Từ đâu tôi có bút hiệu Đài Liên?

02:06, 24/06/2018

Trước ngày miền Nam giải phóng, tôi và anh Điền cùng công tác ở Tiểu Ban Thông Tấn báo chí thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh.

Trước ngày miền Nam giải phóng, tôi và anh Điền cùng công tác ở Tiểu Ban Thông Tấn báo chí thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh.

Vì đều là phóng viên báo Anh Dũng (tên của Báo Trà Vinh khi đó) nhưng mỗi người làm một nhiệm vụ nên dù ở chung cơ quan cũng rất ít có dịp gặp nhau. Vào một ngày sắp đón Tết Nguyên đán năm 1973, tôi thấy trên mặt tờ báo Anh Dũng có bài viết của anh Trần Điền: “Kiên cường đất Nhị sông Dừa” (tên xã Nhị Long và con sông Dừa Đỏ) được thể hiện dưới dạng phóng sự.

Qua tựa bài viết, tôi thấy rất hấp dẫn bởi 4 chữ “Đất Nhị sông Dừa” vì nghe nó văn học làm sao. Nội dung bài phóng sự của anh Trần Điền nêu lên tinh thần yêu nước, yêu quê hương của quân dân xã Nhị Long (Càng Long) anh hùng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu chống địch hành quân lấn chiếm vùng giải phóng.

Đọc qua bài viết ấy, tôi hình thành ngay cho mình chủ đề mới để viết về vùng giải phóng đang có nhiều sức sống mới này.

Vậy là ngay sau đó tôi tiếp tục đi điều tra, thu thập thêm tư liệu và khi có được điều mình cần, tôi bắt tay ngay để viết về vùng đất kiên cường ấy. Bài viết của tôi lần đó cũng được thể hiện theo thể loại phóng sự. Đáng nhớ nhất là khi chọn tựa bài, tôi quyết định vẫn giữ lấy 4 chữ “Đất Nhị sông Dừa” để có cái tên- “Đất Nhị sông Dừa xanh màu no ấm”.

Trong bài viết này, tôi sử dụng một số nội dung trong phóng sự của anh Trần Điền. Về phần nội dung của mình, tôi đưa lên nhiều hình ảnh người dân từ vùng địch kiểm soát vượt qua rào gai, đồn giặc trở về quê hương sản xuất xây dựng cuộc sống mới.

Trong số này, có hình ảnh những nông dân dưới ánh trăng lấy đêm làm ngày cuốc đất đắp giồng trồng khoai, cấy lúa để tránh máy bay địch; những chị em chăm sóc chồi non cây ăn trái còn sót lại sau những lần địch phun chất độc khai quang.

Và cũng chính họ lại cùng nhau đào hầm, cấm chông chống giặc, đào công sự cho du kích chiến đấu chống địch càn quét bảo vệ vùng giải phóng.

Kết thúc bài viết, tôi đưa lên hình ảnh trong một ngôi nhà nhỏ của người dân ở ấp Đon được ngụy trang bằng những tàu lá dừa nước vang lên tiếng khóc của trẻ thơ. Hình ảnh này nói lên sức sống mới ở vùng giải phóng anh hùng này.

Hoàn thành bài phóng sự, tôi suy nghĩ khá lâu để rồi cuối cùng tìm được cái tên “Đài Liên”. Vì với tôi, bút danh này gắn được tên tôi và anh Trần Điền (nói láy).

Bài phóng sự “Đất Nhị sông Dừa xanh màu no ấm” sau đó được gửi đến Thông tấn xã Giải phóng và 2 ngày sau được phát lên sóng đài này và tiếp theo là Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Cũng sau bài phóng sự trên, tôi được Thông tấn xã Giải phóng gửi điện khen; đồng thời gợi ý tôi tiếp tục phản ánh về chủ đề- xây dựng vùng giải phóng và chống địch lấn chiếm. Được sự gợi ý này, sau đó tôi viết được nhiều bài viết về các vùng giải phóng ven sông Hậu của 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long với tên tác giả là Đài Liên.

Sau khi biết tôi lấy bút hiệu Đài Liên, anh Liên Tâm (khi đó không còn ở Tiểu Ban Thông tấn báo chí với tôi nữa mà đã về Tiểu Ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trà Vinh; sau này là Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Cửu Long và tỉnh Trà Vinh) nói: “Cái tên Đài Liên của chú em tao thấy hay hay đó, lấy luôn đi”.

Nghe vậy, nhiều bài viết sau đó tôi tiếp tục lấy bút danh Đài Liên. Với tôi, tên Đài Liên còn là một thông tin tôi gửi đến anh Trần Điền để anh biết là tôi vẫn khỏe và luôn nhớ về anh.

Hôm nay viết lại kỷ niệm này, lòng tôi nao nao nhớ về những tháng năm làm nghề báo trong kháng chiến và trong thương nhớ ấy có anh Trần Điền cùng những đồng nghiệp từng chia sẻ buồn vui…

TRỌNG LAI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh