Trần Mộng- nhà sáng tác kịch bản sân khấu cải lương tâm huyết, yêu nghề

Cập nhật, 15:15, Thứ Bảy, 10/11/2018 (GMT+7)

Nhà sáng tác kịch bản sân khấu cải lương Trần Mộng (mọi người thường gọi ông với tên thân mật là Tám Mộng) năm nay đã ở vào tuổi 88. Thế nhưng ông vẫn gắn bó với nghề, vẫn sáng tác những kịch bản phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng đất nước.

Ông là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam- người được kết nạp sớm nhất ở tỉnh Vĩnh Long, từ năm 1980- khi ông là Trưởng Đoàn Cải lương Cửu Long. Hiện ông là Phân hội phó Phân hội Nghệ sĩ sân khấu thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long,

Đồng chí Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm nghệ sĩ Trần Mộng. Ảnh: Internet
Đồng chí Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm nghệ sĩ Trần Mộng. Ảnh: Internet

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê kháng chiến tại xã Mỹ An Hưng (nay là xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò- Đồng Tháp), từ năm 1945, khi vừa 16 tuổi, ông đã tham gia công tác Đoàn ở xã và đảm nhận nhiệm vụ Xã Đoàn trưởng Thanh niên cứu quốc xã Mỹ An Hưng.

Năm 1952, ông được điều sang lực lượng vũ trang huyện Lai Vung, được trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù, lòng ông rất phấn chấn.

Nhưng sau Hiệp định Genève 1954, ông được phân công ở lại miền Nam hoạt động. Dù lòng rất muốn tập kết ra Bắc để được học tập mở rộng kiến thức, đặc biệt là những hiểu biết về miền Bắc xã hội chủ nghĩa nhưng ông chấp hành sự phân công của Đảng, ở lại miền Nam tham gia chiến đấu thông qua hoạt động văn nghệ…

Ông nhanh chóng thích nghi với nhiệm vụ mới, làm kép hát của nhiều đoàn cải lương (hồi ấy gọi là gánh hát).

Đến năm 1961, ông sáng tác được nhiều bài ca cổ, chập cải lương với nội dung yêu hòa bình, chống địa chủ tăng tô, xáo canh, ca ngợi người yêu nước, thương dân.

Ông có giọng ca mùi nổi tiếng trong vùng Sa Đéc, Vĩnh Long thời ấy, được khán giả rất ái mộ nên không ít đoàn cải lương vùng ĐBSCL mời diễn.

Ông tận dụng lợi thế này, rèn luyện trở thành kép hát giỏi, nhập thân sống với nhiều đoàn cải lương để tránh tai mắt địch theo dõi, khéo léo vận động các bầu gánh và nghệ sĩ không diễn những kịch bản mang nội dung phản động do bọn tâm lý chiến sáng tác.

Năm 1961, tại quê hương xã Mỹ An Hưng, Đảng ủy chủ trương thành lập Đoàn văn công Nông Tiến, phân công ông là Trưởng đoàn kiêm diễn viên chính, ông là tác giả một số kịch bản cải lương do đoàn dàn dựng, biểu diễn, nội dung vận động các tầng lớp nhân dân nổi dậy chống chính quyền Sài Gòn, lên án hành động bắt bớ, đánh đập người yêu nước, đòi thi hành Hiệp định Genève...

Ngoài ra, Đoàn văn công Nông Tiến còn diễn vở cải lương “Máu thắm đồng Nọc Nạn” của tác giả Phạm Ngọc Truyền, do ông đóng vai chính (Tám Luông) và được khán giả ở địa bàn Lấp Vò rất yêu thích.

Năm 1962, ông được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Vĩnh Long điều về công tác tại Đoàn văn công Cửu Long. Thời gian này, đạn bom kẻ thù dội xuống ào ạt. Và ông là một trong những cán bộ cốt cán, vừa sáng tác kịch bản, vừa là diễn viên chính.

Năm 1963, ông Huỳnh Thái Học- Phó trưởng Đoàn văn công Cửu Long- trong trận chiến đấu chống địch càn vào địa điểm đóng quân để bảo vệ đoàn đã anh dũng hy sinh! Vượt lên nỗi đau để tiếp tục biểu diễn phục vụ nhân dân, tập thể bầu ông làm Phó trưởng đoàn.

Năm ấy, ông sáng tác vở cải lương “Lửa lòng phật tử” với nội dung phản ánh khí thế sục sôi của đồng bào phật tử, cùng đồng bào cách mạng xuống đường biểu tình đòi chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm phải từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, sự đàn áp dã man của chế độ Sài Gòn đối với đồng bào phật tử, dẫn đến việc Đại đức Thích Quảng Đức tự thiêu để biểu thị tinh thần kiên cường, bất khuất trước mọi hành vi đàn áp tàn bạo của bọn Mỹ- Diệm.

