Nông dân kỳ vọng

Cập nhật, 10:43, Thứ Tư, 08/06/2016 (GMT+7)

Sắp tới đây, Quốc hội khóa mới sẽ có phiên họp đầu tiên, công việc trọng tâm kỳ họp này chính là bầu chọn các chức danh trong Chính phủ cũng như các bộ trưởng, trưởng ngành.

Cử tri mong muốn, lĩnh vực nào cũng tìm được cán bộ xuất sắc nhất và Chính phủ mạnh mẽ, quyết tâm, gắn với dân.

Qua đó, Chính phủ phục vụ nhân dân để vượt qua thách thức trong giai đoạn mới, cả về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh và những khó khăn của nhiệm kỳ trước sẽ được giải quyết rốt ráo hơn.

Nhiều nhiệm kỳ qua, Chính phủ, lãnh đạo ngành luôn đề cập, nêu quan điểm “quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” nhưng 60% dân số là nông dân của cả nước ngày càng tụt hậu xa hơn trong mặt bằng xã hội.

Trong khi nông dân Việt Nam chịu nhiều hy sinh, mất mát trong mọi giai đoạn bảo vệ và phát triển của đất nước.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ luôn sẵn sàng đóng góp tất cả sức lực, trí tuệ, vật chất và cả tính mạng cho Tổ quốc. Nền kinh tế nước nhà vẫn luôn và đang còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của ngành nông nghiệp mà vấn đề phân bón là rất quan trọng...

Là chuyên gia Việt Nam về nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ Nông nghiệp- PTNT, TS. Đặng Kim Sơn trong cuộc phỏng vấn báo chí cuối tuần qua cho rằng: So sánh giữa tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp cho đất nước với mức đầu tư trở lại cho ngành này tại Việt Nam luôn có sự mất cân bằng.

Cụ thể, nông nghiệp đóng góp khoảng 18- 20% GDP, gần 19% trong tổng giá trị xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 50% lao động xã hội... nhưng đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp chỉ xấp xỉ 8%. Xã hội đang lấy đi từ nông nghiệp nhiều hơn là đầu tư, tái tạo cho nó suốt hàng chục năm qua.

Đầu tư và khai thác không cân bằng sẽ gây ra những hệ lụy từ việc nông dân không có khả năng tích lũy đến ô nhiễm môi trường, mất cân bằng tài nguyên tự nhiên. Đấy là chưa kể đến mức độ bảo hộ mậu dịch thấp, chênh lệch về cơ sở hạ tầng và dịch vụ… Một môi trường như vậy tất yếu không thể thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vào nông nghiệp.

Nông nghiệp không thể phát triển khi xã hội đang lấy đi nhiều hơn so với đầu tư trở lại cho nó. Phải thay đổi mạnh hơn tư duy rằng nông nghiệp, nông thôn là gốc, là nền của kinh tế- xã hội Việt Nam. 

HOÀNG HÀ