha mẹ nuôi tôi đã an ủi, bảo rằng thời điểm này nếu tôi về nước sẽ bị truy bắt, hãy sống ở đây ẩn nhẫn chờ thời cơ.

Tôi đã sống với cha mẹ nuôi được hơn ba năm. Một hôm cha mẹ nuôi kêu tôi đến nói rằng muốn cưới vợ cho tôi. Ở gần đây có cô A Muội nết na, cũng khá đẹp nhưng mới bị bên nhà chồng, trả về gia đình cha mẹ ruột vì lý do đã trên ba năm mà không có con!

Cha mẹ nuôi nói tiền cưới vợ thì con khỏi lo, vì mấy năm nay tiền con đưa cha mẹ chỉ lấy ra một ít mua gạo, còn phần lớn là giữ lại cho con. Tôi không ngờ cha mẹ nuôi quá chu đáo như vậy!

Cưới xong A Muội, cha mẹ nuôi của tôi rất vui mừng vì có được nàng dâu. Việc nội trợ nàng rất giỏi, lại biết chiều chuộng nhà chồng nên cha mẹ nuôi của tôi hài lòng lắm.

Tôi và A Muội sống rất hạnh phúc. Hai năm sau, chúng tôi có tin mừng là nàng đã có thai! Cuối năm đó, một nàng tiên nhỏ xinh đẹp ra đời, ông bà nội đặt tên cho nàng tiên nhỏ là A Tú.

Không thể tả xiết niềm vui sướng của gia đình tôi, nhất là ông bà nội! Theo thời gian, A Tú lớn dần, rất ngoan, xinh đẹp, dễ thương. Hai năm sau, A Muội sinh thêm một nàng tiên nhỏ nữa, cũng xinh đẹp như A Tú. Ông bà nội đặt tên cho nó là A Mỹ.

Cha mẹ nuôi của tôi vì tuổi già, sức yếu lần lượt qua đời, để lại căn nhà nhỏ cho tôi làm chủ. Khi A Tú lên mười tuổi thì vợ tôi lâm bạo bệnh mà qua đời, bỏ lại tôi và hai đứa con thơ dại với nỗi đau khổ đến tột cùng.

Thân gà trống nuôi con, tôi cố gượng dậy để thay A Muội chăm lo cho A Tú, A Mỹ. Đêm về, khi con ngủ say, tôi ngồi đối bóng với ngọn đèn khuya khóc cạn dòng nước mắt, nhớ thương người vợ hiền đã ngăn cách âm dương. Tôi với nàng đã có mười hai năm sướng vui, khổ cực cùng chung hưởng.

Trời già cay nghiệt nỡ chôn vợ tôi, để cho hai đứa con thơ yêu quý của chúng tôi phải vĩnh viễn xa rời vòng tay yêu thương của mẹ hiền!

A Tú rất ngoan, nó tập nấu cơm nước rất nhanh. Lên mười hai, mười ba tuổi nó đã thông thạo làm việc nhà.

Khi lên mười lăm tuổi, A Tú xin tôi cho mở tiệm chạp phô để bán cho cư dân xóm biển nơi tôi ở. Nó có duyên mua bán, tiệm chạp phô ngày càng đắt khách, thu nhập cũng khá.

A Tú và A Mỹ không cho tôi làm thuê nữa để giữ gìn sức khỏe, chỉ phụ chúng nó trông tiệm nên thân già này đỡ khổ. Càng lớn lên, A Tú càng giỏi giang, xinh đẹp.

Năm nó mười tám tuổi, ông bà chủ tiệm chạp phô ở chợ huyện nhờ mai mối xuống gặp tôi xin cưới A Tú cho đứa con trai một của họ. Cậu ấm của họ đã phải lòng A Tú từ lâu.

Khi bà mai ra về, tôi hỏi A Tú thì nó đồng ý. Chúng nó đã quen biết nhau khi A Tú đến tiệm chạp phô đó bổ hàng nhiều lần. Sau đám cưới, A Tú cũng thường xuyên về thăm tôi và em nó.