Vở cải lương biểu diễn gần 1 giờ 30 phút, nhưng cuốn hút tình cảm đồng bào xem từ đầu đến cuối, không ngại gì bom đạn kẻ thù, trên các địa bàn xã Hòa Tân, An Khánh, Phú Long, Tân Nhuận Đông.

Chính quyền Sài Gòn thường dùng chùa của người Việt, người Khmer làm chỗ trú ẩn ban đêm; ban ngày thì bung ra bắt dân đào hào, đắp đê, chặt cây làm rào gai ấp chiến lược, gài chất nổ xung quanh ấp để giữ dân trong ấp, ngăn cán bộ cách mạng vào, với ý đồ tách dân ra khỏi Đảng;

đồng thời tuyên truyền, mua chuộc dân, kéo dân về phía chúng và bắt nam thanh niên đi lính, nữ thanh vào “Phụ nữ Cộng hòa”.

Bằng các tác phẩm sân khấu, đoàn văn công tập trung cao độ mọi hình thức, tuyên truyền bà con nhân dân chống phá ấp chiến lược ngay từ buổi đầu chúng đến lập ấp.

Năm 1967, ông nhận nhiệm vụ Trưởng Đoàn văn công Cửu Long, thay đồng chí Mười Xã đã hy sinh. Bên cạnh việc sáng tác, tập luyện và biểu diễn phục vụ đồng chí, đồng bào, ông tổ chức cho đoàn khai hoang đất làm lúa, tự lực một phần lương thực (chỉ phát và cấy lúa ban đêm để tránh địch phát hiện).

Có những lúc bị địch bố ráp, cô lập, đơn vị chỉ ăn cháo, ăn rau hoặc ăn cơm chan nước mắm, ông vẫn cố gắng ăn thật no và động viên anh chị em cùng ăn, để có đủ sức khỏe chiến đấu với kẻ thù.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn, các đơn vị trực thuộc ban này phải bám trụ, làm nhiệm vụ chuyên môn dù bất cứ khó khăn nào. Đoàn văn công ráo riết tập chập cải lương “Xuân quê hương” của tác giả Trọng Thu, chị Sáu Gái đảm trách vai chính.

Ngày 19/3/1969, đoàn đang tập dợt thì pháo địch nã vào ngay đội hình. Diễn viên múa Hồng Việt 19 tuổi được điều về đoàn chưa tròn tháng, đã bị mảnh đạn cắt vào mạch máu cổ. Chị Việt đã hy sinh giữa tuổi xuân tươi đẹp!

Cuối năm 1969, trong một trận càn của địch tại Kinh Mới (xã Mỹ Thuận, nay là xã Nguyễn Văn Thảnh), ông Tám Mộng cùng một đồng đội (chú Tư Kỳ) chạy về hướng hầm cá trê ẩn núp, địch nã đạn theo.

Chú Tư Kỳ hy sinh khi vừa đến miệng hầm, ông Tám bị thương rất nặng nhưng cố lết xuống hầm cá trê, nép vào một cái ngách, địch chạy theo đến nơi đụng xác chú Tư Kỳ nên bỏ đi.

Lần ấy ông không rơi vào tay địch nhưng phải chịu đau đớn với vết thương điều trị trên 18 tháng. Do không có vở diễn mới cho đoàn nên đoàn yêu cầu ông cố gắng viết vở cải lương “Cây tươi trên đất lửa”.

Khi đó, vết thương vừa tạm ổn, ông vừa điều trị vết thương vừa viết vở cải lương có nội dung nói lên sức sống mạnh mẽ của con người, dù đạn bom hủy diệt tàn khốc nhưng với ý chí và lòng dũng cảm, con người vẫn sống, chiến đấu kiên cường như cây trên đất lửa vẫn xanh tươi.

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm Mậu Thân, chính quyền Sài Gòn điên cuồng đẩy mạnh các cuộc càn quét đánh phá phong trào cách mạng.

Mỹ trút chất độc và bom hủy diệt màu xanh, sự sống con người ở các vùng nông thôn để thực hiện ý đồ “Bình định cấp tốc” (đối với nhiều vùng nông thôn quân, dân ta đã diệt sạch bót, đồn, mở rộng vùng kháng chiến, căn cứ cách mạng); chúng bắn phá nhà dân và dồn dân vào vùng kềm, vùng ven, thị trấn, thị xã.

Những năm này, đoàn văn công không ở căn cứ như trước (do địch xây dựng đồn, bót khắp nơi, vùng giải phóng bị thu hẹp) mà lưu diễn đến đâu thì mang theo nắp hầm, đào hầm bí mật đến đó hoặc tránh né địch càn, bằng cẩn mật ẩn vào những cụm vườn sầm uất cách đồn địch vài trăm mét hay áp sát rào đồn.

