Miễn bình luận!

Cập nhật, 06:10, Thứ Tư, 13/03/2019 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa ban hành Thông tư 02/2019 “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam”.

Thông tư đính kèm “danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành”. Theo đó, 18 loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi được bộ cho phép lưu hành gồm: bắp, lúa, lúa mì, gluten, đậu, khô dầu, củ mì, hạt các loại, thức ăn thô, phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ các loại ngũ cốc, mía, các loại củ, các loại bã, thức ăn có nguồn gốc thủy sản, thức ăn có nguồn gốc động vật trên cạn, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu mỡ, dầu cá. Thông tư có hiệu lực từ ngày 11/2/2019.

Từ quy định này, có thể hiểu những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm lưu hành.

Điều đó đồng nghĩa với việc những sản phẩm thức ăn chăn nuôi vốn rất thông dụng là rau củ quả như cà rốt, rau muống (trừ khoai, sắn) hay bèo, chuối cây, hèm (bã nấu rượu), cơm canh cặn, các thức ăn thừa con người,… theo cách nuôi tập quán sẽ bị cấm.

Bình luận về quy định này, một chuyên viên pháp chế cho rằng rất bất hợp lý bởi đang áp dụng phương pháp quản lý “chọn cho”, tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Hiện nay không ít người vẫn duy trì nuôi heo gà truyền thống. Họ tận dụng thức ăn dư thừa, phụ phẩm nông nghiệp, mà người ta thường gọi là “heo sạch”, “gà sạch” bán đắt như tôm tươi cho những người quen, người có tiền ở đô thị và phải “đặt hàng” mới có.

Những người tiêu dùng loại “thịt sạch” này cho rằng: nghe báo đài nói nhiều về chất cấm trong chăn nuôi nên người dân lo lắng, chuyển sang săn thịt sạch, dù mắc tiền, khó tìm.

HOÀNG HÀ