A Mỹ lớn lên cũng xinh đẹp, giỏi bán buôn như chị nó. Năm nó lên mười sáu, ông bà thông gia của tôi mai mối A Mỹ cho con trai một người bạn của họ cũng làm nghề mua bán.

A Mỹ chỉ lo ngại khi nó theo chồng rồi bỏ lại tôi một mình cô đơn, hiu quạnh! Tôi bảo con cứ yên tâm, cha còn tự lo cho mình được.

Khi A Mỹ đã yên bề gia thất, chúng nó sống rất hạnh phúc, còn lại tôi vò võ một mình. Lúc đó nỗi nhớ quê nhà, nhớ người thân bùng lên mãnh liệt. Lúc trước, tôi không dám về nước vì sợ bọn Phú Lang Sa và bọn ngụy binh lùng bắt, sau đó vướng bận vợ con.

Giờ là lúc phải về, chim Việt đậu cành Nam, cáo chết quay đầu về núi mà! Huống chi thời gian đã trôi qua hơn hai mươi sáu năm, tôi bây giờ trông giống như người Tàu rồi, không ai nhận ra mình nữa đâu!

Khi A Tú và A Mỹ biết ý định này của tôi, chúng nó khóc như mưa, nằng nặc xin cha ở lại. Thấy tôi quá cương quyết, chúng nó buộc phải đồng ý cho tôi về cố hương!

Tôi gom góp tiền bạc, hành lý xuống bến tàu ở Quảng Đông xin đi nhờ tàu buôn về Việt Nam.

Hôm tôi xuống tàu về nước, A Tú và A Mỹ ra tiễn, chúng nó khóc, xỉu lên xỉu xuống vì chuyến đi này của tôi không biết cha con có còn gặp lại hay không! Tôi chết lặng trong lòng, nhưng bấm bụng chia tay hai núm ruột của mình bước lên tàu trở về cố quán!

Chiếc tàu buôn đã cập bến cảng Đà Nẵng. Tôi trào dâng nước mắt, vui sướng biết bao khi được đặt chân lên Tổ quốc của mình, được nhìn thấy người, cảnh vật và nghe tiếng nói thân thương của đồng bào mình!

Tôi trở về quê cũ. Cảnh vật nơi đây đã đổi khác, tìm lâu lắc mới nhận ra được nơi nhà tôi ở ngày trước, nay người khác lạ hoắc lạ huơ cất nhà trên đó.

Thật là cảnh thương hải hóa tang điền! Tìm gặp các cụ ở lân cận khi xưa, nói rõ thân thế của tôi thì các cụ nhận ra. Các cụ nói sau khi tôi bị đày ra Côn Lôn mấy năm sau thì bọn Phú Lang Sa và ngụy binh kéo đến lùng sục tìm bắt tôi, chúng nói rằng tôi đã vượt ngục.

Chờ mãi không thấy tôi về, mọi người đều đoán là tôi chết trên biển và làm đám giỗ cho tôi. Cha mẹ tôi vì đau buồn nên lâm bệnh, lần lượt qua đời. Anh chị em tôi đã theo ghe bầu vào Vĩnh Long là vùng đất mới ở phương Nam lập nghiệp. Các cụ chỉ nơi chôn cất cha mẹ tôi.

Tôi vội đến nơi ấy, một quang cảnh thê lương, ảm đạm hiện ra trước mắt: Hai ngôi mộ đất đầy cỏ dại, dây leo mọc phủ lên trên!

Tôi khóc nấc, gọi: “Cha mẹ ơi, con của cha mẹ là Năm Khoa đã về đây!” Tôi mượn cây leng dọn sạch cỏ, dây leo, vun đắp thêm cho hai nấm mộ. Tôi nghĩ bụng: Nơi cố hương này không còn ai là người thân nữa, phải đi vào phương Nam tìm anh chị em ruột thịt của mình thôi!

