Không còn là "cảnh báo"!

Cập nhật, 06:00, Thứ Sáu, 22/03/2019 (GMT+7)

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT), năm 2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Cụ thể, từ tháng 10/2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu ban hành. Riêng với sản phẩm thủy sản lần đầu tiên xuất vào Trung Quốc phải đăng ký để Trung Quốc kiểm tra, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mới được nhập.

Trung Quốc là một trong 5 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng áp đảo lên đến 75%, song, theo các chuyên gia trong ngành, việc Trung Quốc dựng rào cản, siết nhập khẩu nông sản đã khiến thị trường tiềm năng với 1,4 tỷ dân này không còn là thị trường dễ tính như trước kia.

Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2018, lãnh đạo ngành công thương nhấn mạnh, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với Việt Nam nữa, bởi giờ họ cũng theo thông lệ chung của quốc tế trong truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lấy ví dụ, trong 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trước đây, hiện Trung Quốc chỉ cấp phép cho 27 doanh nghiệp.

“Nếu chúng ta cứ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà không phát triển thị trường mới thì hệ lụy sẽ rất lớn”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảnh báo.

Rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Song, nông sản Việt vẫn đang xuất sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, xuất chính ngạch còn rất hạn chế. Tiểu ngạch quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao.

Lời “cảnh báo” cho nông sản Việt đã trở thành hiện thực.

HOÀNG HÀ