Truyện ký: Người trở về!

Cập nhật, 09:13, Chủ Nhật, 30/12/2018 (GMT+7)

TRUNG NGÔN

(Tiếp theo kỳ trước)

Ở trong ngục Côn Lôn được ba năm, tôi và một số bạn tù khi bị bắt đi đập đá, đốn gỗ thì không phải đeo xiềng nữa. Các anh em bàn với nhau kế hoạch vượt ngục về đất liền, thà chết trong bụng cá mập chớ không cam tâm chết dần chết mòn trong cảnh tù đày.

Chúng tôi bí mật đốn tre, nứa, bứt dây mây rừng giấu kỹ. Bí mật bớt phần cơm ít ỏi của mình đem phơi khô, chặt ống tre làm ống đựng nước để ăn uống trong lúc vượt ngục. Mùa gió chướng đã tới.

Chúng tôi đem tre nứa dây mây ra gần mé biển bí mật kết thành mấy chiếc bè nhỏ ba người khiêng được. Mọi việc chuẩn bị xong, chỉ còn chờ thời cơ đến là chúng tôi vượt ngục.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Hôm đó, chúng tôi đang đốn gỗ trong rừng thì trời mưa to gió lớn, bọn lính tụ lại trú mưa. Thời cơ đã đến! Chúng tôi nhanh chóng chạy đến chỗ cất giấu mấy chiếc bè nhỏ khiêng xuống mé biển kết lại thành một chiếc bè lớn. Ba anh em chúng tôi lấy mấy cây sào xô chiếc bè ra xa bờ.

Dòng nước biển và gió đẩy bè trôi đi, sóng biển to đánh tràn qua bè. May mà chúng tôi đã lường trước, lấy dây mây buộc ngang người, một đầu dây buộc vào chiếc bè nên không bị sóng đánh văng xuống biển. Trận mưa kéo dài mấy canh giờ, hết mưa lớn đến mưa nhỏ, trời âm u, tầm nhìn xa chỉ thấy vài trăm thước.

Đến khi trời quang mây tạnh thì chúng tôi đã trôi xa, nhìn lại thấy đảo Côn Lôn mờ mờ xa. Chúng tôi vái van Trời Phật, Đông Hải Long Vương, xin độ cho chúng tôi vượt biển an toàn.

Đã qua bốn ngày đêm trôi dạt trên biển bị sóng dồi gió dập, chúng tôi vẫn chưa thấy đất liền, không biết dòng nước biển đưa mình đi đâu, có bị trôi hoài trên biển hay không! Lương thực và nước uống dự trữ đã hết.

Qua ngày thứ sáu rồi ngày thứ bảy, chúng tôi vẫn trôi trên biển. Cái đói cồn cào làm chúng tôi hết sức khổ sở, nhưng cái cảm giác khát nước lâu còn kinh khủng hơn nhiều. Miệng khô, lưỡi đắng, môi sưng vù, mắt mờ lõm sâu vào, tay chân rũ riệt, không còn miếng nước tiểu nào để mà uống!

Ai cũng cầu Trời khẩn Phật, Đông Hải Long Vương xin ban cho một cơn mưa, nhưng nhìn lên chỉ thấy trời xanh thăm thẳm, ông mặt trời cứ đổ lửa xuống thiêu đốt chúng tôi! Hy vọng được sống cạn dần, trôi trên biển nước mênh mông mà đành phải chịu cảnh khát nước nằm chờ chết, thật oái oăm thay!

Đến trưa ngày thứ tám, trên bè chúng tôi đã có một người chết vì say nắng và mất nước. Đến trưa ngày thứ chín, chết thêm một người nữa. Nhìn thấy họ chết thảm lắm, tay chân co giật, thở gấp một hồi rồi đi xuôi luôn! Qua đến đêm thứ chín, tôi cũng chỉ còn thở thoi thóp, nửa tỉnh nửa mê!

Một dòng nước ngọt chảy qua làn môi khô khốc vào cái miệng đắng nghét của tôi. Tôi ngậm lại và nuốt. Dòng nước ngọt tiếp tục chảy vào miệng tôi. Tôi lờ mờ có cảm giác. Phải chăng đây là nước Cam lồ của Cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát đã thương tình cứu độ cho tôi?

Tôi mở mắt, ánh nắng chói vào, tôi thấy mờ mờ có hai người giống cha mẹ tôi đang nâng đầu tôi lên rót nước vào miệng cho tôi, tôi ú ớ kêu “cha mẹ ơi!” Dần dần tôi nhìn rõ hơn. Đó là hai ông bà lão có gương mặt phúc hậu.

Thấy tôi đã tỉnh, ông lão để bà lão ở lại với tôi, còn ông quay đi. Một lúc sau, có mười mấy người đi đến chỗ tôi nằm. Họ chỉ trỏ vào tôi, nói xí xô xí xào, tôi không biết họ nói gì. Nhìn cách ăn mặc và nghe nói chuyện, tôi đoán mò chắc họ là người Tàu. Tôi đã trôi dạt đến tận bên Tàu!?”

Nghe đến đây mọi người ồ lên, ông Bảy Quý nói:

- Bác Năm thật là phước lớn mạng lớn, lúc mạng sống như chỉ mành treo chuông thì đã được Trời Phật độ trì!

Ông Năm Khoa kể tiếp:

“Ông lão nói gì đó với đám đông người, rồi chỉ tay lên bờ. Tôi thấy mọi người gật đầu ra vẻ đồng tình. Hai người thanh niên vạm vỡ cúi xuống xốc nách tôi lên, kè tôi lên bờ, đưa vào một căn nhà nhỏ.

Họ đặt tôi nằm trên một chiếc giường nhỏ, xong, mọi người kéo nhau về. Bà lão xuống bếp lúi húi hồi lâu, bưng lên một chén cháo loãng, múc từng muỗng vừa thổi vừa bón vào miệng tôi.

Hình ảnh đó sao giống như mẹ tôi chăm sóc tôi hồi còn nhỏ khi bị đau bệnh! Tôi xúc động chực khóc, nhưng lúc đó mắt còn ráo hoảnh, không có giọt nước mắt nào! Bón xong chén cháo, bà lão ra dấu bảo tôi nằm nghĩ.

Tôi nằm một lúc rồi ngủ thiếp đi. Chừng tỉnh lại tay chân đã cử động được nhưng rất yếu ớt. Thấy hai ông bà lão ngồi nhìn, tôi cố gượng dậy sụp xuống đất lạy tạ ơn cứu mạng. Ông bà vội ngăn tôi lại, ra hiệu bảo tôi hãy nằm nghỉ tiếp. Được ông bà lão chăm sóc cho ăn uống, hai ngày sau tôi đã tỉnh táo, đi đứng được. Ông bà lão ra dấu bảo tôi hãy ở lại, họ đối xử với tôi như con ruột. Tôi bắt đầu học nói tiếng Tàu.

Khi tôi đã thật khỏe, ông lão dẫn tôi đi phụ việc, ai mướn gì làm nấy. Tiền công tôi đem về đưa hết cho ông bà lão. Tôi nghĩ ông bà là ân nhân cứu mạng, tôi phụ giúp và phụng dưỡng họ đó là lẽ thường tình. Ông bà lão để lại cho tôi giữ một phần tiêu xài, còn lại thì họ cất giữ.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)