Liên kết- cần sự đồng lòng

Cập nhật, 07:31, Thứ Năm, 15/04/2021 (GMT+7)

ĐBSCL được xem là vựa lúa của cả nước, chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu nhưng người trồng lúa chưa thể làm giàu. Trong khi khâu liên kết lúa gạo thiếu chặt chẽ dẫn đến nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung; đặc biệt vai trò của các hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết còn mờ nhạt.

Theo các nhà khoa học, sản xuất lúa của nông dân ĐBSCL vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL còn nhiều khâu trung gian và phụ thuộc rất lớn vào thương lái, đại lý vật tư nông nghiệp và chịu tác động rất lớn bởi yếu tố rủi ro do thiên tai, biến động của giá cả thị trường trong nước và thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy, hộ nông dân có diện tích trồng lúa dưới 2ha đang chiếm khoảng 86% trên tổng số hộ trồng lúa ở ĐBSCL. Trong khi nhiều hộ thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, phải thuê mướn máy móc, áp dụng cơ giới hóa chưa đồng bộ nên năng suất không cao và đặc biệt là phải bán lúa thông qua các “cò lúa” dẫn đến giảm nguồn thu nhập.

Nhiều địa phương cho rằng, là vựa lúa của cả nước nhưng ĐBSCL lại có rất ít doanh nghiệp chịu ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân nên luôn bị động trong khâu tiêu thụ mỗi khi giá lúa lên xuống bất thường. Do đó, nhất thiết phải có chính sách hỗ trợ cho nông dân được mua bán trực tiếp với doanh nghiệp chứ không nên thông qua tư thương.

Bộ Nông nghiệp- PTNT cho biết tới đây sẽ đề xuất các địa phương cắt giảm khoảng 500.000ha trồng lúa và chuyển sang trồng các loại nông sản khác để giúp chủ động thị trường. Và, mô hình cánh đồng lớn lời giải cho bài toán khó về “được mùa- mất giá” của nông dân, đồng thời liên kết- cần sự đồng lòng của “4 nhà”. Ông Phạm Thanh Bình- Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ)- đề xuất các địa phương cần nhân rộng mô hình này. Bởi, khi nông dân tham gia sẽ rất thuận lợi vì đã có doanh nghiệp đứng ra lo từ khâu đầu vào (giống lúa, vật tư nông nghiệp) cho đến khâu tiêu thụ với giá theo hợp đồng đã ký kết.

N. HOÀNG