Quốc Cơ, Quốc Nghiệp: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh"

Cập nhật, 12:20, Thứ Tư, 02/01/2019 (GMT+7)

Hoàn toàn có thể xem Quốc Cơ, Quốc Nghiệp là dẫn chứng điển hình cho câu nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

    Xuất thân và trưởng thành từ sân khấu múa, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp được khán giả cả nước nhắc đến trong tư thế những người nghệ sĩ. Nhưng trong một chừng mực nào đó vẫn có thể xem họ như một cái gạch nối giữa thể thao và nghệ thuật. Điều quan trọng hơn, trong hành trình chinh phục những đỉnh cao, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã để lại cho các vận động viên (VĐV) thể thao những bài học rất đáng suy ngẫm.

    Dẫu không nhận được nhiều sự quan tâm từ báo giới như những ngôi sao sân cỏ, nhưng qua truyền thông, khán giả cả nước vẫn biết cặp anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã giành được không ít giải thưởng trong nghệ thuật biểu diễn: Giải vàng Liên hoan Xiếc quốc tế tại Việt Nam năm 2010; Giải Sư tử bạc tại Liên hoan Xiếc quốc tế Ngô Kiều tại Trung Quốc năm 2011; Giải Gấu bạc tại Liên hoan Xiếc quốc tế ở Nga năm 2012…

    Nhưng đỉnh cao sự nghiệp của cặp “Hoàng tử xiếc Việt Nam” đến thời điểm này vẫn là vị trí trang trọng trong sách Kỷ lục Guinness thế giới, được thiết lập tại Tây Ban Nha năm 2016: “Chồng đầu, bịt mắt” lên - xuống 10 bậc thang trong 53,97 giây (vượt xa thời gian khống chế 1 phút từ Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới). Trước đó, anh em Cơ - Nghiệp cũng xác lập kỷ lục thế giới (tại Girona, Tây Ban Nha) với bài biểu diễn tương tự, chỉ khác một chút về nội dung: Đi hết 90 bậc thang trong vòng 52 giây, nhanh gấp 4 lần cặp đôi Trung Quốc.

    Để thực hiện những bài biểu diễn ngắn ngủi chưa đầy 1 phút, thật khó tin là Cơ - Nghiệp phải tập đi tập lại hàng nghìn lần trong suốt 15 năm và không ít bận gặp sự cố, tưởng chừng phải giã từ sự nghiệp.

    Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nhắc đến ở đây không phải hành trình khổ luyện 15 năm, bởi xét cho cùng, trong giới VĐV, chuyện đầu quân cho các lò đào tạo từ độ tuổi “học tiểu học” không hiếm. Thậm chí, như chia sẻ của giới “quần đùi áo số”, không ít người trong số họ đã làm quen với quả bóng tròn từ lúc “đi mẫu giáo” và quá trình rèn luyện, thật khó nói ai cực nhọc, vất vả hơn ai. Với các VĐV, dù là bóng đá, điền kinh, hay cầu mây, võ thuật… một chấn thương hoàn toàn có thể khiến họ “đi đứt” cả sự nghiệp. Song, để sống với đam mê chỉ bằng mức lương “bèo bọt” thì không phải ai cũng có đủ dũng khí.

    Thật vậy, như thừa nhận của chính những “người trong cuộc”, anh em Cơ - Nghiệp hiện là “người nhà nước”. Cơ quan chủ quản (Nhà hát nghệ thuật Phương Nam) chỉ trả cho họ khoản “lương cứng” trên dưới 4 triệu đồng/tháng.

    Con số này dễ khiến khán giả liên tưởng tới một status của Quách Công Lịch. Cách đây chưa lâu, trên facebook, “ngôi sao điền kinh” này không giấu giếm ý định rời bỏ đường chạy để tìm đến một công ty xin làm… bảo vệ. “Nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, không gì khác chính là tiền lương tháng 4 - 5 triệu không thể đảm bảo cho anh một cuộc sống ổn định (chưa nói tới chuyện chăm lo, hỗ trợ gia đình).

    Nhưng đó là những gì thuộc về quá khứ, tại hội nghị phản biện xã hội nhằm chuẩn bị cho Đề án Về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM tổ chức ngày 5/9/2018, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã nhìn thấy… ánh sáng cuối đường hầm. Đó là trong Đề án có một chi tiết rất quan trọng là ngoài tiền thưởng, nếu thành công thì người có tài năng đặc biệt sẽ được nhận mức lương khoảng 20-30 triệu đồng/tháng.

    Dĩ nhiên, từ “chủ trương” đến “thực tế” vẫn là khoảng cách đôi khi khá xa; thêm nữa, rất khó để phân định tiêu chí “người có tài năng đặc biệt”. Trong số hàng nghìn VĐV thể thao chuyên nghiệp nước nhà, số người “có tài năng đặc biệt” xem ra chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng chúng tôi tin rằng, nếu được hỏi, đa số khán giả sẽ đồng tình xếp anh em Cơ - Nghiệp vào nhóm “có tài năng đặc biệt” và họ hoàn toàn xứng đáng nhận được những đãi ngộ vượt định mức.

    Vậy thì trong thời gian chờ đợi Đề án được thông qua, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp có thể kiên định với con đường đã chọn? Xin thưa là họ “dư sức qua cầu”, bởi trong một lần giãi bày với báo giới, Quốc Cơ từng úp mở: “Khán giả nên suy nghĩ lại về việc diễn viên xiếc không có thu nhập cao. Nếu tìm hiểu sẽ biết chúng tôi có cuộc sống như thế nào!”.

    Thực ra chẳng cần “tìm hiểu thêm”, người hâm mộ ít nhiều cũng có được đáp án: Tiền thưởng từ cả chục giải thưởng danh giá dù không giúp Cơ - Nghiệp “một bước lên đại gia” nhưng cũng có thể giúp họ toàn tâm toàn ý với nghề, không phải quá “lăn tăn” với nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền thường trực!

    Hoàn toàn có thể xem Quốc Cơ, Quốc Nghiệp là dẫn chứng điển hình cho câu nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”!.

    Theo Phạm Hoàng/Báo VOV