Truyện ký: Người trở về!

Cập nhật, 06:15, Thứ Bảy, 15/12/2018 (GMT+7)

Gió chướng thổi mạnh, nước lũ theo sông Măng Thít dâng cao, vùng đất mới Gò Ân Nước Xoáy phần lớn bị ngập nước. Căn nhà nhỏ của ông Bảy Quý nhờ cái nền đắp cao nên còn khô ráo, chung quanh nhà ngập nước sâu hai, ba tấc. 

Đường sá đi lại rất khó khăn, phải lội lõm bõm. Mấy cái ao nuôi cá không kịp be bờ cá đã thoát ra hết ngoài sông. Nhiều loại cây trồng vàng úa lá!

Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG
Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG

Hôm ấy trời mưa rả rích. Trên cái bàn thờ làm bằng những thanh tre ghép lại, mâm cơm cúng giỗ người quá cố đã được con cháu bưng lên bày biện xong.

Ông Bảy Quý mặc áo dài khăn đóng, thắp ba nén nhang, rót ba chung rượu cúng, van vái người quá cố về ăn cơm, uống rượu. Ông sụp xuống lạy bốn lạy.

Xong, ông quay ra để kêu con cháu lên lạy người quá cố. Chưa kịp kêu con cháu thì ông rất ngạc nhiên khi nhìn ra thấy một ông Khách trú mặc áo xí xẩu, đội nón rộng vành chóp nhọn, đang đứng trước cửa nhà ông nhìn vào và khóc. Ông Bảy Quý vội hỏi:

- Ông Khách ơi, sao ông đứng trước cửa nhà tôi nhìn vào mà lại khóc vậy?

Ông Khách trú trả lời bằng giọng nói vùng Quảng Nam:

- Tôi đi tìm người thân!

- Người thân của ông là ai, tên gì, ở đâu?

- Người em ruột thứ sáu của tôi tên Nguyễn Văn Cử, quê gốc Điện Ngọc (Điện Bàn- Quảng Nam). Chú ấy đã vào Nam mấy chục năm rồi.

Nghe đến đó, ông Bảy Quý hết sức ngạc nhiên, trố mắt nhìn người Khách trú rồi trả lời:

- Ông Sáu Cử đã mất mười hai năm rồi. Tôi là con thứ bảy của ông Sáu Cử đây!

Người Khách trú khóc òa lên, một lúc sau mới nói được:

- Bác là Nguyễn Văn Khoa, là bác ruột thứ năm của cháu đây!

Ông Bảy Quý thụt lùi lại, run lập cập, sửng sốt trố mắt nhìn người Khách trú một hồi lâu rồi lắp bắp nói:

- Ông Khách nói sao? Bác Năm Khoa của tôi đã chết mấy chục năm rồi mà! Hôm nay tôi đang cúng giỗ bác ấy đây này. Không lẽ ông là người chết hiện hồn về đây hay sao? Hay là ông Khách nghe ai nói tên cha tôi, bác tôi rồi nhận xằng như vậy?

Thấy ông Bảy Quý nhìn mình với vẻ sợ sệt, người Khách trú nói:

- Bác là Năm Khoa thật mà! Bác vẫn còn sống sờ sờ bằng xương bằng thịt chớ không phải là hồn ma bóng quế hiện về đâu!

Thấy ông Bảy Quý vẫn còn bán tín bán nghi, ông Khách trú kể vanh vách tên cha mẹ, anh chị em ruột, bà con chú bác cô dì của mình. Nghe xong, ông Bảy Quý khóc òa lên, chạy đến ôm chặt người Khách trú, nói:

- Trời ơi, bác là bác Năm của cháu thật rồi. Bác còn sống mà gia đình cháu đã làm cho bác mấy chục lễ giỗ rồi!

Hai bác cháu ôm nhau mà khóc. Nãy giờ, chị em, vợ con của ông Bảy Quý đã đứng nghe và hiểu hết câu chuyện. Mọi người vẫn còn run, òa lên khóc vì vui mừng, đến nắm tay, vuốt ve ông Năm Khoa.

Ông Bảy Quý lấy tấm bài vị thờ ông Năm Khoa xuống bảo vợ đem đốt và nói trong niềm hân hoan:

- Nhờ trời đất, tổ tiên, ông bà phù hộ, hôm nay người ngỡ là đã chết trở về. Đang cúng giỗ bác Năm thì bác Năm trở về bằng con người thật. Mời bác Năm ăn bữa cơm cúng này chung vui cùng con cháu. Cơm nước xong xin bác Năm kể chuyện của bác cho tụi cháu nghe nhé!

