Coi chừng "đi trước về sau"

Cập nhật, 06:21, Thứ Năm, 28/12/2017 (GMT+7)

Với người tiêu dùng chúng ta, gạo chất lượng cao phải là gạo trắng ít tấm hoặc không tấm và không còn tồn dư hóa chất. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi rất nhiều và đòi hỏi không chỉ là “gạo xịn” mà thương hiệu cũng phải “xịn”.

Ví dụ như Thái Lan, từ cuối năm 2016, ngành nông nghiệp nước này yêu cầu chỉ loại gạo nào có chứa ít nhất 92% loại gạo thơm Hom Mali mới được gán nhãn gạo Hom Mali.

Các loại gạo có tỷ lệ gạo Hom Mali từ 80% trở lên, có chứa hàm lượng tinh bột từ 20% trở xuống, sẽ được gọi là gạo Jasmine Thái Lan.

Nước này cũng lập cơ quan nghiên cứu giá trị gia tăng cho ngành gạo (API). Còn Ấn Độ cũng tập trung tăng tiêu chuẩn kỹ thuật gạo Basmati. Myanmar cũng tuyên bố tập trung vào chất lượng gạo.

Lâu nay Việt Nam thường xuất khẩu “gạo xá”, gạo đóng bao với tỷ lệ 5% tấm, 10% tấm hoặc 25% tấm…

Còn bây giờ, để nâng giá trị xuất khẩu hạt gạo, ta phải chuyển từ gạo trắng phẩm cấp thấp sang tăng dần tỷ trọng gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao... với các thương hiệu nổi tiếng trước nay.

Đã xuất hiện một số doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo nhằm phát triển bền vững cũng như định hướng tăng sản xuất lúa gạo chất lượng cao.

Tuy nhiên, đến giờ thì nông dân Việt Nam vẫn đang lúng túng không biết sản xuất lúa gạo theo VietGAP, GlobalGAP hay SRP...

Theo một chuyên gia của Tổ chức Control Union (Hà Lan), Việt Nam hiện có khoảng 4- 5 doanh nghiệp đang thực hành SRP.

Song, SRP chỉ là “hành vi tốt” (best practice) chưa phải là bộ tiêu chuẩn (standard) để các bên có thể đánh giá độc lập. Do đó, các doanh nghiệp vẫn đang chờ tín hiệu từ Viện Lúa quốc tế (IRRI) về việc nâng cấp SRP thành tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững.

Việt Nam là một nước sản xuất lúa gạo thuộc top đầu thế giới, nhưng nếu không thay đổi tư duy về thị trường, chất lượng sản phẩm và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thì coi chừng nông sản Việt Nam nói chung và sản phẩm gạo nói riêng sẽ sớm bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu.

Coi chừng “đi trước về sau” là vậy! 

HOÀNG HÀ