Đoàn thực hiện: đi không dấu, nấu không khói, nói đủ nghe, tập ca thì vào trảng xê tránh đạn, tập múa thì đờn miệng đủ nghe. Dù hoạt động trong điều kiện vô cùng gay go, ác liệt vậy nhưng đoàn vẫn không ngừng sáng tác, tập luyện và vẫn biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đồng bào.

Có thời gian đoàn văn công phải biểu diễn phân tán nhiều tổ: một người đờn, 2-3 người hát phục vụ từng nhóm cán bộ, du kích và đến từng gia đình chí cốt cách mạng, chỉ cách đồn địch vài trăm mét, đờn ca ở nhà sau với chiếc đèn bánh ú, phục vụ xong ở nhà này lại sang nhà khác.

Bà con gặp lại anh chị em trong đoàn xúc động nghẹn ngào nói: “Gặp được em cháu trong đoàn mới biết cách mạng còn. Ở ngoài này bọn bình định tuyên truyền: “Việt cộng chết và chiêu hàng hết rồi!”

Khoảng tháng 4/1972, đoàn văn công từ trên 40 người đã lần lượt hy sinh chỉ còn 9 người, được chuyển địa bàn về huyện Vũng Liêm.

Với tinh thần: “Người đi trước ngã, người đi sau phải dũng cảm tiến lên chiến đấu với kẻ thù, phải biến đau thương thành hành động”, anh chị em đoàn văn công luôn giữ vững khí tiết và vẫn đảm bảo hoạt động trong bất kỳ tình huống khó khăn nào.

Lúc này, đoàn không đủ người làm nhiệm vụ bảo vệ, ông Tám phải vừa ngồi trên tán cây cao quan sát, canh gác để kịp thời phát hiện sự xuất hiện của địch, vừa viết chập cải lương “Lửa đốt màn đêm”.

Viết xong, xuống hầm tránh đạn để thông qua kịch bản với đơn vị, sau đó dàn dựng cho đoàn biểu diễn, đã phục vụ đồng chí các đơn vị và đông đảo bà con trong vùng kháng chiến, mặc cho bom đạn kẻ thù rình rập.

Thời kháng chiến, bom đạn nổ trên đầu nhưng mỗi ấp, xã đều có đoàn văn công, đi trên sông ta vẫn nghe tiếng đờn, tiếng hát của chiến sĩ văn công.

Chính tiếng hát hừng hực lửa cách mạng đã hun đúc tinh thần những cán bộ, chiến sĩ ta và đã gieo vào lòng nhân dân vùng nông thôn hạt giống cách mạng, kêu gọi mọi người sẵn sàng hy sinh sức người, sức của kể cả việc đưa con em tiến ra chiến trường đấu tranh vì độc lập- tự do của đất nước.

Nét mặt ông Tám rực sáng niềm tự hào nói: “Giai đoạn địch ra sức càn quét quyết liệt, buổi sáng thức dậy nhìn thấy nhau mới biết mình và anh em còn sống.

Ngoài những anh chị em đã hy sinh thì số còn sống trở về sau ngày giải phóng miền Nam, đều bị thương từ 1 đến 5 lần. Vậy mà, trong những tháng năm máu lửa đó, tiếng hát của đoàn văn công vẫn vang lên không bao giờ tắt”.

Khi cuộc kháng chiến thành công, Đoàn văn công Cửu Long do ông làm Trưởng đoàn tiếp tục cất cao tiếng hát thúc giục người người thực hiện nhiệm vụ mới: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1978, ông đưa đoàn văn công ra miền Bắc biểu diễn ở tỉnh kết nghĩa Thái Bình. Vở cải lương “Gặp lại người cha” của ông được diễn ở rạp Cách Mạng Tháng 8 (một rạp hát lớn nhất ở Hải Phòng), được đông đảo người xem trong 7 đêm diễn liên tục.

Tác phẩm được kinh phí Trung ương hỗ trợ đầu tư những năm gần đây của ông là kịch bản chập cải lương “Tình dân ân Đảng” với chủ đề xây dựng nông thôn mới. Và kịch bản cải lương mà ông Tám rất tâm đắc là “Quyết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bây giờ, dù tuổi gần 90, sức khỏe cũng yếu đi nhiều, song ông vẫn nhiệt tình phối hợp với Ban Liên lạc Đoàn văn công và Phân hội Sân khấu thuộc Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long, đi vận động xin nhà cho những đồng đội còn khó khăn trong cuộc sống.

Đến nay, đã vận động được 5 “Mái ấm đồng đội” cho các chiến sĩ văn công khi xưa. Và hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, ông cùng cán bộ hội lại trở về vùng căn cứ xưa thăm các gia đình liệt sĩ của đoàn văn công, thắp hương cho liệt sĩ và mang những món quà xuân tình nghĩa về cho gia đình.

THÚY VÂN