Ông Năm Khoa cười sảng khoái, nói:

- Ừ. Tôi sẽ kể chuyện của tôi cho các cháu nghe. Còn các cháu phải nói rõ tại sao lấy ngày hôm nay làm ngày giỗ của tôi? Thôi, trưa rồi, mình ăn cơm đi, đói lắm rồi!

*

* *

Cơm nước xong, mọi người ngồi vây quanh nghe ông Năm Khoa kể chuyện:

… Vua Hàm Nghi là vị minh quân có khí phách anh hùng. Căm phẫn trước việc quân Phú Lang Sa xâm lược, Ngài cùng với phe chủ chiến trong triều đình tổ chức đánh úp quân Phú Lang Sa ở đồn Mang Cá, diệt được nhiều tên giặc.

Nhưng khi quân Phú Lang Sa phản công, quân ta không chống đỡ nỗi, bị thiệt hại rất lớn. Quan Đại thần Tôn Thất Thuyết phải đưa xa giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở (Quảng Trị). Đức Vua xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi dân chúng phò vua cứu nước.

Đã có nhiều cuộc khởi nghĩa dưới ngọn cờ Cần Vương, nhưng phần lớn các cuộc khởi nghĩa này bị bọn Phú Lang Sa dìm trong biển máu!

Cuối năm đó, giặc Phú Lang Sa đưa quân đánh chiếm Quảng Nam, bao vây tiêu diệt lực lượng chủ chiến của quân ta. Quân ta chống trả quyết liệt, nhưng với vũ khí là giáo, gươm, súng hỏa mai… làm sao địch nổi với súng đồng, đại bác của giặc Phú Lang Sa.

Quân ta tử trận rất nhiều, số còn lại lợi dụng bóng đêm lẩn trốn ra ngoài. Sau đó họ rút vào rừng núi, tập hợp lại thành nghĩa quân Cần Vương tiếp tục chống Phú Lang Sa.

Thủ lĩnh của họ là ông Nguyễn Hàm- một nghĩa sĩ của vùng đất Quảng. Họ đã có nhiều trận đánh lớn nhỏ, gây nhiều thiệt hại cho quân Phú Lang Sa và bọn ngụy binh của triều đình vua bù nhìn Đồng Khánh.

Giặc Phú Lang Sa và bọn ngụy binh tăng cường càn quét, khủng bố, bắn giết đồng bào của mình. Chúng đi đến đâu gieo rắc đau thương, chết chóc đến đó.

Đàn bà con gái bị chúng hãm hiếp, ông già bà lão thì bị đánh đập, tra hỏi tung tích Nghĩa quân. Số trai tráng bị bắt, chúng vu là nghĩa quân và bị tra khảo, bắn giết.

Tôi phải trốn chui trốn nhủi để tránh quân giặc, không làm ăn gì được. Căm thù quân xâm lược, tôi lên rừng tìm và gia nhập nghĩa quân Cần Vương.

Cuộc sống của nghĩa quân lúc đó hết sức vất vả, ăn đói, mặc rét, nhưng không ai nản chí, chỉ quyết tâm diệt được quân thù.

Anh em chúng tôi mấy lần phục kích diệt được một số tên giặc Phú Lang Sa và ngụy binh đi bình định. Hơn một năm sau, giặc Phú Lang Sa huy động lực lượng rất đông bao vây, tấn công căn cứ Trà My của nghĩa quân chúng tôi.

Nghĩa quân chống trả quyết liệt, bố trí nhiều trận địa liên hoàn, dùng ong vò vẽ, bãi chông, mang-ên, tên độc đánh địch, làm cho chúng bị thương vong rất nhiều.

Trước đó, các anh nghĩa quân người Xơ Đăng, Cơ Tu đã nhân đàn thêm nhiều tổ ong vò vẽ, tẩm độc tên cho chúng tôi, nay nó là vũ khí cực kỳ lợi hại.

Chúng tăng cường thêm quân bao vây chặt. Nghĩa quân đã mấy lần tập trung mở đường máu thoát vây nhưng không được, quân ta bị thiệt hại nặng, chỉ còn lại không được trăm người.

Vòng vây ngày càng siết chặt. Đến ngày thứ tám chúng tập trung đánh dứt điểm. Tôi bị trúng một viên đạn bị thương ở tay phải. Đây, vết thương đó nè!”- ông Năm Khoa vén tay áo chỉ cái sẹo vết thương cho mọi người xem.

(Còn tiếp)

(Mời đón xem trên VLCN kỳ tới)

TRUNG NGÔN