Để ớt đừng cay... đắng!

Cập nhật, 07:44, Thứ Ba, 19/12/2017 (GMT+7)

“100% mẫu ớt bột khảo sát đều nhiễm chất có thể gây ung thư”. Dòng tin lạnh lùng do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vừa công bố kết quả khảo sát, xét nghiệm các mẫu ớt bột do viện này thu thập được khiến không ít người cảm thấy vị ớt sao mà cay và… đắng.

Ớt được coi là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của đa số người dân. Ngoài ớt tươi thì các bà nội trợ hay các đầu bếp ở nhà hàng, quán xá hay sử dụng ớt bột để tạo cay, tạo màu.

Ơ cá kho nếu không có chút bột ớt vào sẽ thiếu đi chút hương sắc nâng tầm giá trị ẩm thực của món cá kho. Món dưa muối, dưa chua hay xoài lắc nếu không có ớt bột để “cân” với vị chua ngọt kia thì không biết sẽ ra sao nhỉ? Rồi ớt bột được “đầm” trong nồi lẩu Thái, món cà ri cay hay mì cay,...

Từ tháng 5- 6/2017, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thu thập ngẫu nhiên 48 mẫu ớt khô dạng bột (trong đó có 45 mẫu không nhãn mác) tại các chợ và tiệm tạp hóa ở 5 tỉnh- thành: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa- Vũng Tàu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, 100% mẫu ớt bột đều có sự hiện diện của aflatoxin (chất có thể gây ung thư gan), nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép.

Công bố của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh không khỏi gây cay đắng với những tín đồ ưa cay. Nhưng quan trọng hơn hết chính là giải quyết “đầu ra” cho người trồng ớt thế nào, hỗ trợ nông dân làm sạch ớt ra sao để ớt không còn chuyện “giải cứu” ớt khi bị dội chợ?

Bởi, các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân: các mẫu ớt bột có aflatoxin là do vấn đề thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản theo phương pháp thủ công mà không có sự kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp.

Cần lắm một quy trình sạch từ thu hoạch tại rẫy cho tới sơ chế, bảo quản để ớt nói không với aflatoxin và an toàn sức khỏe cho người sử dụng!

Mong rằng ớt cay cứ cay nhưng đừng cay… đắng! 

HOÀNG HÀ