Bữa ăn công nhân

Cập nhật, 08:20, Thứ Ba, 31/05/2016 (GMT+7)

Hôm nay là ngày cuối cùng của Tháng Công nhân lần thứ 5, không biết rằng sau một tháng “Nghe công nhân nói- Nói để công nhân nghe” sẽ có sự chuyển biến như thế nào về đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp?

Chắc rằng cuộc sống công nhân còn nhiều nỗi lo cần được quan tâm chia sẻ. Ai một lần chứng kiến bữa ăn công nhân chắc chắn không khỏi chạnh lòng.

Theo thống kê, chúng ta có khoảng 265 khu công nghiệp, khu chế xuất ở 61/63 tỉnh- thành trên cả nước.

Có những nhà máy có tới hàng chục ngàn công nhân, đặc biệt có những bếp ăn tập thể một ngày phục vụ 20.000- 30.000 công nhân. Nhưng khẩu phần ăn cho công nhân thì đôi khi rất chênh lệch so với các vùng miền khác nhau, có những khu công nghiệp vẫn để suất ăn 9.000- 11.000đ cho công nhân.

Với một khẩu phần ăn như vậy, nếu kể cả lợi nhuận của người làm công tác chế biến, của các nhà thầu về cung cấp các suất ăn này thì giá thật của nó còn thấp hơn nữa. Công nhân nói vui đồ ăn là “canh toàn quốc và thịt nhìn xuyên thấu”.

Một vị cục trưởng kể lại, có lần ông lặn lội đến tận khu công nhân thuộc khu công nghiệp của một tỉnh nọ, ông thấy có những bữa ăn của công nhân chỉ 4.000- 5.000 đ/suất.

Họ chia sẻ với ông, lương của vợ chồng chỉ xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng, lại còn nuôi 2 con ăn học, rồi tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền thuê gửi con, tiền đi học cho con, đủ các loại tiền nên càng tiết kiệm được bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Một nghiên cứu gần đây của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về suất ăn công nghiệp của công nhân trên địa bàn một khu công nghiệp cho kết quả: 47,7% số công nhân trả lời cơm ăn không no và 51% cho rằng cơm không ngon và thiếu chất.

Rất mâu thuẫn, nếu tăng giá trị khẩu phần ăn lên mà giữ nguyên lương thì chủ doanh nghiệp nói bị lỗ và họ không chịu được. Nhưng ngược lại nếu tăng giá trị khẩu phần ăn lên mà giảm lương xuống thì công nhân cũng không chấp nhận. Bởi vì, người công nhân họ cần phải tiết kiệm để tăng thêm thu nhập.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, khảo sát của viện cho thấy đa phần chất lượng bữa ăn của công nhân rất mất cân đối. Việc cung cấp thiếu năng lượng dẫn đến người lao động bị bào mòn sức lực, họ rơi vào thực trạng “như ăn thịt mình”. 

HOÀNG HÀ