Tôi đi nhờ ghe bầu vào Vĩnh Long. Chủ ghe nói đã vào vùng này nhiều lần để mua bán, trên tuyến sông Măng Thít có nhiều người quê ở Điện Bàn đến khẩn hoang và định cư, bảo tôi đến đó có cơ may tìm gặp được người thân.

Nghe lời chủ ghe, tôi lên vàm sông Măng Thít, hỏi thăm những người lớn tuổi. Họ bảo tôi hãy đi dọc theo bờ sông vào sâu phía trong, có nhiều người quê Điện Bàn ở trong đó. Đã qua hai ngày dò hỏi vẫn không có ai biết người thân của tôi ở đâu.

Sáng nay, hỏi thăm một chú ở gần đây thì chú biết và chỉ ngay nhà này. Chú còn nói hôm nay đám giỗ bác Năm của chủ nhà, vợ chú cũng đang đi dự đám giỗ đó. Đến nhà này, mừng vì tìm được người thân, tủi vì thấy tấm bài vị thờ mình và người thân đang cúng giỗ mình, không dằn lòng được nên tôi đứng khóc. Chuyện của tôi là như thế đó!”

Nghe kể về cuộc đời gian truân của ông Năm Khoa, mọi người không ai cầm được
nước mắt.

Ông Bảy Quý nói:

- Nghe cha cháu kể lại, ông bà nội nhiều năm chờ đợi bác về mà vẫn không thấy, đoán rằng bác đã chết trên biển. Ông bà nội lấy đại một ngày trong mùa gió chướng làm ngày giỗ của bác.

Ông bà nội mất, cha cháu vẫn cúng giỗ bác và dặn con cháu phải giữ lấy lễ giỗ này, vì bác Năm là người có khí phách anh hùng dám chống giặc Phú Lang Sa, dòng họ rất tự hào về bác! Nhờ Trời Phật, ông bà tổ tiên linh thiêng phò hộ, hôm nay người ngỡ là đã chết trở về bằng xương, bằng thịt ngay trong ngày giỗ của mình, đây là chuyện rất hi hữu. Bác hãy ở lại với chúng cháu luôn nghe bác Năm!

- Ừ, bác sẽ ở lại luôn với các cháu. Bác muốn những năm tháng cuối đời được sống trong nước Nam thân yêu; tấm thân già này khi chết phải được chôn nơi Tổ quốc của mình!

Ông Năm Khoa sống với gia đình ông Bảy Quý được ba năm thì mất, ông an nghỉ ở Gò Ân Nước Xoáy.

*

* *

Ông Bảy Quý sau đó về vàm Cái Cui của làng Chánh Hiệp lập nghiệp, con cháu ông hàng năm đều về Gò Ân Nước Xoáy tảo mộ cho ông Năm Khoa. Lễ giỗ của ông Năm Khoa- người nghĩa quân Cần Vương năm xưa- vào ngày mùng sáu tháng năm âm lịch, trăm năm nay vẫn được duy trì và con cháu rất tự hào khi nhắc đến cuộc đời gian truân mà oai hùng của ông.

Noi gương tiền nhân xả thân cứu nước, hai người con trai của ông Bảy Quý nghe theo lời kêu gọi chống giặc ngoại xâm của Bác Hồ đều tham gia Việt Minh chống Pháp; cháu nội ông Bảy Quý có sáu người tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước- đã có ba người là liệt sĩ, một người là thương binh; nhiều cháu cố của ông vào bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; nhiều chắt của ông đang trong lực lượng vũ trang bảo vệ biên giới, hải đảo.

Làng Chánh Hiệp- nay là xã Hòa Hiệp- nơi cháu con ông Năm Khoa, ông Bảy Quý sinh sống nằm cạnh con sông Măng Thít hiền hòa năm xưa là vùng quê nghèo khó, nay đồng xanh ngát mắt, đường nông thôn mở rộng xe chạy bon bon.

Những căn nhà khang trang, kiên cố ẩn trong vườn cây trái chín trĩu cành, hương thơm ngan ngát. Lớp trẻ lớn lên cùng bà con xây dựng quê nhà ngày càng đẹp tươi hơn!

TRUNG NGÔN